Nỗi kinh hãi của gái mại dâm Sài thành về những trận 'tra tấn' của khách hàng
- Pháp luật
- 12:13 - 03/12/2015
Chập choạng tối cuối tháng 11, chị Nga ngồi xuống vỉa hè, dậm thêm phấn lên gương mặt đã cứng đơ vì lớp kem dầy. Lôi dưới túi xách chai dầu thơm xỉn màu, người phụ nữ 33 tuổi xịt khắp thân thể rồi lững thững đi dọc công viên 23/9 (quận 1, TP Hồ Chí Minh), hướng ánh mắt vào dòng người hối hả qua lại, chờ đợi.
Giọng khàn, chậm rãi của người từng trải, chị cho biết phải dạt ra "đứng đường" một năm nay sau non nửa đời làm "gái bán hoa". "Số phận nó vận vào thân rồi, nhiều lúc thấy ê chề, tủi nhục, hết nước mắt để khóc cũng chỉ vì đồng tiền…", chị nói.
Tiếp viên quán karaoke trong một lần bị lực lượng chức năng xử lý
Quê ở miền Tây, nhà nghèo, học hết lớp 8, Nga ở nhà phụ mẹ làm ruộng. Năm 17 tuổi, bà cô ở thành phố về phát hiện nhan sắc của cháu bị bùn phèn che lấp đã đưa chị lên Sài Gòn tìm việc. Nga sau đó bị đưa ngay đến quán karaoke làm tiếp viên. Sau nhiều lần cự tuyệt khách nhưng bị đe dọa rồi bị mãnh lực đồng tiền lôi kéo, thiếu nữ chân quê ngày nào chính thức bước vào "nghề" bán dâm.
"Gặp người tử tế thì ít mà cô hồn thì vô số. Họ ép bia rượu nhiều, mình từ chối cũng bị đánh. Không chiều những thú vui quái đản hoặc thậm chí thấy ngứa mắt cũng bạt tai, chửi rủa thậm tệ như thể mình là cặn bã xã hội", vừa kể chị vừa châm điếu thuốc trên môi.
Các quản lý với đám đàn em cũng sẵn sàng "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với những nữ tiếp viên như chị, nếu khách phàn nàn. "Đi khách" kiếm được 500.000 đồng, Nga phải nộp cho quản lý 50%. Những hôm nào bị "mắng vốn", số tiền còn lại sẽ chẳng được bao. "Nhiều đứa bị ăn chặn tức quá cãi lại liền bị đánh dã man, phải nằm nhà 2-3 tuần nên hầu hết đều im lặng phục tùng. Đau đớn chỉ biết nuốt nước mắt vào trong", giọng người phụ nữ đầy vẻ cay đắng.
Nhưng nỗi ám ảnh lớn nhất với chị Nga hay bất kỳ người bán dâm nào là khi nghe cụm từ "pháo dàn" (bị cưỡng bức tập thể). Chị kể, có lần chị đứng đường đón khách thì một nam thanh niên trẻ đến thỏa thuận về nhà trọ của anh ta phục vụ. Tuy nhiên, vừa bước vào phòng thì cánh cửa sau lưng chị đóng sập, 3 người đàn ông khác đã chờ sẵn. Tỏ ý tháo lui nhưng chị bị họ hăm dọa, trốn cũng không được nên đành chịu trận.
"Hồi còn làm trong quán tuy ít gặp trường hợp này, nhưng lại phải đối mặt với việc quản lý, tú bà bắt mình 'trả lễ' cho tụi giang hồ, bảo kê. Mà mỗi lần như vậy tiếp cả nhóm người, ê chề lắm", chị kể.
26 tuổi, Hạnh Vân như phụ nữ ngoài 30. Hoạt động dưới chân cầu quận 4, do còn chút nhan sắc nên chị thành địa chỉ của nhiều đàn ông muốn tìm "của lạ". Chị cho biết, khách đa phần lịch sự nhưng thỉnh thoảng chị vẫn gặp phải người "biến thái" hoặc hung bạo.
Cuộc ngã giá trên đường tại gần khu vực cầu Sài Gòn
Hơn năm trước Vân đồng ý "đi khách" với một người nước ngoài có vẻ ngoài rất lịch thiệp. Tuy nhiên, khi chỉ còn hai người trong phòng, ông ta đã trói rồi dùng dây nịt đánh chị đến tứa máu mặc chị la hét, van xin. "Lần ấy tuy tôi được trả nhiều tiền nhưng tiền thuốc thang cũng không ít, đâu lại vào đấy, quá khiếp đảm", Vân khẽ nhún vai.
Với người hoạt động trong lĩnh vực nhạy cảm, ngoài bạn nghề, các đồng đẳng viên là những người được họ chia sẻ nhiều nhất. Đồng đẳng viên tên Bích, từng làm gái "bán hoa" hơn 20 năm cho biết, người bán dâm không có tiếng nói, họ bị vùi xuống đáy xã hội. "Nặng nề nhất với chị em là chuyện bị bạo hành. Những lúc như vậy họ không biết kêu ai, chỉ biết khóc, trách phận. Nhiều lần chị em tìm tới mình tâm sự, khóc hết nước mắt vì quá tủi nhục", Bích chia sẻ.
Cách đây mấy tháng, chị Bích nhận được cuộc gọi, đầu dây bên kia giọng rất yếu của cô gái nhờ đến bệnh viện giúp đỡ. Đến nơi, cô gái bị đánh mặt sưng húp, môi tứa máu. Hỏi ra mới biết cô bị chồng đánh, chửi là đồ mạt hạng trong khi cô phải bán dâm để kiếm tiền nuôi con và gã chồng nát rượu.
Theo thống kê, TP Hồ Chí Minh có hơn 29.000 cơ sở kinh doanh dễ phát sinh tệ nạn xã hội, khoảng 3.000 người hoạt động mại dâm. Thành phố từng muốn gom tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ "nhạy cảm" vào một chỗ để dễ quản lý, các nữ tiếp viên sẽ được trả lương, đóng bảo hiểm, khám sức khỏe định kỳ và được pháp luật bảo vệ.