THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:49

“Bản hùng ca tháng 7”: Chương trình giao lưu văn nghệ tri ân các thương bệnh binh và người có công

Chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm, kể từ ngày những tiếng gầm vang cuối cùng của đạn bom còn đọng lại trong chiến tranh, sự tàn khốc khôn tả đã lùi xa, nhưng những mảnh ghép ký ức của chiến tranh vẫn còn là nỗi ẩn ức, vẫn ám ảnh hàng ngày trong trí nhớ mơ hồ của những thương binh bị rối loạn tâm thần.

Ông Nguyễn Văn Khả - Thương binh bị rối loạn tâm thần.

Theo đó, chiều ngày 23/7/2019,  Khoa Quản lý Văn hóa Nghệ thuật - Trường Đại học Văn hóa Tp.HCM tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật “Bản hùng ca Tháng 7” tại Trung tâm điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)

Khép lại chiến tranh, những người lính kiên cường ngày ấy dù mang trong mình những di chứng chiến tranh nhưng vẫn lạc quan.

Trung tâm điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong các khu điều dưỡng thương bệnh binh nặng của cả nước và cũng là khu điều dưỡng thương binh duy nhất cho 18 tỉnh, thành phố phía nam. Hiện trung tâm đang chăm sóc và nuôi dưỡng cho 55 thương bệnh binh, trong đó khu điều dưỡng thương binh tổng hợp là 10 và khu điều dưỡng thương binh bị rối loạn tâm thần là 18, số còn lại hiện sống cùng gia đình ở xung quanh trung tâm. Một cán bộ điều dưỡng tại Trung tâm cho biết.

Trong chiến tranh hay trong thời bình, những người lính vẫn luôn sát cánh, giúp đỡ nhau.

Ông Tống Đức Bình - Giám đốc trung tâm điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất, chia sẻ: "18 thương binh bị rối loạn tâm thần ở đây là nhân chứng sống của những trang sử hào hùng của dân tộc, truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất trong cuộc chiến chống ngoại xâm. Và có lẽ, họ cũng là minh chứng sống động nhất về hậu quả thảm khốc của chiến tranh. Người lính anh dũng năm nào giờ nửa tỉnh nửa mê, mang những ký ức của thời lửa đạn. Họ chập chờn nhớ, chập chờn quên “mình là ai?”".

Bữa ăn của những thương bệnh binh bị rối loạn tâm thần.

Phía sau cánh cổng rộng mở của Trung tâm điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất là một thế giới hoàn toàn khác, thế giới của những những thương binh, bệnh binh rối loạn tâm thần.

Bước qua cánh cửa dẫn vào khu biệt lập dành cho thương binh rối loạn tâm thần, PV Báo Dân Sinh, bắt gặp những ánh mắt vô hồn, ngơ ngác tập trung nhìn và hoảng sợ khi thấy người lạ, tuy nhiên, sau những khoảnh khắc hoảng loạn, cười rồi lại khóc, khi tôi cố gắng bắt chuyện làm quen, họ lại trở nên hiền lành, hiền lành một cách ngờ nghệch. Những ánh mắt vô hồn, thẫn thờ ấy tạo cho người đối diện một cảm giác xót xa đến tột cùng.

"Trong ký ức của những thương binh lúc mơ, lúc tỉnh này gần như chỉ có những trận đánh với bom đạn. Đang yên bình nhưng tiếng hét “xung phong” có thể vang lên bất cứ lúc nào". Ông Tống Đức Bình - Giám đốc trung tâm điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất cho biết.

Vết tích của chiến tranh vẫn còn trên những thân thể thỉnh thoảng lại âm ỉ nhưng trên hết chất lính và tình yêu cuộc sống vẫn bừng cháy. Các bệnh binh, những “mảnh vỡ” của chiến tranh vẫn thấy đời rất đẹp qua từng lời hát, trên môi họ vẫn vẹn nguyên những nụ cười, luôn lạc quan yêu đời và họ đã tìm thấy một mái ấm bình yên cho mình.

Lâm Thị Thật – Sinh viên Khoa Quản lý Văn hóa Nghệ thuật - Trường Đại học Văn hóa Tp.HCM, chia sẻ: “Phát huy truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” góp phần chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần đối với các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng”.

Thạc sĩ - Đạo diễn Hoàng Duẩn trao đổi với PV Báo Dân Sinh, "Chúng ta cần phải có trách nhiệm khơi dậy lòng tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng, củng cố niềm tin, giáo dục lý tưởng cho thế hệ trẻ; nhắc nhở các thế hệ hôm nay luôn ghi nhớ, biết ơn những cống hiến, hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh, gắng sức lao động, học tập, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc".

Sinh viên Khoa Quản lý Văn hóa Nghệ thuật - Trường Đại học Văn hóa Tp.HCM.

HẢI LINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh