Bến Tre: Đào tạo nghề, xuất khẩu lao động góp phần đảm bảo an sinh xã hội
- Giáo dục nghề nghiệp
- 01:30 - 13/12/2018
Đổi mới, sáng tạo trong đào tạo nghề
Theo đánh giá từ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bến Tre, thời gian tới, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là rất lớn trên 10.500 lao động, với các ngành nghề như: Quấn dây điện ô tô, Chế biến rau quả, Chế biến thủy sản, Sản xuất bi, bánh răng, hộp số, các bộ phận điều khiển và truyền chuyển động, May công nghiệp, Sản xuất sợi, vải dệt thoi và hoàn thiện sản phẩm dệt, Sản xuất thiết bị chiếu sáng.
Ngoài ra, nhu cầu xuất khẩu lao động cho các nước trong khu vực và các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu, Trung Đông khá cao, dự kiến mỗi năm có 800 - 1.000 lao động cần đào tạo nghề, ngoại ngữ để đi xuất khẩu lao động tại các thị trường ngoài nước.
Trên cơ sở dự báo nhu cầu tuyển dụng lao động hàng năm của các khu, cụm công nghiệp ngoài tỉnh khoảng 600.000 lao động/năm. Trong đó, lao động trong tỉnh đi làm việc tại các tỉnh chiếm 5%, với các ngành nghề như: ngành dệt may- da giày, ngành dịch vụ, ngành Cơ khí - Công nghệ ô tô xe máy.
Sau khi tốt nghiệp có khoảng trên 80% người lao động tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm
Như vậy, nhu cầu lao động qua đào tạo nghề nghiệp phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thị trường lao động các tỉnh trong khu vực và xuất khẩu lao động là rất lớn.
Ông Nguyễn Minh Lập – GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bến Tre cho biết: Năm 2018, toàn tỉnh đã tuyển sinh và đang đào tạo 9.750 người, đạt 92,85%. Dự kiến tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 56,10%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 28,05%.
Trình độ cao đẳng và trung cấp tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt bình quân trên 80%. Một số ngành nghề tỷ lệ có việc làm đạt 100% sau 03 tháng tốt nghiệp như nghề Điện công nghiệp, Cắt gọt kim loại.
Đối với sơ cấp và đào tạo thường xuyên chủ yếu là đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo đề án 1956, tổ chức đào tạo theo nhu cầu từng địa phương sau khi hoàn thành khoá học giải quyết việc làm tại chỗ và phục vụ cho lao động sản xuất tại địa phương. Sau khi tốt nghiệp có khoảng trên 80% người lao động tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm (tùy theo từng ngành nghề đào tạo như: kỹ thuật chế biến món ăn cho trẻ đạt 90%, nghề may công nghiệp đạt từ 80%, nghề đan đát, bó chổi đạt 90%; nghề điện dân dụng và các nghề nông nghiệp có khoảng 70% ); người học nghề nông nghiệp đã áp dụng kiến thức học tập vào điều kiện sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động.
Từ kết quả trên cho thấy, tỉnh Bến Tre đã có nhiều đổi mới sáng tạo trong đào tạo nghề và tỷ lệ lao động có việc làm ổn định sau học nghề là rất cao góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế địa phương.
Xuất khẩu lao động con đường hữu hiệu để thoát nghèo
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong hai năm 2016 - 2017, toàn tỉnh có hơn 3 ngàn NLĐ đăng ký đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thị trường được NLĐ chuộng nhất là Nhật Bản, kế đến là Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia. Huyện Ba Tri có số người đăng ký đi làm việc ở nước ngoài cao nhất với 1.652 người, ít nhất là huyện Chợ Lách 101 người. Số lao động đã trúng tuyển trong hai năm là 1.436 người, đạt tỷ lệ 130,5%, vượt 30,5% so với kế hoạch (kế hoạch hai năm 2016 - 2017 là 1.100 người). Trong hai năm 2016 - 2017, số lao động đã về nước là 856 người.
Đạt được kết quả trên là do sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu quyết liệt của các địa phương, sự phối hợp tích cực của các ngành, các cấp, các hội, đoàn thể và nhận thức của NLĐ đã có sự chuyển biến tích cực; thị trường lao động có thu nhập cao, ít rủi ro, thu hút ngày càng nhiều NLĐ tham gia. Các huyện Ba Tri, Giồng Trôm đã thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu rất nhiều so với kế hoạch đề ra. Một số xã có NLĐ tham gia XKLĐ nhiều là Bình Thành, Bình Hòa, Tân Thanh (Giồng Trôm); An Thủy, Bảo Thuận (Ba Tri) và Thạnh Phước (Bình Đại).
Ông Đoàn Hải Nam – PGĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bến Tre nhận định: Qua thu thập thông tin từ số lao động đã xuất cảnh trong hai năm 2016 - 2017, đời sống và thu nhập của NLĐ ổn định. Mức thu nhập bình quân của lao động làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc khoảng 25 - 30 triệu đồng/người/tháng; lao động làm việc tại Đài Loan có mức thu nhập bình quân khoảng 15 triệu đồng/người/tháng. Sau khi đã trừ các khoản chi phí cho sinh hoạt, NLĐ có thể tích lũy được từ khoảng 60 - 75% để gửi về gia đình.
Bộ đội xuất ngũ tham gia hội thảo về xuất khẩu lao động
Lao động làm việc ở nước ngoài trở về Việt Nam đều tìm việc làm ngay để có thêm thu nhập, một số trường hợp NLĐ sau khi hoàn thành hợp đồng về nước trở thành chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh như: bán thức ăn gia súc, sửa đồ điện, sửa chữa và mua bán điện thoại di động, cửa hàng cơ khí, cơ sở sản xuất thạch dừa… đặc biệt có 2 lao động được thuê làm giám đốc điều hành tại công ty của Nhật Bản về lĩnh vực công nghiệp, chế biến nhựa và gia công khuôn dập kim loại tại Long An và TP. Hồ Chí Minh.
Trong hai năm 2016 - 2017, trên địa bàn tỉnh có 38 lao động mẫu mực được sang Hàn Quốc làm việc lần hai và có 15 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc được gia hạn hợp đồng.
Theo báo cáo từ Sở LĐ-TB&XH, số lao động đã về nước tính đến hết tháng 6/2018 là 3.905 người. Qua khảo sát của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại các địa phương, hầu hết các lao động hết hợp đồng XKLĐ về nước đều có việc làm và thu nhập ổn định. Các lao động này trở về nước khởi nghiệp với công việc kinh doanh, làm việc tại các khu công nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và một số tiếp tục tham gia XKLĐ ở những thị trường các nước khác