Nhiều kết quả trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện đa dạng, phù hợp
- Pháp luật
- 18:08 - 19/12/2022
Nhiều kết quả đạt được trong cai nghiện bắt buộc
Có thể nói, trong năm 2022, công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy được Bộ LĐ-TB&XH quan tâm, chỉ đạo sâu sát và được các tỉnh thành, trên cả nước, các cấp ủy, chính quyền các cấp, các Sở, ban, ngành, đoàn thể tích cực phối hợp triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực,
Báo cáo cho biết, năm 2022, trong công tác phòng chống và cai nghiện ma túy, đã tập trung hướng dẫn triển khai Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản dưới luật về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.
Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Công văn số 332/LĐTBXH-PCTNXH ngày 16/2/2022 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để chỉ đạo việc thực hiện cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện.
Tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định số 116/2021/NĐ-CP đến 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong năm 2022, có 121.374 người được cai nghiện ma túy, trong đó: Các cơ sở cai nghiện ma túy công lập trên cả nước đã tổ chức cai nghiện cho 63.253 người.
Trong đó số tiếp nhận mới là 31.010 người (có 4.335 người thuộc diện bắt buộc theo Nghị định số 221/2013/NĐ-CP và 16.855 người thuộc diện bắt buộc theo Nghị định số 116/2021/NĐ-CP, trong đó có 53 người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi; số người cai tự nguyện 9.820 người, trong đó có 118 người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. Số chuyển từ năm 2021 sang 31.812 người, số tái hòa nhập cộng đồng 33.886 người.
Có 13 cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện do tổ chức, cá nhân thành lập đang hoạt động, trong năm đã điều trị cho 2.896 người; có 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng cho 3.656 người; cả nước đang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế cho 51.027 người.
Tỷ lệ người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện ma túy ước đạt 74%; tỷ trọng người nghiện ma túy tham gia cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy trong tổng số người nghiện được cai nghiện đạt thấp (25%).
Đáng chú ý, tất cả hồ sơ tiếp nhận vào các Cơ sở đều đảm bảo đúng quy định; Cai nghiện bắt buộc tại các Cơ sở điều trị nghiện ma túy trên cả nước đã thực hiện đầy đủ chương trình cai nghiện theo quy định, đặc biệt là quản lý tốt học viên trong cơ sở cai nghiện, chưa để xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự, điểm nóng trong cơ sở hoặc bỏ trốn tập thể.
Cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cũng được quan tâm triển khai
Công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cũng được các địa phương quan tâm triển khai, một số địa phương đã thành lập tổ công tác cai nghiện ma túy, các Đội công tác xã hội tình nguyện tại các xã, phường, thị trấn, các tỉnh thành đã làm rất tốt công tác vận động, tuyên truyền, quản lý người nghiện ma túy, giúp đỡ người sau cai nghiện: giúp người cai nghiện tự nguyện tại gia đình được đào tạo nghề, số người hoàn thành cai nghiện được hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm tái hòa nhập cộng đồng…
Trong đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đang duy trì tổ chức điều trị cho 4.218 người nghiện ma túy.
Công tác quản lý sau cai nghiện: Các địa phương đã có kế hoạch quản lý sau cai đa dạng và phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của từng nơi thông qua các chương trình cho vay vốn, giải quyết việc làm… nhằm giúp cho người sau cai nghiện có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống, chống tái nghiện trở lại.
Ngoài ra các địa phương, các tổ chức đoàn thể cũng đã tạo điều kiện giúp đỡ, bảo lãnh cho hàng trăm hộ gia đình có người nghiện ma túy đã hoàn thành chương trình cai nghiện về quản lý tại nơi cư trú được vay vốn làm kinh tế; Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy tại các địa bàn trọng điểm về tệ nạn ma túy được đẩy mạnh;
Công tác kiểm soát địa bàn, triệt phá các ổ, nhóm mua bán, hút, chích ma túy được tăng cường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; áp dụng nhiều hình thức quản lý, giáo dục, tổ chức cai nghiện, chữa trị, phục hồi phù hợp cho từng loại đối tượng.
Đơn cử, như tỉnh Vĩnh Long, Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết, năm 2022 cũng đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác cai nghiện ma túy, điều trị nghiện ma túy, quản lý người nghiện ma túy và người sử dụng trái phép chất ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy qua 03 năm thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị.
Trong 03 năm qua, công tác cai nghiện ma túy đã tiếp nhận mới 551 học viên (trong đó, cai nghiện bắt buộc là 171 học viên; cai nghiện tự nghiện là 194 học viên; đối tượng xã hội là 159 học viên, cắt cơn cộng đồng 27 học viên). Công tác dạy nghề cho học viên tại cơ sở cai nghiện luôn được chú trọng, từng bước nâng cao về chất lượng.
Đặc biệt, thông qua việc tổ chức “Ngày hội việc làm” đã giới thiệu 06 học viên đăng ký tham gia lao động có thời hạn tại Nhật Bản, giúp 19 học viên tìm việc làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Triển khai hiệu quả mô hình đan ghế mây bằng dây nhựa gắn với công tác quản lý, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy; giải quyết việc làm cho gần 300 lao động nông thôn thông qua Mô hình phòng, chống ma túy và quản lý sau cai nghiện.
Hay như TP. Hà Nội, về cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy, năm vừa qua, toàn TP. Hà Nội đã tổ chức cai nghiện bắt buộc cho hơn 1.100 người; đồng thời vận động, tiếp nhận cai nghiện theo hình thức tự nguyện cho hơn 1.360 người, đạt kế hoạch đề ra.
Giúp học viên cai nghiện tăng cơ hội hòa nhập để tránh xa con đường lầm lỡ, các cơ sở cai nghiện ma túy quan tâm tư vấn, hướng nghiệp, đào tạo nghề cho 500 học viên trong quá trình cai nghiện.
Tại cộng đồng, đến cuối năm 2022, Hà Nội có 263 xã, phường, thị trấn áp dụng mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú, tăng 176 mô hình so với cuối năm 2021.
Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Nguyễn Tây Nam, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội dù đạt kết quả khả quan, nhưng tệ nạn vẫn len lỏi, thâm nhập vào đời sống, nên cần tiếp tục phòng, chống bằng nhiều giải pháp.
Hình thức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và tại cộng đồng được đánh giá là mô hình thân thiện, nhân văn, nhưng đa số địa phương hiện chưa đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện. Điều này lý giải vì sao trong năm 2022, Hà Nội chỉ có hơn 260 người tham gia điều trị tại gia đình, cộng đồng, bằng 22% so với năm 2021.