THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 10:56

Lính hình sự “phải lòng” nghề báo

 

Gần 20 năm “Đấu trí với tội phạm”

Trung tá Đào Trung Hiếu vốn là lính hình sự. Tốt nghiệp Đại học Luật năm 1996, anh về công tác tại Phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái (từ 1996 đến tháng 8/2003). Tháng 9/2003 đến 2005 anh công tác tại Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Yên Bái. Năm 2005, anh được điều chuyển về làm việc tại Phòng CSHS Công an TP Hà Nội (số 7 Thiền Quang). Nhắc đến cái tên Đào Trung Hiếu nhiều người biết đến anh với vai trò nhà báo, nhà văn với những cuốn sách, tiểu thuyết trinh thám nổi tiếng. Thế nhưng ít ai biết và thấu hiểu những tháng năm lăn lộn hiểm nguy, những khoảnh khắc cân não, lúc mà sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc - “đặc sản” mà chỉ lính trọng án mới có. Gần 20 năm đánh án, lúc thì lẩn lút rừng sâu, núi thẳm điều tra ma túy, khi lại “xuống phố” chiến đấu với những loại tội phạm giết người, tội phạm công nghệ cao, nghề nghiệp đã tôi luyện anh trưởng thành, luôn vững vàng giữ “Cái đầu lạnh, trái tim nóng và một bàn tay sạch”.

 

Trung tá Đào Trung Hiếu.

 

Ký ức về những vụ án, những con người đã gặp, những nơi đã đi qua trong anh vẫn vẹn nguyên cảm xúc như ngày hôm qua. Đã có những lúc tính mạng “ngàn cân treo sợi tóc”, đã có những đêm dài anh không thể chợp mắt. Những lúc ấy anh mới thấy sự sống của mình quý giá hơn bao giờ hết, bản thân tự nhắc mình không được chết, phải vắt óc để suy nghĩ làm sao để tự cứu mình. Đó là lần dấn thân vào hang cọp một mình, anh được cử đến xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, Yên Bái để “tóm” đối tượng buôn bán ma túy. Trong vai người đi đánh hàng anh đã trà trộn được vào đường dây buôn bán hàng cấm bằng sự khéo léo của người lính hình sự, một mình đơn thương độc mã trong rừng sâu đối phó với tội phạm, anh biết chỉ một sơ suất nhỏ nếu để bị phát hiện, có thể vĩnh viễn nằm dưới đáy vực thẳm, vĩnh viễn không trở về với đồng đội, đoàn tụ với gia đình. Anh kể, đó là đêm dài nhất đời anh khi trong áo vẫn giấu súng và thẻ công an mà nằm bên cạnh là tên tội phạm sẵn sàng manh động bất cứ lúc nào nếu phát hiện dấu hiệu khả nghi. Anh đã phải “đóng phim”, cố tình ngáy to, gác chân vào người kẻ tội phạm, vờ như đã ngủ dù đầu vẫn tỉnh táo tuyệt đối, nghĩ đến mọi trường hợp phải chống cự khi bị phát hiện. Nhưng đó vẫn chưa phải là cửa ải khó khăn nhất, hôm sau khi đưa anh đi gặp nguồn hàng, chúng vẫn thử anh bằng “thuốc phiện”. Làm sao không sợ hãi khi nắm thuốc phiện ở trước mặt, phải hút thử để chứng minh mình là dân trong nghề, hút thử thì sẽ mắc nghiện, không hút thử chắc chắn lộ tẩy. Lúc ấy ý nghĩ vụt loé lên trong óc, anh điềm nhiên lấy mẩu que tre, gẩy lấy chút thuốc, bật lửa hơ nóng. Anh dùng tay miết thử chất nhựa, thấy kết dính, quay ra phán: “Thuốc tốt”. Gã chủ bê bộ bàn đèn đến: “Làm bi mày”. Anh nhìn cái ống tẩu cáu bẩn, tỏ ra tởm lợm, nói: “Có trắng không, em làm tí. Đen thì không chơi, oi khói”. Miệng nói nhưng chỉ lo nó có hêrôin mang ra thật thì toi. Gã chủ làu bàu, rồi bê bàn đèn cất đi. Sự nhạy bén, trí thông minh và tài “chém gió” đã cứu anh lúc ấy. 

Trung tá Hiếu chia sẻ: “Những tháng năm gian khổ là một phần đời không bao giờ có thể quên của tôi. Chất lính hình sự ấy không biết từ bao giờ đã ngấm vào máu thịt tôi. Tuy gian lao, hiểm nguy nhưng quãng đời lính trinh sát ấy luôn nhắc nhở tôi cần phải sống tử tế để xứng đáng với sự hi sinh của những đồng đội, với sự tin yêu của nhân dân”.

Viết cho đồng đội tôi

Không qua một trường lớp đào tạo bài bản nào, chẳng ai có thể ngờ một người lính quen với súng đạn, hiểm nguy, quen với việc không kể đêm ngày, cứ có án là lên đường ấy lại là tác giả của những cuốn sách nổi tiếng. Khi vẫn còn là cảnh sát hình sự, anh đã được công chúng biết tới qua 2 cuốn truyện ngắn và ký văn học: “Chuyện ngoài hồ sơ” (NXB Văn học 2012); “Tiếng súng lạc bầy” (NXB CAND 2013) và là cộng tác viên của rất nhiều tờ báo. Tác phẩm là tập hợp những câu chuyện kể lại của chính người trong cuộc về những trận đánh hiểm nguy, những vụ án ám ảnh, những khốc liệt và cả những góc đời thường trong những con người áo xanh mà nhân dân đã quen với hình ảnh mạnh mẽ và can trường...  Những năm tháng trận mạc trở thành một kho tư liệu sống quý giá của anh. “Cảnh sát hình sự chứ có làm kinh tế đâu mà giàu được”, dù có những chiến công vang dội nức tiếng dư luận, nhưng trở về cuộc sống thường nhật tránh sao được những gánh nặng cơm áo gạo tiền, anh biết ngoài hoàn thành nhiệm vụ được giao, anh còn mang trên vai trách nhiệm làm chồng, làm cha. Có những lúc về nhà đã quá nửa đêm, khi vợ con đã ngủ sâu giấc, anh lặng lẽ đốt thuốc bên bàn làm việc. Anh nghĩ rằng mình chỉ là một trong hàng ngàn, hàng vạn những chiến sĩ công an, cảnh sát ngoài kia. Trong anh vẫn luôn khắc khoải: mình cần phải làm một điều gì đó cho đồng đội và cho cả chính mình. Và động lực ấy đã khiến anh cầm bút. Anh đến với văn chương, báo chí như một cơ duyên như vậy. Đào Trung Hiếu tâm niệm anh viết cho đồng đội -  những người đi sớm về khuya, lặng lẽ giữ gìn sự bình yên cho cuộc sống tưởng như không còn giông bão này, cho nhân dân hiểu được phần nào những gian lao hiểm nguy mà lực lượng công an, cảnh sát đang hàng ngày phải trải qua.

 

Nhà báo Đào Trung Hiếu chia sẻ kỹ năng sống với học sinh THCS.

 

Trung tá Đào Trung Hiếu in sách cũng với mục đích rất đơn giản là gây quỹ để làm từ thiện, giúp đỡ những cảnh đời còn khó khăn, bất hạnh. Thế nhưng dường như niềm đam mê con chữ cứ ngày một lớn dần trong anh, càng viết anh càng say mê kỳ lạ, nỗi niềm trong lòng cứ thế chảy trôi vào trang viết, khiến độc giả đôi lúc đọc tác phẩm của anh cũng phải sởn gai ốc trước “Tiếng súng lạc bầy”, rưng rưng cảm động trước “Hiền mặt mục”, những trang viết đẫm chất hiện thực của một người lính hình sự từng trải. Cuối năm 2013, Trung tá Hiếu quyết định chuyển công tác về Báo Công an nhân dân, anh nghĩ mình “phải lòng” với nghiệp chữ nghĩa rồi! Cũng từ đó anh trở thành phóng viên - một chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa, anh miệt mài với những tác phẩm điều tra, những bài viết cung cấp những kiến thức, kĩ năng về tội phạm học và kĩ năng thoát hiểm.

Với những trải nghiệm chân thật về cuộc sống và chiến đấu của lực lượng công an, Đào Trung Hiếu đã dồn tâm huyết cho ra đời cuốn tiểu thuyết "Bão ngầm". Tác phẩm đã đoạt giải A trong cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và kí về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức giai đoạn 2012 - 2015. Tháng 1/2017, anh chính thức trở thành hội viên Hội Nhà văn. Đào Trung Hiếu chia sẻ, cuốn tiểu thuyết này là món quà anh muốn gửi tặng đồng đội của mình, những người lính can trường trên mặt trận đấu tranh phòng, chống ma túy. Anh cũng khá bất ngờ trước giải thưởng và theo anh:“Tôi chỉ là người kể lại câu chuyện của anh em thôi. Không viết tôi không chịu được !”

“Lao động để thấy mình còn sống”

 Đào Trung Hiếu được học võ Nhất Nam từ khi còn nhỏ, được lĩnh hội tinh thần “thượng võ” từ người Thầy - Giáo sư, Viện sĩ, Võ sư Chưởng môn Ngô Xuân Bính. Đã 2 năm nay, câu lạc bộ dạy võ Nhất Nam đã tổ chức hai lớp học miễn phí: Nhất Nam Việt Hưng và Nhất Nam Yên Hòa, chính anh trực tiếp dạy cho các em nhỏ và các nhà báo trẻ. Hiện nhà báo Đào Trung Hiếu đang chịu trách nhiệm công tác biên tập của Báo Công an nhân dân. Ngoài ra anh vẫn đều đặn chủ trì chuyên mục “Nhận diện tội phạm” hàng ngày trên kênh truyền hình An ninh TV với mong muốn cung cấp những kĩ năng cần thiết cho mọi người để phòng tránh tội phạm và xử lý như thế nào khi đối mặt với tội phạm. Anh còn thường xuyên được mời tới các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và đại học để nói chuyện, chia sẻ với các em học sinh về những kĩ năng sống, mẹo thoát hiểm, kĩ năng phòng chống tội phạm. Cũng có 24 giờ một ngày như người bình thường nhưng Đào Trung Hiếu lại khiến mọi người kinh ngạc vì sức lao động, sáng tạo dồi dào khi anh có thể làm rất nhiều việc một lúc, đồng nghiệp vẫn đùa “lắm nhà mà chả thấy đất”. Nhà báo luôn nhắc nhở mình mỗi ngày “phải lao động để thấy mình còn sống”.

Bận rộn như vậy nhưng Đào Trung Hiếu đang làm nghiên cứu sinh ngành tội phạm học. Anh còn là giảng viên thỉnh giảng bộ môn điều tra tội phạm tại Đại học Kiểm sát. Đào Trung Hiếu đã hoàn thành kịch bản phim truyền hình dài 45 tập cảnh sát hình sự “Bão ngầm” được chuyển thể từ chính tiểu thuyết của mình và sẽ là Phó đạo diễn của bộ phim này. Anh cũng đang “thai nghén” cuốn “Mẹo thoát hiểm”  đứa con tinh thần dự kiến chào đời năm 2018.

HỒNG PHÚC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh