Triệu tập nhiều Bộ, ngành liên quan trong vụ xét xử ông Đinh La Thăng
- Pháp luật
- 18:19 - 19/03/2018
Sáng nay (19/3), ông Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và 6 đồng phạm trong vụ “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đã bị đưa ra xét xử.
Chủ tọa xử phiên tòa này là thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu. Nữ thẩm phán này từng là chủ tọa phiên tòa xử các bị cáo trong vụ vỡ đường ống nước sông Đà vừa kết thúc ít ngày trước đó. Năm trước, thẩm phán Thu cũng là chủ tọa một phiên tòa rất được dư luận chú ý. Đó là phiên xử cựu đại biểu Quốc hội Châu Thi Thu Nga và đồng phạm.
Bị cáo Đinh La Thăng cùng các đồng phạm sáng nay (ảnh ANTD)
Trong vụ án này ông Đinh La Thăng có 5 luật sư bào chữa, trong đó có 3 luật sư đã từng bào chữa cho ông trong vụ án xử tháng 1.2018. Tại phiên tòa đó, ông Đinh La Thăng bị tuyên phạt 13 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, bồi thường 30 tỷ đồng. Sau đó ông Đinh La Thăng có đơn kháng cáo bản án này.
6 đồng phạm với ông Thăng trong vụ án này là Ninh Văn Quỳnh - nguyên Kế toán trưởng, kiêm trưởng Ban Tài chính kế toán và kiểm toán PVN; Vũ Khánh Trường - nguyên Thành viên HĐTV PVN; Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN; Nguyễn Xuân Thắng - nguyên Thành viên HĐTV PVN; Nguyễn Thanh Liêm - nguyên Thành viên HĐTV PVN và Phan Đình Đức - nguyên Thành viên HĐTV PVN.
Trong số các bị cáo trên, bị cáo Ninh Văn Quỳnh bị truy tố về 2 tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Bị cáo Đinh La Thăng và 5 bị cáo còn lại bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cụ thể, hôm nay Tòa đã triệu tập đại diện của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tuy nhiên đại diện của hai cơ quan này đã vắng mặt và Tòa sẽ tiếp tục triệu tập.
Trước đó trong phần thủ tục phiên tòa, các luật sư đã đề nghị triệu tập những người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến phiên tòa để đảm bảo sự khách quan, toàn diện trong quá trình xét xử. Cụ thể luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho ông Đinh La Thăng) đề nghị Tòa triệu tập đại diện của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch –Đầu tư để trong quá trình xét xử sẽ làm rõ thêm việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp vốn vào Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank).
Đại diện Viện KSND TP. Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa cũng nêu quan điểm, trong vụ án này đã vắng mặt nhiều nhân chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Vai trò của những người này là rất quan trọng, tuy nhiên do phiên tòa kéo dài nhiều ngày nên Tòa cần tiếp tục triệu tập. Trong trường những nhân chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không đến tòa theo giấy triệu tập cần áp dụng biện pháp buộc họ phải có mặt để tham gia tố tụng.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Cảnh báo bệnh tay chân miệng bùng phát mùa hè: cha mẹ cần biết gì?
Tay chân miệng – cơn ác mộng mùa hè của bé yêu nhà bạn? Đừng chủ quan! Bệnh có thể biến chứng nguy hiểm chỉ trong tích tắc. Cùng tìm hiểu chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng và cách...
3 tháng trước
Tin nên đọc