Gái bán dâm “ngàn đô” không phải là người mẫu
- Văn hóa - Giải trí
- 16:38 - 23/04/2015
*Thưa ông, dư luận cho rằng những năm gần đây có quá nhiều cuộc thi hoa hậu, người đẹp từ cấp quốc gia đến các tổ chức đoàn thể?
- Nghị định 79 của Chính phủ quy định mỗi năm có có 2 cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia, 3 cuộc thi tổ chức cho các cơ quan đoàn thể, ngành. Quy định là thế nhưng năm 2014, Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) không cấp phép hết 5 cuộc thi.
Nếu nói tổ chức các cuộc thi hoa hậu tràn lan thì không đúng, nhưng hiện nay có tình trạng các Cty tự đăng thông tin trên các trang mạng xã hội, trên trang web về cuộc thi sắc đẹp, giải cho các “danh hiệu” cũng do họ tự trao, điều này trái với quy định của pháp luật.
Khi có thông tin từ truyền thông hoặc đường dây nóng, Cục NTBD đều chỉ đạo cùng các sở VH-TT&DL phối hợp với Thanh tra Bộ VH-TT&DL, thanh tra của Cục xử lý nghiêm.
Cái khó là có những Cty, trung tâm hoạt động theo Luật doanh nghiệp. Dẫn chứng từ trường hợp đối tượng Lê Bảo Lộc, người vừa bị Công an TP Hồ Chí Minh bắt tạm giam để điều tra hành vi môi giới mại dâm. Trước đó Lộc hành nghề đào tạo người mẫu. Nhiều người cứ nghĩ vào một trung tâm đào tạo nào đó, được cấp một chứng chỉ là tự xưng mình là người mẫu, sau đó làm những việc sai trái để thỏa mãn ham muốn cá nhân.
Ông Nguyễn Đăng Chương
Với những người đẹp bị bắt trong đường dây môi giới mại dâm “ngàn đô”, chúng tôi đã tìm đọc tất cả hồ sơ của những cô gái này và khẳng định, họ không phải là người mẫu, cũng không hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn mà chỉ giả danh người mẫu để nâng giá bán dâm. Những hiện tượng này gây nhức nhối trong xã hội, cần xử lý nghiêm theo đúng pháp luật.
*Ông nghĩ sao về vấn nạn “thi chui” đang diễn ra ngày càng nhiều ?
- Nghị định 79 qui định, đại diện nhan sắc Việt Nam đi tham dự các kỳ thi ở nước ngoài phải là người đạt 3 danh hiệu chính tại các cuộc thi sắc đẹp trong nước như: Hoa hậu, á hậu 1, á hậu 2.
Hầu hết những người đẹp đi thi “chui” đều không có danh hiệu trong nước, kể các cuộc thi người đẹp cấp tỉnh, mà đã “thi chui” thì dù họ có đạt danh hiệu cũng không được thừa nhận ở Việt Nam.
Chúng tôi đã khảo sát tại nước ngoài, bất cứ ai có tiền đều có thể tổ chức các cuộc thi sắc đẹp và tự định ra các tiêu chí chấm thi, thậm chí là tổ chức cuộc thi đa quốc gia, thế nên có những cuộc thi quốc tế mà chỉ 7 thí sinh tham dự.
Phía sau những danh hiệu từ các cuộc thi đó là gì, đây là vấn đề đang diễn biến hết sức phức tạp trong đời sống của chúng ta, để giải quyết phải có sự vào cuộc của nhiều cơ quan liên quan.
*Những nghệ sĩ chân chính đang mong chờ được cấp thẻ hành nghề, có khó khăn gì trong động thái này không, thưa ông?
- Việc cấp thẻ hành nghề rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay, khi mà danh hiệu bị mạo nhận quá nhiều. Chúng tôi đang triển khai thực hiện, Thông tư về việc cấp thẻ hành nghề đã xây dựng xong, nhưng Thông tư này liên quan đến một mục của Dự thảo Nghị định 79 sửa đổi đang trình Thủ tướng, sau khi Nghị định sửa đổi có hiệu, có hướng dẫn thực hiện, chúng tôi sẽ triển khai, rà soát và cấp thẻ.
Tuy nhiên, việc cấp thẻ phải cẩn trọng và đúng người, đúng việc nên phải rà soát kỹ. Sau khi có thẻ, nếu nghệ sĩ vi phạm có thể thu thẻ theo thời hạn hoặc thu thẻ vĩnh viễn.
* Thưa ông, Dự thảo Nghị định 79 sửa đổi có tính đến việc giảm các cuộc thi sắc đẹp trong một năm để nâng cao chất lượng danh hiệu ?
- Dự kiến đối với các cuộc thi hoa khôi vẫn giữ 3 cuộc/năm, còn thi hoa hậu cấp quốc gia là 1 cuộc/năm, như vậy là phù hợp với nhu cầu thực tế, đời sống xã hội, phù hợp với nguồn lực con người khi tham gia các cuộc thi này. Bên cạnh đó, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc cấp phép cũng được qui định chặt chẽ hơn từ cấp Trung ương cho đến địa phương.
Ngoài ra còn có các chế tài xử lý, hoặc qui định chi tiết hơn nữa các thẩm quyền, hoặc qui định những việc đối với các tổ chức, cá nhân, gắn trách nhiệm vào đó để bám sát thực tế đời sống hơn. Việc đưa ra những qui định cụ thể sẽ phù hợp, tạo sự thông thoáng và giữ được kỷ cương trong lĩnh vực quản lý NTBD.
Cảm ơn ông !