Bị cáo Đinh La Thăng: PVN đã xin ý kiến Thủ tướng khi đầu tư vào Oceanbank
- Pháp luật
- 14:09 - 21/03/2018
Bị cáo Đinh La Thăng khai trước toà ngày 20.3 (ảnh Thanh niên)
Báo Thanh niên tường thuật ngày làm việc thứ 2 của phiên tòa xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước và quản lý kinh tế gây hậu dquả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Ngân hàng thương mại cổ phần Đại dương (OceanBank). Liên quan đến ‘nút thắt’ của vụ án là việc xin ý kiến Thủ tướng (thời điểm góp vốn - PV) hay chưa, đại diện VKS và bị cáo Thăng đối đáp khá gay gắt. "Được hỏi “khi làm Chủ tịch hội đồng quản trị PVN, bị cáo ký quyết định 7289 ngày 1.10.2008 góp vốn vào PVN có xin ý kiến Thủ tướng chưa?”, bị cáo Thăng trả lời: 7289 không phải quyết định đầu tư mà chỉ là quyết định xin chủ trương đầu tư ra ngoài công ty mẹ PVN, góp vốn vào OceanBank. Sau khi Thủ tướng đồng ý thì PVN mới tiếp tục các khâu còn lại, như ra quyết định đầu tư và thực hiện. “Nghị quyết 7289 chỉ có giá trị khi thực hiện. Và nghị quyết này đã được Thủ tướng đồng ý thì PVN sau đó mới quyết định mua cổ phần”-Báo Thanh niên thuật lại.
Nói về việc thỏa thuận góp vốn với Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank), báo Điện tử Zing.vn thuật lại lời bị cáo Thăng khẳng định PVN làm theo trình tự, bị cáo Thăng nói tập đoàn này đã ký văn bản gửi Thủ tướng và các bộ ngành. Từ sự đồng tình của cơ quan chức năng, Thủ tướng đã đồng ý để PVN góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương.
Trước khi diễn ra phiên xử liên quan vụ VPN mất 800 tỷ khi đầu tư vào Oceanbank, ông Đinh La Thăng đang phải mang bản án 13 năm tù do liên quan vụ án khác. Ảnh chụp ngày 20/3: TTXVN.
Cựu Chủ tịch HĐQT PVN khẳng định ông và lãnh đạo tập đoàn luôn tuân thủ pháp luật, trình tự góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương. "Nếu có vấn đề gì thì cơ quan nhà nước đã có văn bản "thổi còi" nhưng tất cả đều đồng ý việc này. Các cơ quan kiểm tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước cũng không có bất cứ khuyến cáo nào và đã đồng ý, cấp phép việc tăng vốn diễn ra bình thường”, bị cáo Thăng trình bày tại tòa.
Liên quan đến việc ủy quyền cho các thành viên HĐTV PVN trong thời gian nghị quyết góp vốn lần 3 (100 tỷ) được ban hành trái Luật tổ chức tin dụng 2010, cựu chủ tịch HĐQT PVN nói chỉ ủy quyền điều hành hoạt động tập đoàn, không ủy quyền biểu quyết thay vào nghị quyết. Bên cạnh đó, chủ trương tăng vốn góp vào Ngân hàng Đại Dương PVN đã đề ra trước đó nhưng không nằm trong kế hoạch đầu tư vốn 2011. Thậm chí, ông Thăng từng chỉ đạo chuyển nhượng bớt cổ phần tại Ngân hàng Đại Dương.
Thông tin chi tiết về nội dung này, Báo Thanh niên cho biết, trong ngày 20.3, Hội đồng xét xử cho phép các luật sư hỏi bị cáo để bào chữa về tội cố ý làm trái quy định gây thiệt hại cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) 800 tỉ đồng khi góp vốn vào Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank).
Về hiệu quả đầu tư vào OceanBank, bị cáo Đinh La Thăng khẳng định việc góp vốn rất tốt, thể hiện năm 2010 làm ăn có lãi. Tuy nhiên, đại diện Viện Kiểm sát đọc lại kết luận thanh tra của Ngân hàng Nhà nước xác định đến 31.3.2012, kết quả kinh doanh OceanBank lỗ luỹ kế khoảng 922 tỉ đồng; báo cáo tài chính cuối 2011 lợi nhuận phân phối lãi 470 tỉ đồng, nhưng thanh tra chỉ rõ “âm” 1.108 tỉ đồng. “Tại toà, bị cáo khai PVN đánh giá khoản góp vốn có hiệu quả là thiếu căn cứ”, đại diện Viện Kiểm sát đưa ra quan điểm.
Bị cáo Đinh La Thăng cho rằng, kết quả hoạt động của OceanBank được các tổ chức kiểm toán độc lập đánh giá, có báo cáo tài chính công khai hàng năm. Thực tế, năm 2010, khi PVN mua cổ phần giá trị thị trường là “2 chấm” (20.000 đồng/cổ phần) mà PVN mua chỉ “1 chấm” (10.000 đồng/cổ phần), thậm chí lúc đó, OceanBank đang chia cổ tức 16%.
Theo thông tin trên Vnexpress.nét, ông Thăng khai, có đầu tư của PVN, Oceanbank phát triển nhanh chóng. Giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Dương năm 2011 từng báo cáo Oceanbank xếp loại A - ngân hàng bán lẻ tốt nhất.
Báo Thanh niên cũng thuật lại, bị cáo Thăng trình bày tại tòa, trong ba lần đầu tư lần một và lần hai là có hiệu quả, còn lần thứ ba bị cáo ủy quyền cho cấp dưới, nhưng với vai trò của người đứng đầu, bị cáo xin nhận trách nhiệm thay cho các bị cáo ở đây. "Dù không tham gia biểu quyết, dù nghị quyết đó không phù hợp quy định mới của pháp luật nhưng bị cáo nhận trách nhiệm người đứng đầu, người đã ủy quyền. Trước phiên tòa này, bị cáo sẵn sàng nhận trách nhiệm thay cho anh Thắng, anh Sơn, anh Quỳnh, anh Liêm, anh Trường, anh Đức. Ra xử có vấn đề gì mà không đúng, bị cáo xin nhận hoàn toàn trách nhiệm thay các anh đó", Zing.vn thuật lại lời bị cáo Đinh La Thăng.