CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:18

Bảo tồn và phát triển văn hoá – con người Huế

Bảo tồn và phát triển văn hoá – con người Huế - Ảnh 1.

Một tiết mục trong Chương trình Về miền Hương Ngự tại Festival Huế năm 2016

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, từ hơn 700 năm trước, Thừa Thiên Huế đã là vùng đất tích tụ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử. Di sản văn hóa Huế là tài sản đặc biệt quý giá ẩn chứa những giá trị tinh hoa văn hóa qua nhiều giai đoạn lịch sử nối tiếp nhau. Đặc biệt trong thời kỳ Huế là trung tâm chính trị, văn hóa quan trọng của Việt Nam qua 3 thế kỷ, từ cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XX. Tài sản đó thể hiện rõ sự kết tinh các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể qua, kiến trúc, âm nhạc, lễ nghi, ẩm thực, ngành nghề thủ công truyền thống,... hòa quyện vào môi trường thiên nhiên để tạo nên một vùng đất đặc biệt. Người dân Huế luôn lịch thiệp, hiếu học, con người và cộng đồng dân cư luôn có ý thức giữ gìn nét đẹp văn hóa. Chính các giá trị đặc sắc trên là nền tảng quan trọng cho sự phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay.

Huế bảo lưu trong lòng mình nhiều di sản vô giá, mang tầm vóc thế giới. Huế đã trở thành "Một điểm đến, 7 di sản", có nhiều di tích và di sản cấp Quốc gia và Quốc gia đặc biệt.  

Giá trị văn hóa là nền tảng cốt lõi của mỗi quốc gia, với việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị Văn hóa Huế - Con người Huế sẽ làm cho Thừa Thiên Huế xứng tầm là Trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc của Việt Nam. Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 54/NQ-TW  về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Hiện tỉnh Thừa Thiên Huế đang tập trung phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di tích Cố đô Huế và bản sắc Văn hóa Huế. Do vậy, việc xây dựng Đề án "Văn hóa Huế - Con người Huế: Bảo tồn và phát triển" là rất cần thiết để đáp ứng phục vụ kịp thời các chương trình, kế hoạch của tỉnh, đồng thời sẽ cung cấp các dữ liệu cần thiết để UBND tỉnh đề nghị công nhận các danh hiệu di sản văn hóa cấp Quốc gia và quốc tế.

Đề án hướng đến mục tiêu xây dựng nền văn hóa và con người Thừa Thiên Huế phát triển toàn diện, đảm bảo sự hài hòa, kế thừa, phát huy các yếu tố truyền thống, bản sắc dân tộc. Tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa tiên tiến, hiện đại, khoa học; phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người, đảm bảo để văn hóa thúc đẩy các lĩnh vực phát triển, khẳng định vị thế của tỉnh Thừa Thiên Huế xứng đáng là một trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của Việt Nam.

Đồng thời, đề án cũng góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; hướng đến xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.

Nhiệm vụ chính của đề án là nghiên cứu giá trị văn hóa Huế và đặc trưng con người Huế. Cụ thể, tập trung nghiên cứu về các loại hình vật thể - phi vật thể, các chủ đề về kiến trúc, xây dựng, quy hoạch của Huế xưa và nay, các loại hình về ẩm thực, cung đình và dân gian, lễ hội, làng nghề thủ công truyền thống, đặc điểm về văn hoá cung đình, văn hoá dân gian, văn hoá đô thị, mỹ thuật Huế…Mặt khác, đề án cũng đề cập đến việc nghiên cứu về những giá trị văn hoá, con người Huế xưa và nay, những điều kiện hình thành tính cách, phong cách con người Huế, những tác động của điều kiện tự nhiên xã hội, những ưu điểm và nhược điểm. Con người Huế trong giai đoạn mở cửa hội nhập quốc tế…

Trong bài viết khoa học "Xây dựng Thừ Thiên Huế trở thành thành phố di sản đặc thù của Việt Nam", TS Phan Thanh Hải – Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Thừa Thiên Huế từng nhận định: Huế là một hiện tượng đặc biệt trong lịch sử phát triển đô thị Việt Nam. Từ một vùng đất biên viễn nổi danh xứ "Ô Châu ác địa" biến thành một trung tâm đô thị và văn minh mới của người Việt trên con đường mở đất về phương Nam từ thế kỷ XVII – XVIII, trở thành kinh đô của đất nước thống nhất trong suốt thời Nguyễn ở thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX, rồi thành cố đô cuối cùng còn bảo lưu nguyên vẹn nhất của Việt Nam. Theo đánh giá của của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, cho đến nay, Cố đô Huế là một trong những đô thị có quỹ kiến trúc di sản giàu có nhất không chỉ trong phạm vi khu vực Đông Nam Á và Đông Á.

GS Trần Quốc Vượng thì cho rằng "Văn hoá Huế là văn hoá đô thị, nhưng tĩnh lặng và thanh bình đến lạ thường, là văn hoá bánh trái, là văn hoá thuyền ca nhạc trên dòng Hương giang, là sự đan xen và giao thoa, giao hoà văn hoá Việt – Chàm, Việt – Minh Hương,…"

Nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Hào nhận xét: "Gia đình, đại gia đình quây quần sum họp trong ngôi nhà giữa mảnh vườn khu vườn có cái ăn cái bán, có cái đẹp cái thơm, có cái hưởng cho ngũ quan và có cái ảnh hưởng cho trí não, tâm hồn, tính tình. Đó nhà vườn Huế, đó nếp văn hoá, nếp sống, nếp nghệ thuật sống, cả nếp triết lý, của người Huế".

Theo Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, địa phương này đã nhận thức sâu sắc vấn đề bảo tồn di sản văn hoá của dân tộc và xem đây là nguồn động lực trọng yếu để nâng cao đời sống văn hoá của nhân dân, phát triển kinh tế, xã hội và mở rộng giao lưu quốc tế. Đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có gần 1.000 di tích, địa điểm được kiểm kê, lập hồ sô; có 7 di sản văn hoá đã được UNESCO vinh danh với đủ 3 loại hình: Di sản văn hoá vật thể; Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại và Di sản tư liệu thế giới. Tỉnh cũng có 169 di tích được xếp hạng các cấp.

Bên cạnh đó, Ca Huế đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia vào năm 2015, tạo điều kiện để tiếp tục xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngoài ra, Dệt Dèng của dân tộc Tà Ôi và Lễ mừng Cơm mới (Adakoon) của người Pa Cô huyện A Lưới cũng được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia năm 2016 và 2019,…

"Di sản văn hoá của mỗi dân tộc luôn là sự tích tụ và cô đúc những giá trị của quá trình sáng tạo văn hoá, là những biểu hiện khách quan của truyền thống văn hoá lịch sử dân tộc. Bảo tồn di sản văn hoá là hoạt động nhằm phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, tạo dựng sự phát triển bền vững cho tương lai,…Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế là để giữ gìn bản sắc đô thị, để Thừa Thiên Huế hấp dẫn hơn cần bảo tồn di sản đô thị cả di sản vật thể và phi vật thể trong quá trình phát triển", TS Phan Thanh Hải viết.

CAO TIẾN (lược ghi)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh