Bảo vệ quyền của người chưa thành niên trong lao động
- Dược liệu
- 03:26 - 24/04/2019
Dự hội thảo có bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam; bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH; bà Lê Thị Nguyệt – Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; ông Tạ Văn Hạ - Ủy viên thường trực Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội, bà Lesley Miller - Phó trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam; cùng đại diện các bộ, ban, ngành, tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ liên quan và đại diện nhóm thanh niên.
Nghèo đói là nguyên nhân chính dẫn đến trẻ em tham gia các hoạt động kinh tế
Bộ luật Lao động (BLLĐ) của Việt Nam được ban hành ngày 23/6/1994, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/1995 và đã qua bốn lần sửa đổi, bổ sung vào các năm: 2002, 2006, 2007 và 2012; trong đó, lần sửa đổi năm 2012 là lần sửa đổi toàn diện.
Sau nhiều năm áp dụng thực thi trên thực tế, việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 và các luật có liên quan, trước sự hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong những năm gần đây. Đòi hỏi BLLĐ cần phải tiếp tục được hoàn thiện, nhất là những bất cập, vướng mắc trong những qui định có liên quan đến lao động chưa thành niên cần phải được nghiên cứu, xem xét để sửa đổi, bổ sung.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, thực tiễn Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực liên quan đến việc phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em (LĐTE) như hoàn thiện luật pháp, chính sách đến triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên vấn đề phòng ngừa và giảm thiểu nguy cơ LĐTE trái qui định của pháp luật còn nhiều khó khăn. Trong đó, vấn đề nghèo đói vẫn được xem là nguyên nhân chính dẫn đến trẻ em tham gia các hoạt động kinh tế và từ đó dẫn đến nguy cơ LĐTE trái qui định của pháp luật.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, nghèo đói vẫn được xem là nguyên nhân chính dẫn đến trẻ em tham gia các hoạt động kinh tế.
Thứ trưởng cho biết, quyền của người chưa thành niên trong sửa đổi BLLĐ là một trong những nội dung quan trọng được BLLĐ qui định thành một chương riêng (chương 11 những qui định riêng đối với lao động chưa thành niên và một số lao động khác). Nội dung dự thảo BLLĐ hiện vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 và quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân trong lao động và yêu cầu bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em cũng như đặt ra các qui định nhằm nghiêm cấm lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.
Vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà mong muốn các đại biểu tập trung đề xuất các qui định nhằm bảo vệ quyền làm việc, lao động phù hợp với lứa tuổi để không ảnh hưởng đến việc học tập, sự phát triển thể chất, tinh thần của người chưa thành niên, trong đó tập trung chủ yếu vào bốn nhóm vấn đề: Xác định độ tuổi lao động phù hợp; các nguyên tắc tuyển dụng và sử dụng lao động chưa thành niên; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi phù hợp; công việc và địa điểm làm việc phù hợp với người lao động chưa thành niên.
“Việc đưa những qui định bảo vệ quyền trẻ em người chưa thành niên trong lao động là hết sức quan trọng, góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững của doanh nghiệp và đáp ứng yêu cầu hội nhập về thương mại của Việt Nam. Đặc biệt khi Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP và trong tiến trình cũng có thể sẽ ký kết, phê chuẩn các hiệp định khác”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.
Cần cụ thể hóa một số điều trong BLLĐ, tránh chung chung
Về sự cần thiết cũng như mục đích của việc sửa đổi BLLĐ, ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, sửa đổi BLLĐ lần này sẽ là sửa cơ bản, toàn diện nhằm góp phần thúc đẩy thị trường lao động phát triển; giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau 5 năm áp dụng trên thực tế và tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn về tuyển dụng, sử dụng lao động, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam. Đáp ứng các yêu cầu thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 về các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong lĩnh vực lao động và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Ông Mai Đức Thiện cho biết, sửa đổi BLLĐ lần này nhằm bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Về nội dung sửa đổi liên quan đến người chưa thành niên, ông Mai Đức Thiện nêu rõ: Bảo vệ quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc của Công dân (Điều 35 Hiến pháp); Nghiêm cấm sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu; Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; Nghiêm cấm lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em; Người chưa thành niên, trẻ em khi tham gia lao động với tư cách là NLĐ thì ngoài việc phải tuân thủ các quyền, nghĩa vụ cơ bản về điều kiện lao động (hợp đồng lao động, đào tạo nghề, tiền lương, thời giờ làm việc, an toàn vệ sinh lao động, kỷ luật lao động trách nhiệm vật chất…) thì còn phải tuân thủ các quy định riêng cho lao động chưa thành niên.
Còn đối với nội dung sửa đổi nhóm điều luật liên quan đến trẻ em, người chưa thành niên bao gồm: Xác định độ tuổi lao động tối thiểu; Đưa ra nguyên tắc tuyển dụng và sử dụng lao động chưa thành niên; Xác định thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi hợp lý; Xác định công việc và địa điểm làm việc phù hợp. Cụ thể, độ tuổi qui định, độ tuổi lao động tối thiểu là từ đủ 15 tuổi trở lên; NLĐ chưa thành niên là NLĐ chưa đủ 18 tuổi (có 3 mốc tuổi: chưa đủ 13 tuổi, đủ 13 đến chưa đủ 15 tuổi, đủ 15 đến chưa đủ 18 tuổi).
Về thời giờ làm việc hợp lý, thời giờ làm việc của người chưa đủ 13 tuổi không quá 1 giờ/1 ngày hoặc 5 giờ/1 tuần. Người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi không được quá 4 giờ/1 ngày hoặc 20 giờ/ 1 tuần. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không được quá 8 giờ/1 ngày hoặc 40 giờ/1 tuần. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong một số nghề và công việc.
Ông Đoàn Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm REACH đưa ra những khuyến nghị về đào tạo nghề, doanh nghiệp tuyển dụng lao động là người yếu thế, như: Thiết kế chương trình đào tạo phù hợp bao gồm các kỹ năng nghề, kỹ năng mềm, kỹ năng sẵn sàng làm việc, tư vấn tâm lý, tạo điều kiện hòa nhập thực sự; Cơ sở vật chất thân thiện với người khuyết tật; Cải thiện kỹ năng làm việc với các nhóm yếu thế của giáo viên.
Ông Đoàn Tuấn Dũng khuyến nghị: Doanh nghiệp nên thay đổi quan niệm, nhìn nhận đối với các nhóm yếu thế như một lực lượng lao động tiềm năng.
Doanh nghiệp nên thay đổi quan niệm, nhìn nhận đối với các nhóm yếu thế như một lực lượng lao động tiềm năng; Tham gia vào chương trình đào tạo cho các nhóm yếu thế và xây dựng cơ sở vật chất, quy định phù hợp tạo điều kiện để họ phát huy năng lực. Ngoài ra, Nhà nước và các tổ chức xã hội làm cầu nối giữa cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và người yếu thế; Xây dựng các chương trình định hướng cho cơ sở đào tạo, doanh nghiệp làm việc với người khuyết tật, nhóm yếu thế…
Các đại biểu đều cho rằng, trong BLLĐ sửa đổi cần qui định rõ ràng độ tuổi lao động làm việc tối thiểu và các trường hợp ngoại lệ; Cần cụ thể hóa một số điều trong BLLĐ, Luật người khuyết tật bằng văn bản hướng dẫn, tránh chung chung; Cần xây dựng hướng dẫn cách làm việc, đối xử với người yếu thế, giúp hòa nhập tai doanh nghiệp…
Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, dự án BLLĐ (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 7 tới.