THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:22

Bác Hồ nhà báo lỗi lạc

 

Có thể nói, sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gắn liền với hoạt động báo chí. Bác không chỉ là một nhà báo mà còn là người sáng lập ra báo chí Cách mạng Việt Nam. Bác từng làm báo ở nước ngoài rồi mới làm báo trong nước. Đầu tiên Bác làm báo ở Pháp. Bác đến Pháp năm 1918. Năm 1922 Bác đã sáng lập ra tờ Le Paria xuất bản tại Paris. Khi về nước Bác lập ra, chỉ đạo và trực tiếp viết một số tờ báo ở Việt Nam, như: Người cùng khổ 1922, Quốc tế nông dân 1924, Thanh niên 1925, Công nông 1925, Lính Kách mệnh 1925, Thân ái 1928, Đỏ 1929, Việt Nam độc lập 1941, Cứu Quốc 1942. Đặc biệt bằng việc sáng lập tờ Thanh niên, tờ báo của Thanh niên Cách mạng đồng chí hội (tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, ra số đầu tiên vào 21/6/1925, Bác đã khai sinh ra nền báo chí Cách mạng Việt Nam. Và ngày 21/6 hàng năm đã được chọn là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

 

Bác Hồ với các phóng viên báo chí. Ảnh: nguồn internet.

 

Suốt hơn nửa thế kỷ gắn bó với báo chí, Bác để lại một sự nghiệp đồ sộ. Trên 2.000 bài viết với hàng trăm bút danh khác nhau của Bác đã được đăng ở nhiều báo trong, ngoài nước bằng tiếng Việt, Pháp, Hán, Nga, Anh... với chủ đề đa dạng, sinh động; văn phong vừa độc đáo vừa gần gũi, dễ hiểu, luôn chiếm được sự mến mộ của bạn đọc. Bác là người khai sinh, thực hiện, định hướng, bảo trợ, phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam. Bác còn đưa ra các tư tưởng, phương pháp báo chí mới mẻ, tiến bộ mà phù hợp với phong trào báo chí cách mạng, báo chí hiện đại trên thế giới. Bác không những là một lãnh tụ chính trị kiệt xuất, một danh nhân văn hóa, mà còn thực sự là một nhà báo vĩ đại.

Bác Hồ sớm nhận ra vai trò và tác động to lớn của báo chí trong đấu tranh xã hội. Trong quá trình tìm đường giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, tiếp cận tác phẩm của Lênin, Người rất tâm đắc câu nói của vị lãnh tụ lỗi lạc phát biểu từ đầu thế kỷ XX, trước khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công: “Cái mà chúng ta nhất thiết phải có lúc này là một tờ báo chính trị. Trong thời đại ngày nay, không có tờ báo chính trị thì không thể có phong trào gọi là chính trị... Không có tờ báo thì không thể tiến hành hệ thống cuộc tuyên truyền, cổ động có nguyên tắc và toàn diện...”.

Hồ Chí Minh là nhà báo uyên thâm, đa dạng, sắc bén và tài hoa với hàng loạt tác phẩm đúng đắn về nội dung, hùng hồn về lý luận, mẫu mực về ngôn ngữ, có sức đi sâu vào quần chúng, thức tỉnh lòng người, khiến quân thù khiếp sợ. Bác là tấm gương sáng về đạo đức báo chí. Khi cầm bút, Người không hề quan tâm đến tên tuổi và lợi ích riêng, Người viết không phải để “lưu danh thiên cổ”. Suốt đời Người chỉ hướng về cái đích thiêng liêng là mang trí tuệ và ngòi bút của mình phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Bác viết báo từ đòi hỏi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng nhân loại của Người. Người làm báo, viết báo để phục vụ cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và nhân loại.

 

Bác Hồ đọc báo.

 

 Ngày 28/6/1919, hội nghị các nước thắng trận trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất khai mạc tại Versailles. Thay mặt bà con Việt kiều, những người Việt Nam yêu nước, Bác viết và gửi đến hội nghị bản yêu sách 8 điểm đòi quyền lợi cho nhân dân Việt Nam. Đây cũng là bài viết nổi tiếng đầu tiên của Bác được cơ quan ngôn luận Đảng Xã hội Pháp đăng dưới nhan đề Quyền các dân tộc. Năm 1925, sáng lập báo Thanh niên, Nguyễn Ái Quốc đã dùng tờ báo làm công cụ tuyên truyền con đường cách mạng giải phóng dân tộc, để tập hợp và giác ngộ quần chúng, tiến tới thành lập một tổ chức lãnh đạo đội tiên phong của giai cấp và dân tộc… Tháng 1/1941 Bác về nước, chỉ đạo Hội nghị Trung ương 8 thành lập Mặt trận Việt Minh, cho ra tờ báo Việt Nam độc lập từ năm 1941 và báo Cứu quốc từ năm 1942. Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II tháng 2/1951, Bác chỉ đạo thành lập báo Nhân dân - cơ quan ngôn luận của Đảng. Ngoài sáng lập, tổ chức hoạt động, Bác còn là cộng tác viên nhiệt tình của nhiều tờ báo lớn. Chỉ riêng với báo Nhân dân, từ số 1 ngày 11/3/1951 đến số 5526 ngày 1/6/1969, Bác đã đăng 1.206 bài viết với 23 bút danh khác nhau.

Để trở thành một nhà báo lớn, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh kiên trì học tập, khổ luyện suốt đời. Trong sự nghiệp làm báo của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ bài báo đầu tiên đã cố gắng để viết ngắn nhất và nói rõ nhất điều mình muốn nói cho đông đảo người đọc có thể chia sẻ được. Chính vì rèn luyện được phong cách viết báo cô đọng và giản dị như thế mà trong nhiều trường hợp, những câu chữ ngắn gọn, dễ hiểu của Bác Hồ được người đọc suy ngẫm để cảm thấu những biên độ cả trong và ngoài chữ nghĩa của Bác.

Trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở rộng hội nhập quốc tế dưới ngọn cờ của Đảng ở nước ta hiện nay, báo chí cách mạng ngày càng có vai trò hết sức quan trọng. Hơn lúc nào hết, trước những diễn biến phức tạp trong đời sống xã hội hiện nay, những người làm báo cần phải thấm nhuần những lời dạy của Bác đối với mình: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Trách nhiệm xã hội đòi hỏi nhà báo phải đấu tranh không khoan nhượng với những luận điệu sai trái để bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Nhà báo phải biết biểu dương cái tốt, cái mới tiến bộ và tích cực đấu tranh chống cái xấu, cái sai, cái lạc hậu... Để đáp ứng được nhiệm vụ và sứ mệnh cao cả của mình, việc học và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Bác, nhất là những căn dặn của Bác đối với người làm báo là việc làm cần thiết.

HOÀNG THẮNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh