THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:09

Khám phá thiên nhiên Tây Nguyên

 

Xuyên đêm với thiên nhiên

 Hoàng hôn dần buông vào chiều đầu đông trời se se lạnh, tôi có dịp theo chân đoàn cán bộ Vườn quốc gia Yok Đôn cùng nhóm du khách đến tham quan, khám phá Vườn quốc gia.

Yok Đôn sở hữu hệ sinh thái rừng khộp lớn nhất nước, với vô số loại động – thực vật quý hiếm đang được bảo vệ nghiêm ngặt. Vượt qua dòng sông Sêrêpốk hiền hòa đang mùa nước lớn trên cây cầu xây kiên cố, chúng tôi chạm cửa rừng đúng lúc mặt trời dần khuất núi, cây cỏ đang khép mình chuẩn bị yên giấc sau một ngày tỏa hương khoe sắc, trên cây những chú chim …bay lượn hót liếu lo khiến cả khu rừng náo loạn hẳn. Anh Trần Đức Phương, Phó giám đốc Trung tâm giáo dục Môi trường và Dịch vụ Vườn quốc gia Yok Đôn cho biết: Thời điểm này cây cối trong rừng đang xanh mơn mởn, rất thích hợp để ngắm hoa thưởng ngoạn, bởi không lâu nữa, cả khu rừng sẽ trụi lá trơ thân đương đầu với nắng hạn. Nhưng chỉ cần một cơn mưa đầu mùa xuất hiện, chúng sẽ hồi sinh đâm chồi nảy nở khoác lên màu xanh tươi vốn có của rừng -  đây là kiểu rừng khộp rụng lá theo mùa, mà Yok Đôn là nơi duy nhất ở Việt Nam bảo tồn loại rừng đặc biệt này.

Mảng rừng khộp

Trước khi màn đêm dần buông xuống, chúng tôi ghi lại những bức ảnh kỷ niệm làm tư liệu. Xa xa xuất hiện tiếng động lạ, bằng kinh nghiệm nhiều năm, anh Phương trấn an: “Heo rừng đó, không sao đâu”. Anh Huy, Đội Kiểm lâm cơ động góp chuyện: "Anh em kiểm lâm đi tuần tra, giám sát đa dạng sinh học… thỉnh thoảng nhìn thấy những chú nai, hươu…và những loài chim quý. Trong thời gian gần đây voi xuất hiện rất nhiều và tập trung thành từng đàn với nhiều cá thể, Trâu, bò rừng thì hơi hiếm rất khó gặp, riêng loài bò xám, hổ thì chưa thấy, nhưng các chuyên gia nghiên cứu khoa học vẫn chưa đưa ra kết luận về sự vắng mặt của chúng trong khu rừng này. Loài thú rất tinh, gặp người là chúng cắm đầu bỏ chạy, mình muốn ghi hình cũng khó. Khách vào đây ban ngày ngắm cây cỏ, lan rừng là chủ yếu, còn muốn xem thú thì phải mắc võng ngủ trong rừng, đợi đến đêm khuya ta đi vào sâu trong rừng soi đèn xuyên qua những tán cây mới thấy được chúng".

Chuẩn bị cơm tối trong rừng

Băng rừng lội bộ hơn ba giờ, đoàn phượt quyết định dừng chân bên dòng suối Đắk Lau nghỉ ngơi, chuẩn bị đồ ăn tối. Mỗi người một việc, người xuống suối câu cá, người tìm củi nhóm lửa nướng cơm lam. Một tiếng sau, bữa cơm tối giản dị đậm chất của núi rừng đã hoàn tất. Đoàn phượt bảy người quây quần bên bếp lửa bập bùng, lấy lá rừng làm đĩa đựng thức ăn, cây tre le thay đũa thưởng thức hết các món ăn do chính tay mình làm ra. Đêm trong rừng âm u tĩnh mịch, không điện, không sóng điện thoại, thứ ánh sáng duy nhất soi sáng khu rừng chính là ánh trăng lúc mờ lúc tỏ, làm thiên nhiên và con người hòa quyện với nhau hơn.

Anh Nguyễn Văn Long, Giám đốc Trung tâm giáo dục Môi trường và Dịch vụ Vườn quốc gia Yok Đôn cho hay: Việc mở các tuor du lịch sinh thái gắn với rừng Yok Đôn, nhằm mục đích tạo môi trường gần gũi giữa thiên nhiên với con người qua đó truyền đi thông điệp bảo vệ rừng. Trung tâm không đặt nặng vấn đề nguồn thu được bao nhiêu mà coi đây là kế hoạch truyền thông lâu dài để thực hiện mục tiêu bảo tồn khu rừng này. Khách đến đây được trải nghiệm nhiều dịch vụ thú vị như: Câu cá giải trí, quan sát chim, thú, tìm hiểu các loài thực vật, cây thuốc bản địa, ngắm cảnh thác nước và đắm mình dưới dòng suối mát. Bên cạnh đó, khách cũng có cơ hội tìm hiểu phong tục, tập quán sinh hoạt của các tộc người Êđê, M’nông và Lào định cư lâu đời, học nấu các món ăn của người bản địa: Món canh cà đắng, lẩu lá rừng, cơm lam,… dưới sự hướng dẫn của gia chủ và tham gia giao lưu cồng chiêng, cùng các chàng trai, cô gái Êđê, M’nông múa những điệu xoang Tây Nguyên tình tứ bên ánh lửa bập bùng khi trong không khí lâng lâng men rượu cần của núi rừng.

Hàn thuyên một lúc lâu, trời kéo mây đen che lấp các vì sao, đoàn phượt nhanh chóng trở về trung tâm hành chính tránh mưa, ngủ một giấc lấy sức chuẩn bị cho hành trình đi tìm voi trong rừng vào sáng hôm sau.

Du khách dựng lều ở lại rừng

 Học cách điều khiển Voi

Đứng trước báo động cao thực trạng voi  Đắk Lắk đang suy giảm nghiêm trọng. Vườn quốc gia Yok Đôn mở tour “Học cách điều khiển voi” tạo môi trường thân thiện gần gũi để con người có cơ hội chăm sóc, hiểu biết thêm về loài động vật có kích thước khổng lồ này. Khách du lịch phải thức dậy từ sáng sớm, theo chân người điều khiển voi (nài voi) lội bộ trong rừng vài cây số lần theo dấu xích, phân voi, vết ăn... tìm voi thả kiếm ăn từ tối qua. Sau đó đưa voi về tắm mát, bắt đầu ngày mới.

Sớm tinh mơ khi mặt trời vừa ló dạng, những hạt sương vẫn còn đọng trên cây lá, chúng tôi theo chân nài voi Y Mức Byă (50 tuổi) người gắn bó với công việc điều khiển voi hơn 30 năm, tiến vào rừng khoảng 5 km tìm chú voi có tên Y Tul ông thả từ chiều tối qua, để voi tự kiếm ăn trong rừng. Hành trình tìm kiếm gặp chút khó khăn do cơn mưa rừng đêm qua đã xóa hết các vết chân voi để lại. Kiên trì đi bộ hơn 1 giờ trong rừng, Y Mức tinh ý phát hiện dấu vết voi đi qua. Ông đoán  đi khoảng 1 km sẽ tìm được voi. Càng đi, dấu vết của voi càng hiện rõ, nhiều bụi cây bị quật ngã trụi lá, dấu chân to in nặng xuống đất tạo ra các vũng cạn. Đang ăn, thấy người lạ, Y Tul thoáng đứng yên đưa mắt dò xét. Nài voi liền cất tiếng gọi “Y Tul, Y Tul”, nghe giọng quen, chú voi vẫy tai, đuôi chào. Ông tháo dây xích cho voi rồi ra lệnh cho voi đi về. Hiểu ý chủ, Y Tul ngoan ngoãn đi theo nhưng thi thoảng vẫn dừng lại vươn vòi vơ cỏ. Trung bình mỗi ngày, một con voi cần 150kg thức ăn chủ yếu là các loại cỏ, cây lá nhỏ tươi. Mùa khô, khan hiếm thức ăn, voi phải ăn vỏ cây. “Nhiều lần voi cứng đầu, không theo lệnh, tôi khó chịu lắm, nhưng không bao giờ đánh nó. Tôi gắn bó với voi từ năm 1990, khi nó còn nhỏ nên tôi luôn thương yêu, chăm sóc như người thân của mình.  Ngày thường Y Tul rất nghe lời, chỉ khi vào mùa động đực nó mới dở chứng ương bướng, tôi phải tìm cách vỗ về, thả vào rừng sâu cả tháng để voi tự do yêu đương, nhưng chờ mãi vẫn không có tin vui nào” – Y Mức trải lòng. Vừa ra hiệu cho voi đi nhanh, ông vừa kiểm tra phân voi. Ông chỉ cần nhìn phân voi có thể đoán được tuổi đời và  tình hình sức khỏe. Nếu voi thải phân đặc, mịn, chứng tỏ tuổi đời còn trẻ, khỏe mạnh. Ngược lại phân voi còn nguyên nhiều cây cỏ báo hiệu voi đã già yếu, hoặc phân có mùi chua thì cần theo dõi chăm sóc đặc biệt. Tuổi đời của loài voi thông thường dao động từ 50 - 70 năm,  nặng 3-5 tấn. Khi voi chết đi sẽ được chôn cất đúng theo phong tục của người bản địa. Y Mức tiết lộ: Trong rừng có loại cây giống cây me có vỏ màu trắng, người đồng bào gọi là chùm ruột rừng rất kỵ với loài voi. Nếu cột voi vào cây lập tức voi bị điên, người hành nghề săn bắt voi mang cây về nhà đốt cũng hóa điên, nên gặp cây này tốt nhất cho voi tránh xa.

Học điều khiển voi

Vừa đến sông Sêrêpốk, voi rảo bước nhanh xuống dòng nước trong mát, tự do bơi lội. Nài voi dùng tay xoa nhẹ vào lưng, khiến voi càng phấn khích, đảo mình liên tục. Hành trình “Học cách điều khiển voi” kết thúc, mỗi du khách đều cảm thấy thú vị, hiểu hơn về loài động vật khổng lồ, nhưng rất thân thiện, gần gũi với con người.

Yok Đôn hiểu theo tiếng M’Nông: Yok là núi, đôn là đảo. Yok Đôn là tên của ngọn núi cao 482m, đứng một mình như hòn đảo giữa biển rừng Buôn Đôn, được dùng làm tên chung cho Vườn. Vườn quốc gia Yok Đôn có diện tích 115.545 ha thuộc hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông do Tổng cục Lâm nghiệp quản lý. Vườn có 858 loài thực vật, trong đó có 120 loài cho gỗ quý và 64 loài làm d­ược liệu. Hệ động vật trong Vườn rất phong phú, với 89 loài thú, 305 loài chim, 48 loài bò sát, 16 loài ếch nhái, 50 loài cá và khoảng trên 437 loài côn trùng. Nhiều loài trong số này được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam và thế giới. Đặc biệt là loài voi Châu Á

LÊ NHUẬN - NGỌC ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh