THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:46

Ra đường gặp… cử nhân thất nghiệp!

Không xin được việc thì đi… ăn trộm ?

Trần Văn Long (SN 1987, ở phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) là một cử nhân... thất nghiệp. Không xin được việc làm, Long đi trộm cắp tài sản và đã bị Công an huyện Từ Liêm (nay là quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bắt, xử lý.

Sau khi ra tù, Long học nghề sửa chữa máy vi tính nhưng không có vốn để đầu tư kinh doanh. Bí bách tiền tiêu vặt, “ngựa quen đường cũ”, Long đã rủ Nguyễn Thị Thu Hiền- người bạn quen qua mạng internet, cùng đi trộm cắp. Mới 20 tuổi nhưng Hiền đã bỏ chồng và đang nuôi con nhỏ 3 tuổi. Đang khó khăn về tiền bạc nên khi được Long rủ làm việc xấu, Hiền nhắm mắt làm liều. 

Ban ngày, Long và Hiền lang thang tại các khu chung cư hoặc những nhà dân ở sâu trong ngõ, ít người chú ý để tìm cách đột nhập. Toàn bộ dụng cụ hành nghề được Long ngụy trang khéo léo trong những túi đựng vợt cầu lông, hay ống đựng giấy vẽ.

Mỗi một loại khóa Long lại chọn một công cụ phù hợp. Tính đến khi bị Công an TP. Hà Nội bắt giữ vào tháng 11/2014, đôi này đã gây ra 12 vụ trộm cắp, lấy đi nhiều tài sản như xe máy, máy tính, điện thoại di động, 12 cây vàng, nhiều bộ trang sức, tổng giá trị tài sản trên 1 tỷ đồng.

Ra đường gặp… cử nhân thất nghiệp!

Cử nhân Trần Văn Long (bên phải) lần thứ hai bị bắt vì có hành vi trộm cắp.

Trượt dài theo sự... lười nhác

 “Cao tay” hơn Long, Nguyễn Thị Hoài (31 tuổi, ngụ ở huyện Anh Sơn, Nghệ An) sau khi tốt nghiệp không tìm được việc làm liền nghĩ cách môi giới mại dâm để có tiền tiêu xài.

Hoài là cô gái có nhan sắc, hiền lành, trong một gia đình nghèo ở xã Cẩm Sơn, (huyện Anh Sơn, Nghệ An). Bằng ý chí, nghị lực, Hoài thi đậu vào một trường đại học ở Nghệ An. Ai ngờ, sau một thời gian sống ở chốn thị thành, Hoài dần chây lười và ngày càng sao nhãng việc học, chỉ ham chơi.

Không những thế, nữ sinh này làm quen, giao du với các đại gia lắm tiền, tham gia những cuộc nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng.  Hoài từ cô gái chân quê đã biến thành "dân chơi".

Theo hồ sơ của cơ quan điều tra, bắt đầu từ năm 2013, Nguyễn Thị Hoài đã thiết lập đường dây gái gọi sinh viên do mình điều hành có hệ thống, chuyên nghiệp, trở thành một "nguồn gái" trên địa bàn TP. Vinh.

Qua quá trình điều tra, thu thập chứng cứ, ngày 17/11/2014, Công an TP. Vinh (Nghệ An), đã bất ngờ ập vào khách sạn Praha (phường Hà Huy Tập), bắt quả tang 2 nữ sinh gồm: Trần Thị Ng, SN 1990, trú tại xã Diễn Thành (huyện Diễn Châu) và Trương Thị H (SN 1993, trú tại huyện Quỳ Hợp, Nghệ An), đang “mây mưa” với khách.

Tại cơ quan công an, hai đối tượng đã khai nhận đường dây gái gọi sinh viên do Hoài cầm đầu với tổng số gần 20 sinh viên cao đẳng và đại học. Sau mỗi lần bán dâm, khách phải trả 1,5 triệu đồng/lượt và trích lại cho Hoài 30%. Từ lời khai của các cô gái trên, Hoài đã bị công an bắt giữ.

