THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 01:46

Bẫy giăng người tìm việc làm

Người lao động nên tìm đến các "kênh" giới thiệu việc làm chính thống để tránh bị lừa

Từ bẫy việc làm trên mạng

Phản ánh với PV, anh Phạm Ngọc Tú sinh viên Trường CĐ công nghệ In Hà Nội mới ra trường cho biết,  anh và một số bạn bè vừa bị một “quả đau” từ nhà tuyển dụng khi nộp hồ sơ xin việc tại một trung tâm giới thiệu việc làm trên một web trên mạng xã hội.

Theo anh Tú, khi tới nộp hồ sơ thì ở đó có rất nhiều bạn sinh viên đã tới nộp tuy nhiên khi được các ứng viên đến trước cho biết thì hầu hết trong số đó đều phải bỏ dở công việc vì “lỗi kỹ thuật” hoặc vì quá nản khi nhập số không đúng liên tục.

“Nộp tiền xong nhân viên mới đưa trang web riêng của công ty cho làm, nhưng có nhiều người nhập mãi mà không nổi mấy chục kí hiệu capcha, trong khi đó lương thì hưởng theo sản phẩm, nhập thế này một ngày không nổi 15.000đ, vì thế nhiều người bỏ dở giữa chừng và chấp nhận mất tiền phí”, anh Hải nói.

Còn nhớ cách đây chưa lâu, trên trang rongbay.com, một công ty truyền thông đăng tuyển 100 cộng tác viên, lương từ 4-6,7 triệu đồng/tháng, chưa kể hoa hồng và thưởng cùng với trợ cấp phí internet 700.000 đồng và phí điện thoại 300.000 đồng/tháng… Công việc khá nhẹ nhàng, phù hợp với sinh viên làm thêm.

Ứng viên chỉ cần gửi email đến địa chỉ có sẵn sẽ được chấp nhận phỏng vấn… Tuy nhiên, sau phỏng vấn, nhiều người thất vọng khi biết công ty dùng “chiêu” lôi kéo lao động để thu phí.

Bẫy giăng người tìm việc làmNgười lao động đi tìm việc làm.

Cụ thể, khi vào phỏng vấn, người lao động phải nộp 100.000 đồng; nếu nhận việc phải đóng thêm 590.000 đồng; lương nhận theo năng suất làm việc chứ không có mức cụ thể như quảng cáo. Do quá cần việc làm, một số sinh viên chấp nhận đóng phí để rồi mất tiền mà chả biết kêu ai.

Đã từng đi nộp hồ sơ và không ít lần gặp phải công ty lừa đảo, Vũ  Ngọc Tùng một sinh viên chia sẻ: “ Họ có nhiều chiêu để moi tiền của mình lắm. Thường thì họ sẽ nói chuyển hồ sơ của bạn, cần tiền đi lại để chuyển hồ sơ, cần xác minh thêm hồ sơ hoặc chuyển bạn làm một công việc khác, thử thách bạn với công việc ngoài khả năng để bạn mất tiền đặt cọc rồi những vẫn phải bỏ cuộc”.

Hải còn cho biết, người xin việc đến công ty lừa đảo thường phải bỏ ra một số tiền không nhỏ cho bên tuyển dụng hoặc môi giới. Số tiền này được bên tuyển dụng thu dưới hình thức là tiền cò, tiền đặt cọc, tiền thế chân, hoặc tiền làm hồ sơ, phí đào tạo.

Nhiều chia sẻ cảnh báo những mánh lừa đảo việc làm được đăng trên mạng Cần đề cao cảnh giác 

Một trung tâm cung ứng lao động ở TP. HCM (Ảnh NLĐ)

Đủ kiểu lừa đảo 

Anh Cấn Văn Tùng, quê ở Thạch Thất, Hà Nội kể, Công ty TNHH Thanh Tùng, có trụ sở tại Đình Thôn, Mỹ Đình (Hà Nội) thông báo cần tuyển 5 vị trí đánh nhân viên bán xăng và đăng bài lên mạng, lương từ 5-10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên khi đến tìm hiểu, phỏng vấn, anh Tùng được yêu cầu ký hợp đồng và nộp ngay số tiền 800 ngàn đồng.

Sau khi ký hợp đồng, nếu anh Tùng giới thiệu được một người đến tìm việc và ký hợp đồng tương tự như anh thì sẽ được khoản hoa hồng là 300 ngàn đồng/người. Người mà anh Tùng giới thiệu đến, nếu lôi kéo được người tiếp theo, cứ như thế sẽ tiếp tục được hưởng thêm 100 ngàn đồng…

Còn chị Lê Thu Giang (quê ở Bắc Giang) ở trọ tại phường Mễ Trì, (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Tôi gọi điện phản ánh thì nhận được một tờ quảng cáo tuyển dụng gấp nhân viên phục vụ nhà hàng với lương 5-7 triệu đồng/tháng. Thấy lương cao nên chị Giang rủ thêm chị Lê Thị Tình ở cùng phòng trọ đi làm xin việc.

Theo hướng dẫn, hai chị lên tận tầng 17 tòa nhà Kengnam (TP.Hà Nội) để nộp hồ sơ, kèm lệ phí 350 ngàn đồng mỗi người cho một thanh niên xưng tên là Hùng tiếp nhận hồ sơ nhưng ngươi này lại cho một người khác gọi là cấp dưới thu tiền và hồ sơ ở một phòng riêng biệt.

Nộp hồ sơ và tiền đã hơn một tháng, nhiều lần liên lạc nhưng chị Giang, chị Tình chỉ nhận được một câu “công ty đang chờ cơ cấu lại nhân sự, trong khi thông báo lại ghi rõ “tuyển dụng gấp”.

Cũng như bao lao động đi tìm việc khác, anh Nguyễn Duy, ở Kim Sơn, Ninh Bình tốt nghiệp đại học ra trường, sau 2 năm không tìm được việc làm, sau khi tìm đến Trung tâm GTVL Hà Nội, Duy được một người giới thiệu là cán bộ của cty TNHH Thiên Minh ở Cầu Giấy (Hà Nội) chuyên đào tạo tuyển dụng lao động làm việc cho các công ty FDI của nước ngoài, nếu được tuyển dụng người lao động sẽ hưởng lương cao (15-20 triệu/tháng).

Sau khi nghe tư vấn Duy phải đặt cọc 2 triệu và đổi lại Cty sẽ cung cấp cho Duy giữ phiếu hẹn đến lớp đào tạo kỹ năng nghề trước khi đi làm….Sau 2 tháng đợi chờ Duy gọi lại hỏi thông tin thì được trả lời cty đã tuyên bố phá sản….

Theo khuyến cáo từ lãnh đạo Trung GTVL Hà Nội, tại các Trung tâm giới thiệu việc làm thường xuyên có nhiều người tới tìm cơ hội việc làm, nhất là vào ngày 10 và 25 hàng tháng khi trung tâm tổ chức Sàn giao dịch việc làm. Do đó, có thể một số kẻ xấu đã lợi dụng những ngày này tới để “săn mồi”, phát tờ rơi giả tuyển dụng để lừa người lao động.

Người lao động tìm việc làm tại trung tâm chỉ giao dịch với các nhân viên tuyển dụng có đặt bàn tuyển dụng cố định, có bảng tên rõ ràng và có đăng ký tuyển dụng được niêm yết trên bảng điện tử. Người tìm việc không nên hẹn nộp hồ sơ xin việc hoặc có giao dịch khác ở những nơi như quán cà phê hoặc ngoài đường.

Người tìm việc đặc biệt lưu ý, không có việc gì nhàn hạ mà lương lại cao nên người lao động phải tỉnh táo khi lựa chọn, giao dịch, phỏng vấn tìm việc làm. Khi gặp những trường hợp bất thường, có biểu hiện lừa đảo tìm việc thì cần báo cho cơ quan công an để xử lý để không bị tiền mất tật mang. 

Ảnh minh họa

Cần đề cao cảnh giác

Trước bạt ngàn thông tin tuyển dụng nhưng do mù mờ thông tin khi tìm việc trực tuyến, nhiều người lao động đã bị nhà tuyển dụng đưa “vào tròng” cho đến khi tiền mất mà vẫn không có được một công việc như mong đợi.

Hiện nay, để hỗ trợ ứng viên tìm việc, nhiều bạn trẻ đã tự lập nên các trang mạng xã hội để cảnh báo, tư vấn như “Những trò lừa đảo sinh viên cần biết’, “Vạch mặt các công ty lừa đảo”, “Hội hỗ trợ việc làm thêm cho sinh viên”. Một số website tìm kiếm việc làm như timviecnhanh.com, enbien.com cũng có những bài đăng cảnh báo về các công ty lừa đảo để các thành viên có thể tìm hiểu và tránh bị lừa.

Chia sẻ kinh nghiệm, Lê Văn Huy – cán bộ Ban quan trị củ# trang mạng xã hội “Những trò lừa đảo sinh viên, người tìm việc cần biết: “Nhìn vào bài đăng tuyển đã có thể xác định 50% đó có phải lừa đảo hay không. Về cơ bản, một công ty nghiêm túc sẽ có website riêng, mã số thuế và mọi thông tin trên web sẽ rất rõ ràng và công khai”.

Huy bày cách cho bạn trẻ: “Độ tin cậy qua tìm việc ở các trung tâm môi giới không cao bằng trực tiếp đến công ty nộp hồ sơ dự tuyển”.

Anh Ngô Hải Lâm, Trung tâm xúc tiến việc làm cho Thanh niên cho biết, đối với những công việc nhẹ nhàng mà lương từ 2 triệu đến 5 triệu cũng nên xem xét kỹ. Chẳng có công việc nào nhàn nhã mà hưởng lương cao cả. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp do chủ quan nên người xin việc dễ dàng bỏ qua các tiếu chí đánh giá độ tin cậy.

Theo khuyến cáo, việc người lao động không tìm hiểu kỹ thông tin về các trang việc làm trực tuyến và công ty tuyển dụng đã tạo cơ hội cho nhiều cá nhân, “cò mồi”, cơ sở giới thiệu việc làm “chui” lợi dụng lừa đảo hoặc trục lợi. Người lao động nên tìm việc trên những website việc làm uy tín và cẩn thận khi các công ty tuyển dụng yêu cầu ứng viên khai báo thông tin về tài khoản ngân hàng.

Hoàng Văn-Thanh Ngọc

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh