Báo động đào tạo khối ngành y dược
- Bài thuốc hay
- 13:33 - 27/04/2015
Bằng điểm sàn cũng vào được trường y
Theo thống kê, ở trình độ ĐH hiện có khoảng 20 cơ sở đào tạo bác sĩ đa khoa, 23 cơ sở đào tạo dược; trình độ CĐ có 41 cơ sở đào tạo dược học, 62 cơ sở đào tạo điều dưỡng, trong số này có rất nhiều trường dân lập. Với tình trạng tuyển sinh vô cùng khó khăn như những năm qua, chất lượng đầu vào của các trường ngoài công lập rất đáng báo động.
Trong khi các trường y lấy điểm đầu vào rất cao như ĐH Y Hà Nội, ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh, ĐH Y dược Cần Thơ... thì ở một số trường ngoài công lập, thí sinh chỉ cần đạt điểm sàn hoặc trên mức sàn không đáng kể đã có thể theo học ngành y.
Sinh viên ngành Y dược ra trường ngày càng khó tìm việc (ảnh GDVN)
ĐH Nguyễn Tất Thành là một trong những trường ngoài công lập đầu tiên được đào tạo nhóm ngành Y dược. Năm 2013, điểm chuẩn vào ngành Điều dưỡng, Dược học của trường này bằng điểm sàn của Bộ. Mùa tuyển sinh 2014, trường lấy 16 điểm vào ngành Dược học, còn vào ngành Điều dưỡng là 14 điểm, cao hơn điểm sàn của Bộ 1-2 điểm. Điểm chuẩn hệ CĐ hai ngành này cũng chỉ bằng điểm sàn của Bộ.
Một số trường ngoài công lập đào tạo y dược khác cũng chỉ lấy điểm trúng tuyển bằng điểm sàn như ĐH Tây Đô, ĐH Nam Cần Thơ…
Năm 2015, với phương thức tuyển sinh mới, hầu hết các trường ĐH đào tạo nhóm ngành y - dược đều xét tuyển từ kết quả của kỳ thi quốc gia và theo khối B (Toán - Hóa - Sinh). Tuy nhiên, đã có không ít lo ngại khi tại một số trường, tổ hợp môn xét tuyển để vào các ngành y, dược lại thiếu những môn quan trọng nhất.
Theo một chuyên gia lĩnh vực dược, Hóa là môn học không thể thay thế khi tuyển thí sinh ngành này. Bên cạnh đó, môn Toán và Sinh cũng rất cần thiết. Nhưng trên thực tế, một số trường xây dựng tổ hợp xét tuyển ngành này lại bỏ qua môn Hóa. Chẳng hạn như tổ hợp mới vừa được Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đưa vào xét tuyển ngành Dược và Điều dưỡng gồm Toán, Lý, tiếng Anh. Ngành Dược của ĐH Nam Cần Thơ cũng xét tuyển trên 2 tổ hợp mới: Lý, Hóa, Văn và Hóa, Sinh, Văn, bỏ qua môn Toán.
Chất lượng đào tạo đến đâu?
Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH Y dược cũng đã họp và phản ánh việc nhiều trường ngoài công lập có chỉ tiêu tuyển sinh lớn trong khi năng lực đào tạo và cơ sở thực hành hạn chế. Chỉ tiêu nhiều nên điểm tuyển sinh vào các trường ngoài công lập rất thấp so với trường công lập, không phù hợp với quy hoạch của ngành và ảnh hưởng lớn đến chất lượng.
Hiệu trưởng một trường ĐH khối y dược nhấn mạnh, ngành y liên quan đến tính mạng con người vì vậy, cần có quy trình đào tạo nghiêm ngặt, cơ sở vật chất đúng tầm và giảng viên có chuyên môn.
Sinh viên y khoa hệ chính quy được đánh giá là giỏi hoặc xuất sắc vì điểm đầu vào rất cao so với các ngành học khác. Tuy nhiên, trên thực tế, sau 6 năm đào tạo, đa số sinh viên chưa đủ năng lực để hành nghề độc lập. Trong khi đó, các trường ngoài công lập với điểm đầu vào rất thấp, quá trình đào tạo cũng không được quan tâm đúng mức thì các bác sĩ, dược sĩ tốt nghiệp hệ này khó đạt chuẩn tối thiểu đối với chuyên môn.
Báo động chất lượng đào tạo khối ngành y dược (ảnh MH Internet)
Việc Bộ GDĐT tạm dừng mở các ngành về sức khỏe là để siết chặt điều kiện mở ngành và kiểm soát lại chất lượng đào tạo là một quyết định đúng đắn trong thời điểm này. Những quy định về điều kiện mở ngành về sức khỏe thời gian qua quá lỏng lẻo, nhiều kẽ hở. Thêm nữa, cơ quan thẩm định là sở GDĐT địa phương nhiều khi cũng không hiểu hết chuyên môn, đặc thù và yêu cầu của ngành.
Bộ Y tế đã từng kiến nghị Bộ GDĐT giao chỉ tiêu đào tạo nhóm ngành y dược cho các trường ngoài công lập cần căn cứ vào năng lực chuyên môn và cơ sở thực hành. Bộ Y tế cũng khuyến cáo tình trạng thừa nhân lực ngành Điều dưỡng, Dược sĩ và kiến nghị Bộ GDĐT hạn chế giao chỉ tiêu đào tạo cho các trường ngoài công lập.
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, tuy chưa có khảo sát cụ thể nhưng sinh viên tốt nghiệp nhóm ngành y dược từ các trường ngoài công lập sẽ khó cạnh tranh hơn so với các trường công lập, đào tạo lâu năm. Nhu cầu tuyển dụng nhóm ngành này đang chững lại.