Ấm áp nghĩa tình đồng đội
- Người có công
- 06:28 - 24/07/2022
Rất nhiều người trong số những người lính ngày ấy đã hy sinh, nhiều người đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an ghi nhận chiến công, những cống hiến cho lực lượng và đất nước. Khi đã hoàn thành nhiệm vụ, trở về cuộc sống đời thường, những người còn lại vẫn ở bên nhau, cùng lập nên Ban liên lạc Công an chi viện chiến trường miền Nam, lưu giữ những trang tư liệu, lịch sử về đồng chí, đồng đội, giúp đỡ nhau trong cuộc sống…
Hòa chung không khí của những ngày tháng Bảy tri ân, Ban liên lạc Công an chi viện chiến trường miền Nam đã tổ chức gặp mặt kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Đây cũng là dịp ôn lại truyền thống hào hùng và tưởng nhớ gần 1.000 liệt sĩ là cán bộ công an chi viện cho chiến trường miền Nam cùng các anh hùng liệt sĩ của cả nước đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc.
Tại buổi gặp mặt giữa Thủ đô Hà Nội, những người chiến sĩ công an năm xưa đã cùng nhau ôn lại truyền thống vẻ vang của lực lượng CAND. Trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và trong thời kỳ xây dựng phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc, lực lượng CAND đã có 14.000 liệt sĩ, hơn 5.000 thương, bệnh binh và hàng chục nghìn NCC với cách mạng. Hiện, trên 4.000 đồng chí là thương binh, thân nhân liệt sĩ và NCC đang công tác trong lực lượng CAND.
Trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, lực lượng CAND đã chi viện cho an ninh miền Nam 11.294 cán bộ công an ưu tú. Trong cuộc kháng chiến này, 909 đồng chí đã hy sinh anh dũng, 46 đồng chí bị địch bắt, tù đày, tra tấn dã man nhưng vẫn giữ vững khí tiết cách mạng. Hàng ngàn đồng chí bị nhiễm chất độc hóa học, bị thương tật vĩnh viễn, để lại chiến trường một phần xương máu của mình... Những chiến công, những hy sinh to lớn của lực lượng cán bộ công an chi viện chiến trường miền Nam đã góp phần làm nên truyền thống lịch sử vẻ vang của lực lượng CAND.
Trong không khí xúc động tại buổi gặp mặt, ông Phạm Văn Nho, thương binh 3/4, nạn nhân chất độc hóa học chia sẻ kỷ niệm sâu sắc trong cuộc chiến bảo vệ An toàn khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam mà ông đã tham gia.
Ông kể: “Đó là trận đánh với hai đại đội biệt kích tại ngã tư Trảng Béc - Xà Năng (giao lộ 22 hướng lên cửa khẩu Sa Mát ngày nay) khi trinh sát phát hiện vị trí địch. Đơn vị do tôi dẫn đường cắt xuyên rừng, triển khai đội hình chiến đấu, phục kích chặn đầu cuộc hành quân của địch. Tôi sử dụng khẩu trung liên RBĐ đánh mũi chính diện, chờ đến khi đội hình của địch lọt vào ổ phục kích, chúng tôi đồng loạt nổ súng tiêu diệt. Bị đánh bất ngờ, địch tập trung hỏa lực bắn về phía tôi khiến tôi bị thương vào đầu cùng nhiều mảnh đạn trên người và phải nằm lại trận địa. Khi máy bay trực thăng bay đến trận địa, chúng đánh phá rất ác liệt hòng ngăn không cho ta tập kích trở lại. Lúc này, tôi phải giả chết để lừa địch. Không phát hiện được mục tiêu, chúng nâng độ cao, bắn rốc két đốt trận địa, lửa cháy dữ dội, tôi chỉ kịp tháo võng trên lưng quấn vội vào người rồi lăn về chỗ cỏ tranh vừa cháy, thoát chết để trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu.
Kết quả, đơn vị tiêu diệt hai trung đội, hai cố vấn Mỹ, làm tổn thất nặng nề hai đại đội biệt kích ngụy. Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, sau trận đánh, tôi được kết nạp vào Đảng và được đề nghị cấp trên khen thưởng. Năm 1967, tôi được thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba và công nhận danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ”.
Để dòng ký ức nguôi ngoai, thương binh Phạm Văn Nho cho biết: "Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành, sửa đổi nhiều chính sách xã hội, đảm bảo quyền lợi cho thương binh và gia đình chính sách; chính quyền các cấp chăm lo chu đáo, động viên kịp thời nên đời sống sinh hoạt của thương binh và gia đình chính sách từng bước được cải thiện. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “thương binh tàn nhưng không phế”, tôi và đồng đội luôn động viên nhau vượt qua khó khăn, nỗi đau do vết thương tái phát, bệnh tật cùng nhau vươn lên trong cuộc sống. Bản thân tôi với vết thương trên đầu, mỗi khi trời trái gió, đầu đau như búa bổ, nửa thân tê bì, nói năng, vận động rất khó khăn… Dù vậy, tôi vẫn muốn góp phần công sức, nỗ lực của mình vào các phong trào của địa phương, nơi cư trú, dạy dỗ con cháu thực hiện tốt nghĩa vụ công dân".
Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân (AHLLVTND) Phan Văn Lai, Chủ nhiệm Ban liên lạc cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam cho biết, Ban liên lạc là một tổ chức truyền thống đặc thù, đa số hội viên ở độ tuổi xưa nay hiếm và có khá đông thuộc diện đối tượng chính sách. Trong số 300 hội viên, 81 hội viên thuộc đối tượng chính sách, gồm: 41 thương binh, 15 thân nhân thờ cúng liệt sĩ và Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 18 người bị nhiễm chất độc hóa học, 2 người bị địch bắt tù đày, 3 AHLLVTND và 2 cán bộ lão thành cách mạng.
Với tổ chức có nhiều đối tượng chính sách, từ ngày thành lập đến nay (1997 - 2022), Ban liên lạc đã chọn mục tiêu đền ơn đáp nghĩa, tri ân đồng đội làm nhiệm vụ trung tâm, thường xuyên, hàng đầu và đã có nhiều hoạt động chăm sóc tinh thần, vật chất với hội viên là đối tượng chính sách; được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an ghi nhận, đánh giá cao vì đã làm được nhiều việc có giá trị tốt đẹp và nhân văn.
Bằng nhiều việc làm thiết thực, cụ thể, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong lực lượng CAND đã được triển khai sâu rộng với nhiều chương trình như: Xây nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ già yếu, cô đơn, nuôi con liệt sĩ, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng… Ban liên lạc cũng đã lựa chọn mục tiêu đền ơn đáp nghĩa, tri ân đồng đội làm nhiệm vụ trung tâm.
“Phát huy truyền thống anh hùng của lực lượng Công an chi viện chiến trường miền Nam, mỗi hội viên thuộc đối tượng chính sách của Ban liên lạc tiếp tục là những tấm gương kiên định về tư tưởng, chính trị, đạo đức; là lực lượng nòng cốt của Ban liên lạc, tùy theo cương vị, sức khỏe mà tiếp tục cống hiến, tham gia công tác xã hội ở địa bàn dân cư nơi sinh sống và công tác mà Ban liên lạc giao, góp phần làm tô thắm hình ảnh người cán bộ Công an chi viện trong thời chiến cũng như thời bình”, Thiếu tướng, AHLLVTND Phan Văn Lai nói.