Rất nhiều việc làm chờ người có ý chí

Làm đúng ngành nghề được đào tạo sau khi ra trường là mong muốn của không ít sinh viên hiện nay, song để tìm được việc làm đúng ngành đã học là không dễ. Không ít cử nhân, thạc sỹ cầm tấm bằng khá, giỏi cũng phải lao đao tìm việc và chấp nhận có việc trái ngành học. Cử nhân, thạc sỹ bưng bê ở nhà hàng, tiếp thị bia rượu, thuốc lá... không còn là chuyện hiếm.

Ra đường gặp… cử nhân thất nghiệp!

Làm trái ngành nhưng Nguyễn Thanh Hằng lại có thu nhập rất tốt.

Thực tế cho thấy, thị trường việc làm rất đa dạng và phong phú, với nhiều ngành nghề để lựa chọn. Thế nhưng vì tâm lý “tìm đúng ngành nghề”, không chịu làm việc trái ngành đã khiến cho rất nhiều cử nhân rơi vào cảnh thất nghiệp. Ngược lại, nếu là người có ý chí và nghị lực, họ rất dễ thành công dù làm trái ngành nghề.

Nguyễn Thanh Hằng, quê ở xã Diễn Hải (huyện Diễn Châu, Nghệ An) học chuyên ngành kế toán. Sau khi ra trường, Hằng “gõ cửa” nhiều nơi nhưng doanh nghiệp chỉ tuyển những người đã có kinh nghiệm. Hành trình tìm việc khó khăn nhưng cuối cùng Hằng cũng được người quen xin cho vào làm quản lý bán hàng ở một Cty chuyên cung cấp đồ chơi trẻ em, thu nhập gần chục triệu đồng/tháng.

Sau một thời gian đi làm, Hằng ngày càng có kinh nghiệm và làm rất tốt công việc, được lãnh đạo trọng dụng. Đối với Hằng bây giờ làm đúng ngành không quan trọng, mà điều cần nhất là làm công việc ổn định, thu nhập tốt, đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày, có dư chút ít để tích lũy thì càng tốt. “Nếu làm đúng ngành mà không đủ nuôi bản thân thì em nhất định không làm”, Hằng nói.

Hằng cho biết thêm, bạn bè cùng khóa với cô hiện có nhiều người đang thất nghiệp, lý do chỉ vì họ không chịu làm những công việc như đi bán hàng, nhân viên kinh doanh, tiếp thị... Với nhiều người, đó là những công việc dành cho lao động phổ thông, những người học hành dở dang,  không có bằng cấp.

Không xin được việc làm, có người tranh thủ học nâng cao để có học vị thạc sĩ, tiến sĩ, nhưng sau đó vẫn “dài cổ” chờ đợi thời cơ mà không biết cách tự tạo cơ hội cho mình. Điểm danh mấy người bạn ở trong hoàn cảnh tương tự, Hằng buông tiếng thở dài, nói: Học lên cao là điều đáng khuyến khích nhưng cũng tùy hoàn cảnh.

 Đằng này, có bạn gia đình rất khó khăn, tốt nghiệp ra trường chưa giúp được gì cho bố mẹ mà lại xin tiền để học tiếp, sau đó thì vẫn không xin được việc làm đúng ngành học, mà làm công việc khác thì cũng không chịu, nói là tốn công đèn sách...

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện có nhiều trường đại học đào tạo không gắn với thực tế công việc, cách giảng dạy nặng về lý thuyết, nhà trường không chủ động liên kết để doanh nghiệp đặt hàng nhân sự tại  trường, khuynh hướng học cho có bằng cấp. Bên cạnh đó, quy hoạch đào tạo nghề chưa được chú trọng, cũng nặng về lý thuyết, thiếu cơ sở vật chất cho người học thực hành. Tất cả tạo ra thực trạng “thừa thầy thiếu thợ”.

Nhóm phóng viên

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh