THỨ TƯ, NGÀY 13 THÁNG 11 NĂM 2024 06:52

Bán gái quê cho quán cà phê chiều khách từ A đến Z

 

Trưa 6/5, trung tá Nguyễn Văn Hây, Trưởng Công an phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương  cho biết, công an phường đã liên hệ để người thân đến đón N.T.M.N (SN 1994) về quê Vĩnh Long.

Sập bẫy

Với khuôn mặt thất thần, N. kể ngày 1/5, cô đón xe đò lên TP Hồ Chí Minh tìm việc làm. Trước đó, qua mạng xã hội Z., N. quen một người đàn ông tự giới thiệu tên Khanh, sống tại TP Hồ Chí Minh, là nhân viên chuyên môi giới việc làm miễn phí. Khi N. gọi điện cho Khanh, đối tượng này bảo mình biết một chỗ “bán cà phê lương cao, việc cũng nhàn”.

Từ quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, Khanh chở N. vượt hơn 20 km đến quán cà phê Kim Anh 979 ở phường Tân Đông Hiệp. Sau đó, Khanh “giở quẻ” đòi tiền công chở đến 2,5 triệu đồng. N. mếu máo vì trong túi chỉ có 200.000 đồng.

Lúc này, bà chủ quán cà phê Kim Anh 979 liền nhanh nhảu trả 2,5 triệu đồng cho Khanh. Đổi lại, bà ta tức tốc giữ CMND của N. rồi yêu cầu cô làm việc tại quán của mình ít nhất 3 tháng thì mới xóa món nợ này. Mỗi tháng, bà ta sẽ cho N. 5 triệu đồng, miễn sao cô biết “chiều khách”.

Theo lời N., bà chủ tỏ ra “cao tay” khi bảo cô phải làm tờ giấy xác nhận việc tiếp viên là tình nguyện và đây là công việc lành mạnh. “Thực tế, em phải ngồi cùng võng với khách. Ba ngày, em tiếp 8 ông khách thì đến 5 ông đã đòi này đòi nọ” - cô tức tưởi.

N. cho biết mỗi lần nằm chung võng cho khách “quậy” trong 30 phút thì được trả 140.000 đồng. Số tiền này chủ lấy hết. Thỉnh thoảng, khách đưa 150.000 đồng, không yêu cầu thối thì N. chỉ được hưởng 10.000 đồng.

N. rất sợ nhưng không thể trốn vì ban ngày bà chủ luôn canh phòng còn ban đêm, tiếp viên phải dùng thang (như thang tre) để leo lên gác ngủ. Tiếp viên vừa leo lên gác thì bà chủ rút thang cất nên không ai xuống được!

Mới đây, N. dùng điện thoại lên mạng và cầu cứu một người quen. Người này sau đó liên lạc với “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải ở phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một. Anh Hải đã đến quán cà phê trên “hộ tống” N. ra rồi đến công an trình báo.

Anh Hải cho biết đây là cô gái thứ 3 mà các “hiệp sĩ” cứu được khỏi các quán cà phê “quậy”. Trước đó, trong năm 2015, cũng tại các quán cà phê chòi của phường Tân Đông Hiệp, “hiệp sĩ” đã giải cứu 2 cô gái quê miền Tây khác. Họ cũng bị người môi giới việc làm hoặc chạy xe ôm “bán” cho quán cà phê chòi với giá tầm 1,5 triệu đồng/ người.

 

“Hiệp sĩ” đưa N. ra khỏi quán Kim Anh 979
                                                     “Hiệp sĩ” đưa N. ra khỏi quán Kim Anh 979

T.A (SN 1996, quê Long An) bị “bán” vào quán cà phê “chòi” ở phường Tân Đông Hiệp với giá 1,5 triệu đồng và được giải cứu vào tháng 5-2015

T.A (SN 1996, quê Long An) bị “bán” vào quán cà phê “chòi” ở phường Tân Đông Hiệp với giá 1,5 triệu đồng và được giải cứu vào tháng 5-2015

“Động quỷ” dày đặc

Theo trung tá Nguyễn Văn Hây, quán cà phê Kim Anh 979, đã đã bị công an “bắt” nhiều lần nhưng sau mỗi lần lại thay chủ. “Về phường công tác mới 1 năm nay, tôi đã dẹp xong nạn gái đứng đường. Riêng các quán cà phê có hành vi “dùng phương thức phục vụ có tính chất khiêu dâm”, chúng tôi đã dẹp, xử phạt hành chính rất nhiều nhưng một số điểm vẫn hoạt động lén lút. Thời gian tới, chúng tôi sẽ làm mạnh hơn nữa” - ông Hây khẳng định.

Thế nhưng, theo ghi nhận thực tế của PV Báo Người Lao Động, ở 2 khu phố Đông Chiêu và Chiêu Liêu của phường Tân Đông Hiệp, hiện có hàng chục quán cà phê dạng chòi lá.

Sáng 6/5, PV ghé vào quán V. Phương thì được 2 nữ tiếp viên cười tươi đón chào. Khi PV giả vờ hỏi: “Quán có WiFi không em?”, một cô liền sỗ sàng: “Cà phê ôm mà WiFi làm gì anh? Vào đây ủng hộ tụi em đi”.

Tương tự, khi PV vào quán B. Tiên, một nữ tiếp viên khoảng 22 tuổi liền đon đả đưa vào một chòi lá. Trong chòi chỉ có một cái võng, 1 cái bàn. PV vừa ngồi thì cô ta nhảy thót lên đùi rồi cười rộ. Thấy khách không ưng ý, cô cho rằng mình bị chê nên đi gọi nữ tiếp viên khác ra tiếp. Người tiếp lần sau xưng tên Huệ, 20 tuổi, giọng đặc sệt miền Tây.

Huệ kể 2 năm trước, khi cô đến Bến xe Miền Tây (TP. Hồ Chí Minh), một ông chạy xe ôm liền bắt chuyện rồi hứa chở đi tìm việc làm. Rốt cuộc, ông ta “bán” Huệ cho một quán cà phê ở Bình Dương với giá 1,2 triệu đồng. Huệ buộc phải ký vào “hợp đồng” với chủ quán là làm việc hết 3 tháng mới xóa được món nợ 1,2 triệu đồng. Dù món nợ ấy đã xóa từ lâu nhưng hiện nay, cô đành phó thác số phận để được chủ nuôi ăn ở, thỉnh thoảng được thưởng, được “boa” tiền...

Theo Báo Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh