CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:16

Ban hành Danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

 

Ảnh minh họa

Thông tư số 36/2017/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2017 ban hành Danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm gồm có 117 ngành, nghề đào tạo trình độ trung cấp và 84 ngành, nghề đào tạo trình độ cao đẳng được xác định là ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm dựa trên sự kế thừa việc xây dựng và thực hiện Thông tư số 20/2014/TT-BLĐTBXH ngày 26/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định danh mục nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp nghề và cao đẳng nghề và trên cơ sở tổng kết, nghiên cứu thực tiễn, đề xuất từ các Bộ, ngành, cơ sở GDNN: “Một ngành, nghề học được coi là ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm khi thời lượng học tập trong chương trình đào tạo có liên quan đến công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm chiếm trên 50% so với tổng thời lượng của chương trình đào tạo của ngành, nghề đó”. Việc xác định công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong chương trình đào tạo căn cứ vào quy định tại Thông tư 15/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/6/2016 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc ban hành Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. 

Thông tư số 37/2017/TT-BLĐTBXH ban hành Danh mục ngành, nghề đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu gồm có 15 ngành, nghề đào tạo trình độ cao đẳng và 24 ngành, nghề đào tạo trình độ trung cấp được xác định là những ngành, nghề mà các doanh nghiệp và xã hội có nhu cầu sử dụng lao động, tuy nhiên các cơ sở GDNN đang gặp khó khăn trong việc tuyển sinh đối với những ngành, nghề này.

Ngành, nghề đào tạo khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu là những ngành, nghề được xác định là dựa trên các tiêu chí: (1) Là những ngành, nghề thuộc các lĩnh vực kinh tế đặc thù, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trong những lĩnh vực đặc biệt như: kinh tế biển đảo, nông - lâm - ngư nghiệp, khai khoáng, môi trường, nghệ thuật hoặc có tính chất lao động đặc biệt; (2) Đòi hỏi người học phải có năng lực hoặc năng khiếu cá biệt, cần phải có sự hỗ trợ đặc biệt của nhà nước để thu hút được người học; (3) Những ngành, nghề mà người học khi tốt nghiệp ra trường sẽ làm việc, phục vụ phát triển kinh tế xã hội tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.

Việc xác định Danh mục ngành, nghề đào tạo khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu dựa trên cơ sở số liệu về sử dụng lao động của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong cả nước; dự báo nhu cầu về nhân lực lao động trong giai đoạn tới; tình hình đào tạo những ngành, nghề khó tuyển sinh tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tình hình giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp những ngành, nghề này trong giai đoạn trước tại các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp.

Việc ban hành 02 Thông tư nói trên làm cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp các cấp, các địa phương và các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp thực hiện chế độ, chính sách đối với người học trong giáo dục nghề nghiệp theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

PHƯƠNG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh