THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:02

Khám phá núi rừng Tây Nguyên trong “Bí mật của H’Loan”

Vùng đất Tây Nguyên, dưới ngòi bút miêu tả chân thực của Nguyễn Hồng Chiến, hiện lên đầy sảng khoái và đậm chất phiêu lưu. Chắc chẳn độc giả sẽ hào hứng với cách lấy mật ong rừng sao cho không bị chích, cách "ruốc" cá bằng vỏ cây rừng, hay bắt con dúi trong hang. Nghe chuyện con gấu say mật bị người kéo đi, hay biết cách đuổi con mang, con hoẵng phá hoại cây màu? “Bí mật của H'Loan” đầy ắp các chi tiết sinh hoạt thú vị của trẻ em Ê Đê, vốn sống gắn bó, hòa hợp và tôn trọng thiên nhiên - lối sống vẫn được gìn giữ bao đời nay.

Nhưng nhân vật của tập truyện không chỉ có trẻ em dân tộc. Đó còn là những cô bé, cậu bé miền xuôi lần đầu lên Tây Nguyên, bỡ ngỡ và tìm cách học hỏi cách sống giữa rừng giữa núi. Từ những đứa trẻ "thiếu nắng", chúng trở nên năng động, háo hức, khỏe mạnh khi được không khí vùng cao bồi bổ. Đó còn là những cô giáo, thầy giáo người Kinh, không ngại khó khăn đến với thiếu nhi dân tộc và được đáp lại bằng tình cảm yêu thương trong sáng cùng những kỉ niệm khó quên.

Cuộc sống nơi núi rừng nắng gió không dễ dàng. “Bí mật của H'Loan” còn khắc họa chân thực những khó khăn, nhọc nhằn, của trẻ em dân tộc. Những đứa trẻ mặt sạm nâu vì nắng gió, thiếu cơm ăn áo mặc, vất vả tìm cách đến trường. Nhưng qua đó, ước mơ trong ngần, tình yêu thương, gắn bó và sức sống mãnh liệt của các em hiện lên đẹp đẽ.

Phảng phất trong các truyện là không gian mờ sương của những truyền thuyết huyền bí. Những truyện ngắn “Con khỉ trả ơn”, “Húa rừng nổi giận”, “Truyền thuyết Chư Pal” đã thể hiện được quan niệm của người dân tộc về lành dữ, thiện ác, nhân quả. Qua đó, người đọc hiểu thêm về đời sống tâm linh của người dân nơi đây. 12 truyện ngắn trong “Bí mật của H'Loan” có thể xem là một đóng góp của nhà văn Hồng Chiến trong việc đưa núi rừng Tây Nguyên trở lại trong đời sống văn học nói riêng và nhận thức cộng đồng nói chung. Với lối viết giản dị, đầy trải nghiệm, ý thức truyền tải văn hóa rõ nét, Nguyễn Hồng Chiến mang đến một tác phẩm thú vị với thiếu nhi và giá trị với người lớn. 

Cũng trong dịp này, NXB Kim Đồng giới thiệu tác phẩm “Chúng mình bay đầy trời” của tác giả Võ Diệu Thanh. Tiếp nối thành công của “Siêu nhân cua”, Võ Diệu Thanh tiếp tục viết phần hai với tên gọi “Chúng mình bay đầy trời”. Trong “Chúng mình bay đầy trời” xuất hiện một nhận vật mới. Đó là Quý, cậu bé mới chuyển đến học chung với nhóm bạn nhỏ. Những cô cậu bé tinh nghịch của “Siêu nhân cua” tiếp tục mang đến một ước mơ bất ngờ: Thiết kế một cỗ máy “ngon lành” giúp bà Nội của Quý có thể bay lên trên ngọn núi Cấm. Từ đôi cánh làm bằng lông gà, cái chong chóng gắn vào cánh tay, cho đến chiếc ghế biết bay, chuỗi sáng tạo của những đứa trẻ ngây thơ nhưng vô cùng thông minh ấy chuyển đến bạn đọc một thông điệp đẹp: Tất cả chúng ta đều có thể bay lên, nếu được yêu thương và biết yêu thương.

Với giọng văn hài hước đậm chất Nam bộ, khả năng nắm bắt tinh tế tâm lý con trẻ, cách miêu tả cuộc sống tươi tắn qua mắt nhìn tuổi thơ, một lần nữa Võ Diệu Thanh chứng minh chị thuộc số ít nhà văn viết cho trẻ em duyên dáng nhất hiện nay. Hiện Võ Diệu Thanh đang sống và dạy học tại An Giang. Chị từng đạt nhiều giải thưởng như: Giải Nhì cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 4; Giải C Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật toàn quốc 2009; Giải Nhì & Khuyến khích cuộc thi Truyện ngắn Đồng bằng sông Cửu Long; Tặng thưởng Truyện ngắn hay Tạp chí Nhà văn 2011; Giải Ba Cuộc Vận động sáng tác của Dự án Hỗ trợ Văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch do NXB Kim Đồng phối hợp với Hội nhà văn Đan Mạch tổ chức.

NGỌC HÀ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh