THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:28

Huyện Đông Hưng (Thái Bình) thực hiện tốt công tác "Đền ơn đáp nghĩa"

 Cùng với cả nước trong những năm tháng chiến đấu vì độc lập, tự do, huyện Đông Hưng đã chi viện to lớn về sức người, sức của cho tiền tuyến với phương châm “Gạo không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, hơn 80 nghìn lượt con em lên đường ra mặt trận chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần viết nên những trang sử hào hùng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Đông Hưng có 7.320 liệt sỹ, 4.980 thương binh, bệnh binh, 1.215 người bị địch bắt tù đày, 120 lão thành cách mạng và cán bộ tiền khởi nghĩa, 15 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 774 mẹ Việt Nam anh hùng, huyện và 12 xã được phong tặng  Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Theo pháp lệnh ưu đãi người có công (NCC), đến nay toàn huyện có hơn 14 nghìn NCC và thân nhân NCC hưởng chính sách ưu đãi NCC của Nhà nước.

Những con số trên đã nói lên sự cống hiến to lớn của các thế hệ người con Đông Hưng đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc. Chiến tranh đã qua đi. Đất nước đang từng ngày, từng giờ đổi mới và phát triển, vết thương chiến tranh cũng đã lành theo năm tháng, nhưng vết thương lòng chỉ được xoa dịu bằng sự quan tâm chia sẻ giúp đỡ của cộng đồng xã hội.

Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đông Hưng

Những năm qua, Đảng bộ và Nhân dân huyện Đông Hưng luôn xác định thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội. Đó không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhằm tri ân công lao, đóng góp to lớn của NCC đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc. Với gần 11 nghìn người đang hưởng trợ cấp hàng tháng, gần 1 nghìn hưởng trợ cấp 1 lần, trên 15 nghìn người được hỗ trợ bảo hiểm y tế, gần 500 người được trợ cấp chế độ học sinh, sinh viên, 14 nghìn người được hưởng quà tết của Chủ tịch nước, của tỉnh, của huyện cùng các chính sách về chế độ điều dưỡng, về thăm viếng, đưa đón quy tập hài cốt liệt sỹ, trợ cấp dụng cụ chỉnh hình đã được thực hiện đúng, đủ, kịp thời với tổng kinh phí hàng năm trên 230 tỷ đồng.

Đông Hưng thực hiện xã hội hóa công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, vì vậy phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã được diễn ra sâu rộng trên phạm vi toàn huyện. Nhiều nghĩa cử cao đẹp rất đáng trân trọng xuất hiện ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương. Từ việc thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ khó khăn đột xuất, tặng sổ tình nghĩa, bố trí tạo công ăn việc làm, hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, cùng nhiều hình thức quan tâm hỗ trợ khác.

 Đài tưởng niệm liệt sĩ xã Đông Huy được xây dựng bằng 1 phần kinh phí từ nguồn xã hội hóa


  Điển hình trong phong trào này như các xã Phú Châu: Năm 1990 đã xây 2 nhà tình nghĩa và tặng hơn 30 cuốn sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách gặp khó khăn. Kỷ niệm 70 năm ngày TBLS, xã phát động khởi công xây dựng đài tưởng niệm liệt sĩ trị giá trên 3 tỷ đồng, trong đó vận động từ nhân dân và các con em xa quê được trên 2 tỷ đồng. Các xã Hồng Giang, Đông Động, Đông Hoàng cũng vậy. Từ nguồn lực tài chính phong trào xã hội hóa, công tác “Đền ơn đáp nghĩa" đã kịp thời động viên xoa dịu nỗi đau  thương mất mát do chiến tranh để lại, để họ tiếp tục vững tin vượt lên trong cuộc sống.

Thương binh 2/4 Nguyễn Văn Thắng ở thôn Đống Năm, xã Đông Động phấn khởi cho biết: “Được sự hỗ trợ của nhà nước cùng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, người thân, họ hàng gia đình, ông đã xây mới ngôi nhà 2 tầng diện tích 40 m2 tổng kinh phí trên 400 triệu đồng, trong đó quĩ “Đền ơn đáp nghĩa” của huyện hỗ trợ 40 triệu đồng”.

Thương binh 2/4  Mai Văn Hưởng sinh năm 1957 ở xã Lô Giang nói: “Hàng năm vào dịp lễ tết và dịp 27/7 được các ban, ngành, đoàn thể từ xã cho đến huyện đều quan tâm thăm hỏi, động viên và tặng quà. Vật chất tuy không nhiều, nhưng tôi rất phấn khởi, vì đã được quan tâm, động viên kịp thời, để tôi cố gắng vươn lên trong cuộc sống thường ngày”...

  Ông Phạm Ngọc Sơn ở xã Phú Châu là Thương binh làm kinh tế giỏi, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương


Thắp nến Tri ân các Anh hùng liệt sĩ tối 26/7/2017 tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Đông Hưng

 

Nơi an nghỉ của gần 2.700 liệt sĩ huyện Đông Hưng


  Ông Vũ văn Trí, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Đông Hưng cho biết : “Đông Hưng đang trên đường hành trình về đích nông thôn mới, kết cấu hạ tầng KTXH ngày càng phát triển, đời sống vật chất tinh thần cuả nhân dân ngày càng ổn định.  70 năm qua, công tác thương binh, liệt sỹ và NCC đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội và các tầng lớp nhân dân trong huyện quan tâm sâu sắc và có nhiều hành động cụ thể, thiết thực trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.

Cùng với chế độ đãi ngộ của Nhà nước, người và gia đình người có công tiếp tục được quan tâm nhiều mặt, được chăm sóc, giúp đỡ, hỗ trợ chính sách để phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống. Toàn huyện, không có hộ gia đình người có công thuộc hộ nghèo, hầu hết các gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của các hộ gia đình thuộc khu dân cư. Nhiều hộ gia đình người có công đã vượt qua khó khăn, vươn lên, nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình mình, mặt khác còn tích cực hưởng ứng các phong trào do Đảng và Nhà nước phát động, nhất là phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, có người đã trở thành chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh giỏi, đóng góp nhiều công sức cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của địa phương. 

Minh Quang

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh