Bảo vệ trẻ em trong phòng, chống tác hại rượu, bia
- Dược liệu
- 13:04 - 14/05/2019
Tác động của rượu, bia đối với trẻ em sẽ ảnh hưởng đến chức năng nhận thức và thay đổi não bộ đang phát triển.
UNICEF nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia là cần thiết, nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để bảo vệ trẻ em tốt hơn trên cơ sở hài hòa với các chuẩn mực quốc tế; giải quyết tác động tiêu cực tiềm tàng của rượu, bia đối với sức khỏe của trẻ em và người chưa thành niên; tăng cường vai trò của các bên liên quan; đảm bảo tính tương thích với các văn bản pháp luật quốc gia khác như Luật Trẻ em 2016.
UNICEF đã đưa ra các khuyến nghị đối với Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia. Cụ thể, về tuổi trẻ em và việc cấm rượu bia, hạn chế nghiêm ngặt việc cung cấp và sử dụng rượu bia đối với tất cả những người chưa thành niên (dưới 18 tuổi và trẻ em). Về khuyến mại và quảng bá các sản phẩm bia rượu, cấm quảng cáo, tiếp thị và tài trợ bia rượu dưới mọi hình thức nhằm vào trẻ em và vị thành niên; cấm sử dụng các em trong các hoạt động với mục đích thúc đẩy tiêu thụ rượu, bia; sử dụng biện pháp giám sát hiệu quả đối với quảng cáo và tiếp thị; đưa ra các quy định chặt chẽ đối với các phương tiện thông tin đại chúng để bảo vệ vị thành niên.
Về trách nhiệm của khu vực tư nhân trong việc thực hiện quyền trẻ em, cấm sử dụng người chưa thành niên trong hoạt động sản xuất và buôn bán bia rượu; xây dựng các biện pháp ngăn chặn người chưa thành niên tiếp cận với bia rượu; cấm người lớn đưa người chưa thành niên đến các cơ sở tiêu thụ rượu bia lớn như quán bar, vũ trường.
Còn về bảo vệ trẻ em khỏi lạm dụng, bạo lực và bóc lột, tăng cường các dịch vụ hỗ trợ cho trẻ em và phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình hoặc ngược đãi; xác định rõ vai trò, trách nhiệm và sự tham gia của cộng đồng, cha mẹ và người chăm sóc trẻ em, và trẻ em trong việc phòng chống lạm dụng bia, rượu; xây dựng các biện pháp giám sát việc người chưa thành niên tiếp cận với rượu.
Biểu tượng thông điệp của chiến dịch "Tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về quy định không bán rượu,bia cho người dưới 18 tuổi" được đặt tại các cửa hàng kinh doanh rượu trên địa bàn TP Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị An, đại diện tổ chức Health Bridge, kiến nghị về tác động của bia, rượu đối với trẻ em: Cần áp dụng đồng loạt các quy định về kiểm soát quảng cáo đối với tất cả sản phẩm rượu, bia dưới 15 độ. Bởi dự thảo Luật hiện phân chia mức độ kiểm soát khác nhau tương ứng với nồng độ cồn trong sản phẩm (dưới 5.5 độ, từ 5.5 đến dưới 15 độ), trong đó các quy định kiểm soát quảng cáo đối với sản phẩm có độ cồn dưới 5.5 độ lỏng lẻo hơn so với các sản phẩm có độ cồn từ 5.5 đến dưới 15 độ. Quy định cấm quảng cáo trên các ẩn phẩm báo in, vì dự thảo không có hạn chế nào với quảng cáo trên báo in (ngoại trừ ấn phẩm dành cho trẻ em), điều này sẽ khiến báo in được sử dụng để quảng cáo rộng rãi. Không cho phép quảng cáo rượu, bia trên internet với lý do, khó kiểm soát thanh thiếu niên và trẻ vị thành niên tiếp cận với thông tin quảng cáo rượu, bia trên internet và mạng xã hội. Cấm tài trợ cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, vì khi các sự kiện tài trợ được phát sóng trên tivi, hay truyền thông trên các kênh thông tin đại chúng thì chúng cũng gây ảnh hưởng giống như các hình thức quảng cáo trực tiếp.
“Trên thế giới đã có 43 quốc gia cấm hoàn toàn hoạt động khuyến mại, tài trợ bia gắn với các sự kiện thể thao và 20 quốc gia cấm một phần”, bà An cho hay.