THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:02

An Giang: Nông dân trồng gừng lãi cao

 

Từ việc trồng lúa không có lãi, giá cả bấp bênh, những năm gần đây nhiều hộ nông dân ở An Giang đã chuyển sang trồng gừng để phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay xã Kiến An, huyện Chợ Mới là một trong những vùng trồng màu chủ lực, trong đó có cây gừng.

Theo những nông dân có kinh nghiệm lâu năm trồng gừng, tuy cây gừng thời gian cho thu hoạch lâu hơn so với một số cây màu khác, nhưng lại cho thu nhập cao. Tính từ thời gian xuống giống , đến khi cho thu hoạch gừng thương phẩm (gừng non) khoảng 5 tháng, còn để thu hoạch bán gừng giống (gừng già) phải chăm sóc kéo dài khoảng 10 tháng.

Chính vì thời gian cho thu hoạch lâu, nên nhiều hộ trồng gừng thường trồng xen canh các loại cây hoa màu ngắn ngày khác như hành, xà lách, ngò xì để vừa làm mát gốc cho gừng mau phát triển, vừa lấy ngắn nuôi dài tăng thu nhập. Cách trồng xen là khi gừng xuống giống vùa bắt đất thì bắt đầu trồng hành, xà lách, ngò xi vào, chỉ sau hai tháng là có thể thu hoạch được. Làm vậy, người trồng gừng cũng đã lấy được một phần vốn và tiếp tục chăm sóc gừng tới ngày thu hoạch.

Thời gian xuống giống trồng gừng tốt nhất là vào tháng Giêng và cách chọn gừng giống phải củ to, da bóng, không teo tóp. Đất trồng gừng phải làm kỹ và tơi xốp, sau khi xuống giống nên ủ rơm giữ độ ẩm cho đất để gừng nảy mầm sớm. Khoảng cách trồng gừng cũng rất quan trọng, nều trồng gừng để thu hoạch bán gừng giống, với thời gian chăm sóc kéo dài hơn, thì nên trồng với khoảng cách khoảng 5 tấc/ bụi gừng.

Nếu trồng gừng để thu hoạch gừng thương phẩm (gừng non), thì khoảng cách khoảng 3 tấc/ bụi gừng. Trung bình để xuống giống được 1 công gừng thì phải cần từ 500 kg – 600 kg gừng giống. Gừng rất thích hợp với vùng đất sét và bãi bồi, chịu nước, nhưng nếu nhiều quá cũng khiến củ gừng bị ôi nước không phát triển được.

Mô hình trồng gừng luân canh trên đất ruộng đem lại lợi nhuận cao đã và đang được nhân rộng ở nhiều địa phương tỉnh An Giang.

Theo kinh nghiệm của nhiều người, điều đáng lo ngại nhất đồi với người trồng gừng là gừng bị thối củ do một loại vi khuẩn gây ra, hiện vẫn chưa có thuốc để trị. Trên diện tích đất đang trồng gừng, nếu đã bị bệnh thối củ thì từ 4 – 5 năm sau mới có thể trồng gừng lại, nếu trồng sớm vi khuẩn vẫn tồn tại trong đất sẻ tiếp tục gây hại. Nói chung trồng gừng không thể trồng liên tục nhiều năm, mà cần phải luân canh thay đổi trồng các loại hoa màu khác, để tránh mầm bệnh còn lưu lại.

Ở An Giang và một số tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, những năm gặp thời tiết thuận lợi mưa đều đặn cây gừng phát triển tốt. Nếu thời tiết không thuận lợi, ít mưa người trồng gừng nên tưới thêm nước vào ban đêm, sẽ làm cho cây gừng phát triển mạnh, cho năng xuất cao.

Hiện nay người tiêu dùng không còn mặn mà với gừng nhập khẩu từ Trung Quốc, nên giá gừng nội địa tăng cao, với khoảng 50.000 đồng/kg, sau khi trừ mọi chi phí, người trồng gừng còn có lãi trên 100 triệu đồng/1 công đất trồng. Đây là mô hình không chỉ xóa nghèo bền vững, mà còn giúp nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu.

LƯƠNG ĐỊNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh