THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:19

Bến Tre: Chủ động phòng, chống bạo lực xâm hại phụ nữ và trẻ em

 

Bình đẳng giới là yếu tố cơ bản nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội 

Nhằm góp phần nâng cao nhận thức về công tác cán bộ nữ, xóa bỏ các định kiến, các quan niệm không phù hợp về vai trò của nam và nữ trong gia đình và xã hội, Bến Tre đã tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ đến tận các địa phương.

Theo đó,  các hoạt động tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình bằng nhiều hình thức như: treo băng rôn, khẩu hiệu tại các địa bàn khu dân cư và những địa phương thường xuyên xảy ra bạo lực trên cơ sở giới và bất bình đẳng về giới; tăng cường công tác chia sẻ thông tin trên các Website của tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh còn đẩy mạnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về Bình đẳng giới. Trước hết là quy định về độ tuổi đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm. Hỗ trợ nâng cao năng lực cho nữ lãnh đạo trẻ thông qua việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án nâng cao năng lực.

Các cơ quan, ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh, huyện, xã, các trường học, tổ hòa giải, tuyên truyền viên pháp luật, trưởng ấp và người dân thông qua Tổ nhân dân tự quản; phối hợp thực hiện các chuyên trang “Hôn nhân và gia đình”, Phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thực hiện chuyên trang “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010- 2020” trên Bản tin Tư pháp tập trung tuyên truyền những quy định pháp luật, chính sách của nhà nước về bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình nguyên nhân do bất bình đẳng giới đến người dân ở cơ sở.

Xe lưu động tuyên truyền về Chủ động phòng, chống bạo lực xâm hại phụ nữ và trẻ em


Thực hiện sinh hoạt Ngày pháp luật định kỳ vào sáng thứ hai hàng tuần tại đơn vị để kịp thời phổ biến quy định của pháp luật về bình đẳng giới đến cán bộ, công chức và người lao động trong đơn vị. Việc tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ còn được thực hiện thông qua Chuyên mục “Pháp luật và Đời sống truyền hình, phát thanh và tư vấn pháp luật trực tiếp trên Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh; viết tin, bài đăng trên trang thông tin điện tử.

Ngoài ra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới còn được thực hiện thông qua công tác hòa giải ở cơ sở. Toàn tỉnh hiện có 983 tổ hòa giải với 7.718 hòa giải viên. Lực lượng này thường xuyên được tập huấn về kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải ở cơ sở, đáp ứng được yêu cầu trong công tác hòa giải ở cơ sở, phòng, chống bạo lực gia đình.

Theo ông Đoàn Hải Nam – PGĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bến Tre: Trong năm 2017, đã thực hiện trợ giúp pháp lý cho 59/112 người là phụ nữ, chiếm 55,37%; thực hiện 21 cuộc trợ giúp pháp lý lưu động với 433/782 người dân là nữ, tỷ lệ 53,8%. Tham gia 13 lượt sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý với 226/473 người dân nữ tham gia, chiếm tỷ lệ 47,8%.

“Hiện nay, tỉnh Bến Tre có 268 Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp. Trong đó ngành và các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, các cơ sở hoạt động kinh tế; 9/9 huyện, thành phố; 164/164 xã, phường, thị trấn”. Ông Nam cho hay.

Bình đẳng giới là chìa khóa để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em

Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2018;  Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11/2018.

Cùng với lễ phát động, tỉnh Bến Tre tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Tôn vinh gương điển hình trong các lĩnh vực liên quan đến bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; Các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn căn cứ vào đặc điểm tình hình và điều kiện của từng địa phương tổ chức các hoạt động như: hội thi, giao lưu văn nghệ, thể thao,... với chủ đề bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em; Phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra các hoạt động, sản phẩm, phương tiện thông tin, truyền thông liên quan đến bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.

Thông qua việc triển khai Tháng hành động đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cán bộ và người dân đối với công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Trong thời gian qua đã có nhiều vụ bạo lực trên cơ sở giới đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em được các phương tiện thông tin đại chúng và người dân phản ánh, đưa ra ánh sáng để đòi lại công bằng cho nạn nhân.

Ngày càng có nhiều phụ nữ là nạn nhân bị bạo lực đã dũng cảm lên tiếng tố cáo hành vi bạo lực, nhiều thủ phạm gây bạo lực đã được các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm, thể hiện tính răn đe của pháp luật.

Theo ông Đoàn Hải Nam: Để công tác bình đẳng giới đạt kết quả hơn nữa trong thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (cơ quan thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh) đề xuất Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam tăng cường giúp các tỉnh làm tốt hơn nữa công tác tập huấn kỹ năng lồng ghép giới cho thành viên Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp. Tăng cường công tác kiểm tra và giám sát việc thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới tại các địa phương để kịp thời có biện pháp hỗ trợ những khó khăn, vướng mắc của địa phương.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh