An Giang: Nhiều khó khăn trong công tác cai nghiện và hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán
- Pháp luật
- 12:26 - 25/02/2023
Đối với công tác cai nghiện và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai nghiện ma túy, thực hiện Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và Nghị định số 116/2021/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh An Giang chủ động ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo điều hành.
UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH và Sở Y Tế tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến giáo dục về Luật phòng, chống ma túy và xác định tình trạng nghiện ma túy cho cán bộ ngành lao động, Công an và Y Tế cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã; tổ chức tuyên truyền về công tác cai nghiện ma túy tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh. Qua đó, các quy định mới liên quan đến công tác cai nghiện được triển khai, hướng dẫn cụ thể đến các ngành, các cơ quan liên quan ở các cấp và địa phương; đã nâng cao được nhận thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống ma tuý và người dân trên địa bàn, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và địa phương trong việc thực hiện các quy định mới trên lĩnh vực này.
Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện Nghị định số 116/2021/NĐ-CP hiện nay ở An Giang vẫn còn gặp không ít khó khăn. Do tổ chức bộ máy thiếu ổn định, cán bộ cấp xã thường xuyên luân chuyển, tình trạng thiếu bác sĩ ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả điều trị, cai nghiện ma túy. Một số Trạm Y tế cấp xã vẫn chưa bố trí được bác sĩ. Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh không có bác sĩ, không đủ điều kiện để được cấp Giấy phép hoạt động khám chữa bệnh, không thể hỗ trợ các địa phương tiếp nhận người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện ma túy để xác định tình trạng nghiện. Công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng chưa thể triển khai. Công tác quản lý sau cai nghiện ma túy gặp nhiều khó khăn do người nghiện sau khi hoàn thành cai nghiện không trình báo với địa phương mà bỏ địa phương đi nơi khác.
Đối với công tác phòng, chống mại dâm, toàn tỉnh hiện có 4.618 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, số tiếp viên nữ là 3.198 người. Mặc dù không hình thành điểm nóng về tệ nạn mại dâm và không có tụ điểm mại dâm hoạt động công khai trong cộng đồng. Tuy nhiên, các hoạt động mại dâm trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra lén lút, trá hình với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi khiến công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm của cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn. Trong năm, tỉnh đã triệt xoá 24 vụ mua bán dâm liên quan 136 đối tượng.
Trước tình trạng hàng nghìn người lao động Việt Nam xuất nhập cảnh trái phép sang Campuchia, An Giang luôn khẩn trương, kịp thời trong công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân. Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 2865/QĐ-UBND ngày 28/11/2022 về Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh An Giang và các văn bản chỉ đạo, điều hành các cơ quan chuyên môn có liên quan vào cuộc một cách quyết liệt. Trong năm 2022, tỉnh An Giang đã tổ chức tiếp nhận, hỗ trợ 73 nạn nhân bị mua bán trở về từ Campuchia (có 12 nữ, 61 nam). Đa số các nạn nhân là người ngoài tỉnh.
Tỉnh hỗ trợ gói nhu cầu thiết yếu ban đầu bao gồm: Quần áo, các vật dụng cá nhân cần thiết; hỗ trợ nơi ăn ở; khám sức khỏe ban đầu; tư vấn hỗ trợ tâm lý; cung cấp thông tin về phòng chống mua bán người, hỗ trợ tiền tàu xe, vé máy bay để đưa các em trở về địa phương theo nguyện vọng để tránh tái bị mua bán. Ngoài ra, nhằm tăng cường công tác phòng, chống mua bán người tại khu vực biên giới, tỉnh đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH phối hợp Bộ đội biên phòng tỉnh tổ chức tuyên truyền tại các huyện An Phú, Tịnh Biên và TP. Châu Đốc có 600 người dân, đồng bào dân tộc Chăm, Khmer tham dự.
Tuy nhiên, bên cạnh việc thực hiện rất tốt công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, tỉnh An Giang cũng tồn tại không ít khó khăn. Bởi nạn nhân bị mua bán trở về thường có hoàn cảnh khó khăn, học vấn thấp, tâm lý thường nên khó khăn cho công tác hướng nghiệp - dạy nghề; một số nạn nhân thiếu nhận thức, quen cách sống đua đòi, không hài lòng với thực tại, thiếu ý chí vươn lên. Thứ hai, chế độ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng còn thấp, chỉ tập trung hỗ trợ học văn hóa, học nghề. Hỗ trợ vay vốn là nội dung chưa thực hiện được do nạn nhân không có tài sản thế chấp, không có khả năng lập kế hoạch và phương án sản xuất theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Thứ ba, tình hình người dân qua lại biên giới còn phức tạp, một số địa phương chưa nắm hết số nạn nhân trở về bằng con đường không chính thức; công tác tư vấn, tiếp cận nạn nhân còn yếu, nhiều nạn nhân khó tiếp cận do gia đình che giấu, sợ bị kỳ thị. Hiện nay Tổng cục di trú Campuchia đang tiến hành mở các đợt truy quét các Casino, các công ty game online sử dụng lao động bất hợp pháp.
Trước tình hình này, các Casino, công ty game online này lo sợ bị xử lý sẽ mở cửa cho người lao động tự do trở về Việt Nam. Dự báo trong thời gian tới, số lượng lớn công dân Việt Nam nhập cảnh trái phép về Việt Nam qua các cửa khẩu tuyến biên giới tỉnh An Giang sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.