“Anh nông dân lưng gù” đoạt giải nhất phim về quyền người khuyết tật
- Văn hóa - Giải trí
- 13:35 - 12/03/2018
Nhân kỷ niệm Ngày Không phân biệt đối xử (Zero Discrimination), ngày 11/3, tại Hà Nội, dự án “Lăng kính về quyền của người khuyết tật” công bố và trao giải thi phim ngắn cho các nhóm người khuyết tật làm công tác truyền thông.
Tại lễ công bố, Ban tổ chức đã công chiếu 4 tác phẩm phim tốt nghiệp của 20 học viên làm công tác truyền thông đến từ 12 hội người khuyết tật các quận/huyện, câu lạc bộ, trung tâm của người khuyết tật tại Hà Nội gồm: “Kẻ dại khờ”, “Khi bạn tin thì bạn có thể”, “Anh nông dân lưng gù”, “Vọng ngày xanh”.
Đoàn làm phim "Anh nông dân lưng gù" xuất sắc dành giải Nhất cuộc thi.
Kết quả, bộ phim “Anh nông dân lưng gù” với nguyên mẫu ngoài đời thực là anh nông dân Lê Văn Thành (Bắc Từ Liêm-Hà Nội) đã xuất sắc giành 2 giải nhất từ Ban giám khảo và bình chọn của khán giả. Phim kể về câu chuyện anh Thành phải chịu sự phân biệt đối xử từ xã hội và người thân song giàu nghị lực và ý chí. Vượt qua nhiều khó khăn, giờ đây hạnh phúc đã mỉm cười khi anh Thành lập gia đình và có 3 con.
Anh Lê Minh Thọ, trưởng nhóm làm phim “Anh nông dân lưng gù” chia sẻ: "Cái khó nhất là sử dụng máy quay. Máy rất nặng nên trong quá trình làm phim, anh em phải phân công nhau: người nhìn ống kính, người khênh chân máy, người vác máy, người ngắm góc máy. Tôi không nghĩ đến mệt mỏi mà chỉ mong muốn làm thật tốt”.
Giải nhì được trao cho 2 phim: Khi bạn tin bạn có thể, Vọng ngày xanh. Đặng Thùy Linh, sinh viên năm thứ 2 Đại học Luật Hà Nội, là diễn viên chính kiêm kỹ thuật dựng bộ phim “Khi bạn tin thì bạn có thể” kể: “3 nhân vật trong bộ phim là 3 dạng khuyết tật khác nhau. Em không muốn nhấn mạnh đến sự khuyết tật mà muốn khẳng định rằng: người khiếm thị vẫn có thể chụp ảnh, người điếc có thể có việc làm ổn định, người khuyết tật vẫn có thể nhảy múa ca hát. Xã hội thay vì nhìn người khuyết tật với sự thương hại, động viên mà hãy mở rộng mọi cánh cửa, công nhận người khuyết tật như những người bình thường”.
Anh Nguyễn Hoài An, thành viên ban giám khảo nhận xét: “Đối với các học viên tham gia dự án để làm phim trong thời gian ngắn, những phim ngắn này đã là một bước tiến với bản thân các bạn khuyết tật . Bản thân anh cảm thấy xúc động khi xem phim của các bạn khuyết tật, nhưng đó không phải là thương cảm mà là sự nể phục. Anh hy vọng các bạn khuyết tật sẽ truyền thêm năng lượng cho cộng đồng và cuộc sống”.
Theo ban tổ chức, cuộc thi nhằm mục đích kêu gọi sự tôn trọng, yêu thương và dừng mọi hình thức phân biệt đối xử đối với người khuyết tật không chỉ diễn ra trong một ngày mà mỗi ngày. Các tác phẩm ảnh và phim do chính những người khuyết tật bị khiếm thi, điếc, khuyết tật tay, khuyết tật vận động, cột sống, nạn nhân chất độc da cam... thực hiện. Các tác phẩm phản ánh chân thực tiếng nói của người khuyết tật khi đề cập đến các thách thức, khát vọng, mơ ước và tình yêu cuộc sống của chính những người khuyết tật trong cuộc.
Những phim ngắn sẽ được sử dụng vào mục đích truyền thông phi lợi nhuận trên các mạng xã hội và các kênh truyền thông để tăng sức ảnh hưởng và sự quan tâm của nhiều đối tượng khác nhau, hướng đến một xã hội bình đẳng và hòa nhập thực sự đối với người khuyết tật. Các hoạt động của dự án “Lăng kính về quyền người khuyết tật” đươc thực hiện nhằm tạo cơ hội thực hiện các ý tưởng truyền thông sáng tạo về quyền người khuyết tật thông qua các cuộc thi ảnh, sản xuất các bộ phim ngắn và tổ chức các sự kiện tại các trường đại học của đại diện các nhóm khuyết tật tại thành phố Hà Nội. Dự án Lăng kính về quyền người khuyết tât đươc thưc hiện từ tháng 10/2017 đến tháng 4/2018 với sự tài trợ của Đại sứ quán Mỹ.
Dự án “Lăng Kính về Quyền Người Khuyết Tật” là sáng kiến một nhóm các bạn trẻ khuyết tật và không khuyết tật tham gia chương trình “Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á” do tổng thống Mỹ Obama khởi xướng với mong muốn đưa hình ảnh và tiếng nói của người khuyết tật đến cộng đồng qua những bức ảnh, câu chuyện, phim ngắn do chính người khuyết tật thực hiện. Mục tiêu của dự án là xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ truyền thông cho 12 hội/chi hội/trung tâm/CLB người khuyết tât trên địa bàn Hà Nội.