THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:26

Đà Nẵng: Lo ngại tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật

Người chưa thành niên vi phạm pháp luật tăng

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng, địa phương hiện có 217.664 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 21,6% dân số. Trong đó, có 2.704 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, bao gồm trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ khuyết tật, trẻ em vi phạm pháp luật...

Được biết đến là một thành phố trẻ có tốc độ đô thị hóa nhanh, đời sống người dân từng bước được nâng cao, thế nhưng cùng với sự phát triển, Đà Nẵng cũng đang phải đối mặt với mặt trái của sự phát triển đó là các vấn đề về tệ nạn xã hội, đặc biệt đối với giới trẻ, trong đó lo ngại tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật gia tăng. 

 

Trẻ vị thành niên rất dễ sa vào con đường phạm tội nếu thiếu đi sự quan tâm, giáo dục của gia đình

Thông tin tại hội nghị về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em được tổ chức mới đây tại TP. Đà Nẵng cho thấy: năm 2011, địa phương có 229 vụ việc người chưa thành niên vi phạm pháp luật với 408 đối tượng; năm 2012 có 209 vụ với 283 đối tượng; năm 2013 là 183 vụ với 260 đối tượng; năm 2014 con số này là 122 vụ với 157 đối tượng thì năm 2015, Đà Nẵng tăng mạnh số lượng các vụ người chưa thành niên vi phạm pháp luật với 155 vụ, 236 đối tượng (tăng 33 vụ; 79 đối tượng so với cùng kỳ 2014).  Hành vi của các em chủ yếu là: trộm cắp tài sản, gây rối, cố ý gây thương tích, sử dụng trái phép chất ma túy…

Theo Trung tá Đặng Ngọc Việt, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Công an TP. Đà Nẵng (PC45) cho biết, hầu hết trẻ em vi phạm pháp luật trên địa bàn thời gian qua tập trung ở lứa tuổi từ 16-18 tuổi. Ở lứa tuổi chưa thành niên, các em thường muốn tự khẳng định mình nhưng phần lớn ở lứa tuổi này các em chưa có đủ nhận thức cũng như sự hiểu biết về nhiều vấn đề trong cuộc sống, dẫn đến chưa phân biệt được sự đúng, sai mà chủ yếu hành động mang tính bột phát nhiều hơn.

Trung tá Đặng Ngọc Việt cũng cho rằng, chính sự thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng sống, dễ bị kích động và khó tự kiềm chế bản thân nên khi gặp những trường hợp bị kích động, các em rất dễ lâm vào con đường phạm tội. Nhất là đối với một số trẻ vị thành niên, thường xuyên thiếu sự quan tâm, đi sâu đi sát của gia đình cũng là nguyên nhân khiến các em chán nản, bỏ học theo bạn xấu rủ rê. Bằng chứng, trong số người chưa thành niên vi phạm pháp luật ở Đà Nẵng, số em bỏ học chiếm tỷ lệ khá cao và có xu hướng tăng.

Cảm hóa, giáo dục thiếu niên hư, vi phạm pháp luật

Thời gian qua, bằng nhiều giải pháp, Đà Nẵng đã triển khai nhiều chương trình, chính sách nhằm trợ giúp, hỗ trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn.

Trong đó phải kể đến việc thực hiện chỉ thị 24-CT/TU của Thành ủy Đà Nẵng về đẩy mạnh công tác phối hợp giúp đỡ học sinh bỏ học và thiếu niên hư, vi phạm pháp luật. Theo đó, các ngành chức năng, các hội đoàn thể, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp phối hợp thực hiện công tác cảm hóa, giáo dục thiếu niên hư, vi phạm pháp luật. Xuất phát từ tình hình thực tế, 29 mô hình điểm về quản lý, giáo dục người chưa thành niên làm trái pháp luật và trẻ em có nguy cơ làm trái pháp luật tại cộng đồng đã được xây dựng.

Có thể kể đến như mô hình “Toàn dân tham gia giáo dục giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư”; “Người chưa thành niên không vi phạm pháp luật”; “Vùng giáo 3 không: không có tội phạm, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, không có người vi phạm pháp luật”...

Đặc biệt, liên ngành Công an- Cựu Chiến binh- Đoàn Thanh niên đã tổ chức đưa 482 lượt em thiếu niên hư, vi phạm pháp luật đi dã ngoại tại Khu du lịch Bà Nà, tham quan thực tế tại Trường Giáo dưỡng số 3, Trại tạm giam Hòa Sơn và dự buổi gặp mặt, nói chuyện với của Bí thư Thành ủy, qua đó giúp các em nhận thức được hậu quả của các hành vi sai trái, phấn đấu sửa đổi bản thân. Theo đó, đến nay kết quả đã có 522/592 em tiến bộ, đạt tỉ lệ 88,17%

Trung tá Đặng Ngọc Việt cho rằng, rất cần tạo mọi điều kiện để người trong độ tuổi lao động có việc làm, ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập để các em đều được đến trường, tránh xa các tệ nạn xã hội và không rơi vào con đường phạm tội khi cánh cửa cuộc đời còn chưa kịp mở ra. 


BÙI MINH/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh