THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:07

Báu vật của núi rừng Tây Nguyên

 

 Thừa hưởng gen yêu cồng chiêng.

Chứng kiến nhiều lễ hội đặc sắc từ nhỏ, niềm đam mê văn hóa truyền thống thấm vào máu thịt Y Thim lúc nào chẳng hay. Y Thim Byă sinh ra và lớn lên bằng tiếng chiêng Char, tiếng trống H’gơr của buôn làng. Cha ông là thầy thuốc nhưng rất giỏi đánh chiêng, vì thế mỗi lần cha đi biểu diễn Y Thim lại xin đi theo say mê lúc nào không biết, Y Thim tìm đến các nghệ nhân học cách chơi nhạc cụ và may mắn được truyền dạy cách chế tác ching K’ram (chiêng tre - là nhạc cụ làm bàng ống tre) đàn T’Rưng, đinh buốt, sáo, đinh năm.... Qua thời gian, Y Thim đã thuộc nhiều bài dân ca, diễn tấu được hàng chục bài chiêng cổ, biết thổi nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Trong một lần đi chơi, gặp người thu mua đồ cũ, gánh mấy cái chiêng cũ của đồng bào Ê đê, ông dừng lại hỏi chuyện và cầm lên đánh thử. Tiếng chiêng khá hay, năn nỉ mua lại rồi nhờ các nghệ nhân trả lại âm thanh chuẩn cho bộ chiêng. Đi đâu thì thôi, về nhà lại lôi ra ngắm nghía, tìm hiểu, càng tìm hiểu lại càng quý trọng truyền thống văn hóa cha ông để lại. Nung nấu ý định sưu tầm nhạc cụ, vật dụng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, vừa để thỏa chí đam mê vừa lưu giữ cho con cháu đời sau. Từ đó, hễ nghe ở đâu có người không muốn giữ lại cái chiêng, cái ché, muốn bán đi cái chén cổ là Y Thim tìm đến hỏi mua. “Muốn lưu giữ, bảo tồn cổ vật phải thật sự đam mê và quyết tâm. Vì thế mỗi lần mua được bộ chiêng hay cái ché mình đều xem nó như con người. Ví như có ché quý phải mang ra nấu rượu mời khách hoặc bỏ ít gạo vào trong ché, tuyệt đối không bỏ không vì như thế ché sẽ đói” Y Thim Byă tiết lộ.

Y Thim trong lễ hội cồng chiêng

Không biết đã bao nhiêu lần Y Thim cùng chiếc máy cày rong ruổi khắp các buôn xa, buôn gần, sang cả các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Nông, Kon Tum để săn lùng “cái hồn văn hóa”. Nửa cuộc đời cần mẫn, đến nay ông đã có bộ sưu tập tại gia đồ sộ.

Đời bố là thế, đến các con của mình trong gia đình đều được đào tạo tại các trường văn hoá nghệ thuật ngay từ bé. Đặc biệt đứa con út, Y Thu Êban (sinh năm 2000) đã có “máu” nghệ sĩ. Tuổi vừa lên sáu Y Thu đã được làm quen, và thạo dần cách sử dụng các loại nhạc cụ bằng tre nứa. Yêu thích các tiết mục độc tấu nhạc cụ của cha và các anh, Y Thu thường chú ý học lỏm theo. Trò chuyện với phóng viên, Y Thu bẽn lẽn thú nhận: Em rất thích nghe cha và các anh diễn tấu nhạc cụ, những lúc nhà không có ai em thường lén lấy đing pah, t’rưng ra tập rồi biết đánh lúc nào không hay.

Y Thu diễn tấu đing pah

Thấy con say mê âm nhạc, mỗi lần buôn làng có lễ hội hay đi diễn ông Y Thim đều cho con theo cùng. Ông cho biết: Mỗi lần tôi dạy học trò cách đánh nhạc cụ, Y Thu đều chăm chú quan sát, lắng nghe. Một lần, hết buổi học, nó rụt rè xin tôi cho đánh lại bài “Bến nước Dur Kmăn” bằng đàn đing pah. Y Thu đánh chưa hay nhưng nhịp điệu rõ ràng, lưu loát. Từ đó, tôi dành thời gian hướng dẫn con tập luyện và học thêm nhiều loại nhạc cụ khác. 

Lên 7 tuổi, Y Thu đã chơi thuần thục 7 loại nhạc cụ: T’rưng, đing pah, đing năm, đing puốt, ching knah (chiêng đồng), chinh k’ram (chiêng tre), ching aráp (ching của người Jrai). Trong Liên hoan Văn hóa cồng chiêng dân ca, dân vũ và trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh Đắk Lắk lần thứ VI - năm 2008, em là người chơi nhạc cụ dân gian nhỏ tuổi nhất và gây bất ngờ khi giành giải “Diễn viên trẻ xuất sắc” khi tham gia diễn tấu đàn T’rưng. Sau đó, em được chọn ra thủ đô Hà Nội diễn tấu đàn T’rưng trong Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cùng đoàn nghệ nhân tỉnh Đắk Lắk và liên tục nhận được các “sô” diễn trong cả nước. Tham gia nhiều cuộc thi, Y Thu càng thể hiện rõ tài năng nghệ thuật của mình và nhận được nhiều bằng khen. Năm 2014, em tiếp tục nhận giải “Diễn viên trẻ xuất sắc” trong Liên hoan Thanh niên hát dân tộc và diễn tấu nhạc cụ dân tộc tỉnh Đắk Lắk lần thứ IV. Gần đây, trường THPT Chu Văn An đã chọn tiết mục “Mùa hái quả” của em để dự thi chương trình “Giai điệu tuổi hồng” tỉnh Đắk Lắk trong tháng 11/2016.

Ban nhạc gia đình Y Thim biểu diễn phục vụ khách tham quan trong ngôi nhà dài

Vì muốn học thêm piano nên năm lớp 4 Y Thu quyết định theo anh trai Y Nal ra Huế để vừa hoàn tất chương trình tiểu học, vừa theo học lớp piano của Học viện Âm nhạc Huế, nhưng chỉ được một năm thì em bỏ về. “Em không thể chịu được nỗi nhớ cha mẹ, buôn làng, bạn bè. Lúc đó em nghĩ cứ về với mẹ đã, sau đó sẽ nhờ anh Y Nal dạy lại sau” - Y Thu chia sẻ. Sau nhiều năm kiên trì theo đuổi, đến nay cậu nam sinh lớp 11 đã chơi giỏi piano và cả guitar.

 Đời con hơn đời cha

 Vóc người cao ráo, nước da ngăm ngăm cùng đôi mắt tròn đen láy đúng chất  Tây Nguyên giúp Y Thu luôn thu hút mỗi khi xuất hiện. Là cái tên “hot” trong các sô biểu diễn nhạc cụ dân tộc, Y Thu được hâm mộ bởi tài năng xuất sắc, phong cách biểu diễn chuyên nghiệp, lôi cuốn. Ngoài tiết mục “Mùa hái quả”, em còn gây ấn tượng với bài “Gọi cháu về”, dân ca Êđê trên t’rưng và kèn đinh puốt. Tiết mục này nhiều lần được ngành văn hóa tỉnh Đắk Lắk chọn đi biểu diễn ở các tỉnh thành trong cả nước. Trong các loại nhạc cụ Y Thu thích chơi đàn t’rưng nhất. Hồi còn bé , mỗi lần độc tấu t’rưng em phải đứng trên bục gỗ khá cao mới chơi được. Tác phẩm “Mùa hái quả” do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Xuân biên soạn giảng dạy cho sinh viên theo học chuyên ngành piano, thế nhưng Y Thu lại độc tấu trên đàn t’rưng hay không kém, khiến người nghe cảm giác mỗi thanh tre trúc đơn sơ kia, dưới bàn tay của Y Thu bỗng trở thành những phím đàn piano thực sự, lúc du dương, dìu dặt, lúc trầm bổng, cao trào.

Y Thu (trái) cùng các thành viên đội cồng chiêng buôn Ea Bông.jpg

  Nói về cậu con trai út, ông Y Thim tự hào: “Nó nhớ rất nhanh. Nhạc cụ nào tôi cũng chỉ dạy vài lần là nó biết đánh, bài “Gọi cháu về” nó chơi hay hơn cả tôi nữa. Nhiều đoàn khách du lịch khi đến Đắk Lắk vẫn thường tìm đến gia đình tôi để tìm hiểu văn hóa bản địa. Mỗi lần nó diễn xong, du khách vỗ tay rần rần khiến tôi sướng cả cái bụng.”

 Chia sẻ dự định, Y Thu Êban cho biết: Sau này em muốn đi theo con đường nghệ thuật, muốn làm một nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc tài giỏi như bố và anh Y Nal. Em sẽ dạy lại cho các em nhỏ trong buôn để nhạc cụ dân tộc không bị mai một, nhạt nhòa.

 Giữ báu vật cho đời

 Cồng chiêng gắn bó như máu thịt với đồng bào Tây Nguyên, nhưng lại không do chính tay người dân ở đây làm ra. Phần lớn cồng chiêng có được và lưu giữ trong mỗi gia đình là do lưu truyền của dòng tộc từ đời này sang đời khác hoặc qua quá trình mua bán, giao thương với các nơi khác. Sở hữu trong tay 20 bộ cồng chiêng cổ của các dân tộc Ê Đê, Ja Rai, Bana, MNông; hàng chục ghế Kpan, hàng trăm cổ vật là những vật dụng sinh hoạt và đồ trang sức; dụng cụ săn bắt voi của vua săn voi Ama Kông; các bộ nhạc cụ dân tộc và 40 ché túk, ché tang quý cùng vô số ché thường, Y Thim được biết đến là người có nhiều chiêng, ché nhất Buôn Ma Thuột. Trong bộ sưu tập ấy, có những thứ ông xin được, có những loại nhạc cụ tự tay làm nhưng cũng có những vật dụng quý được đổi bằng mấy tấn cà phê hoặc mua hàng chục triệu đồng. Quý và hiếm nhất trong nhà Y Thim là bộ chiêng cổ bằng đồng pha vàng có tên là chiêng Lào gồm 10 cái kèm trống. Bộ chiêng này có giá trị bằng 20 bộ chiêng Việt. “Năm 1995, nghe nói ở Buôn Đôn có gia đình sở hữu bộ chiêng quý, tôi tìm đến xem. Thấy bộ chiêng, tôi mê quá nhưng gia chủ nhất định không bán. Tôi đi lại hàng chục lần để được ngắm nhìn, thưởng thức âm thanh của nó, gia chủ thấy thế đồng ý đổi bằng 3 con voi đực có ngà. Tôi phát hoảng bởi voi đâu mà đổi nên dù mê lắm cũng chịu. Về sau, gia chủ biết tôi là người say mê chiêng trống nên đã tìm đến nhà đổi lấy 3 cây vàng”, Y Thim kể lại. Có chiêng quý, ông chọn ngày tốt nhờ bí thư, chủ tịch xã đứng ra làm chứng, tổ chức cúng giàng, rước bộ chiêng về nhà.

Chiêng và ché quý trong nhà dài của Y Thim

Không chỉ sưu tầm, lưu giữ, Y Thim còn thành lập được đội chiêng (ban nhạc gia đình) có thể tổ chức những lễ hội truyền thống như lễ cúng bến nước, lễ mừng lúa mới, lễ đâm trâu; diễn tấu cồng chiêng, hát dân ca… Ban nhạc Y Thim gồm các con, cháu và thanh niên trong buôn đã đi biểu diễn ở nhiều chương trình văn hóa lớn trong nước và ra cả nước ngoài. Đều đặn mỗi ngày, sau giờ làm việc, ông lại chỉnh chiêng, chế tác nhạc cụ và dạy lũ trẻ trong buôn chơi đàn, đánh chiêng. Khách tham quan, anh em bạn bè mỗi dịp lên Tây Nguyên vẫn chọn gia đình Y Thim làm điểm đến, để được nghe ông kể về các lễ hội truyền thống, phong tục tập quán của người Ê đê, được xem đội cồng chiêng gia đình biểu diễn đón khách, các cô gái vừa nhảy múa bên ánh lửa bập bùng vừa châm rượu đầy bình, được ăn cơm lam, cà đắng nấu thịt bò và hiểu hơn cách uống rượu “cần” của người Ê đê

Ông Lê Phước Phúc, cán bộ Văn hóa - Thông tin xã Cư Êbur xác nhận: Dù còn nhỏ tuổi nhưng Y Thu đã chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ dân tộc, đúng là giàu năng khiếu bẩm sinh, được đồng bào xa gần rất ngưỡng mộ, yêu mến. Y Thu là niềm hy vọng của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy vốn văn hóa truyền thống của dân tộc Ê-đê.

 

LÊ NHUẬN - NGỌC ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh