CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:23

Giải quyết việc làm cho con thương, bệnh binh nặng: Nghĩa cử của tình đồng đội

Việc làm tri ân đồng đội       

Chỉ thị thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng nhằm tri ân các thương binh, bệnh binh nặng đã chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống.

Theo báo cáo, 5 năm qua, Bộ Quốc phòng đã tuyển dụng được 336 trường hợp, trong đó có 320 trường hợp là con đẻ, con nuôi hợp pháp của thương binh, bệnh binh nặng đang điều dưỡng tại các trung tâm điều dưỡng thương binh; 16 trường hợp là vợ, con của liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ quốc phòng - an ninh. Hiện nay, cơ bản các trường hợp đã được bố trí sắp xếp việc làm ổn định, phù hợp với nguyện vọng và khả năng của từng người. Nhiều trường hợp đã và đang phát huy năng lực, trình độ chuyên môn, được kết nạp Đảng. Các đơn vị làm tốt Chỉ thị 97 điển hình như các quân khu: 1, 2, 3, 4; các trung tâm điều dưỡng thương binh: Thuận Thành, Nghệ An, Nho Quan, Duy Tiên; Trung tâm Nuôi dưỡng Người có công: Bắc Giang, Thanh Hóa.

Ảnh minh họa.                                     Nguồn: Internet.

Nhân kỷ niệm 69 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, chúng tôi được trò chuyện cùng các thương, bệnh binh ở Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên (Hà Nam) về Chỉ thị 97 của Bộ Quốc phòng, chúng tôi thấy rõ niềm vui của những người lính một thời xông pha nơi trận mạc. Ông Đặng Văn Hoan vui vẻ cho biết. Gia đình ông có 2 người con trai, con cả là Đặng Xuân Hùng đang làm việc cho một công ty nước ngoài, con trai thứ 2 Đặng Xuân Hùng tốt nghiệp đại học năm 2015, nhưng cả một năm trời nộp đơn xin việc khắp nơi vẫn không tìm được việc làm ổn định. “Tôi mừng lắm, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, đầu tháng 7 con tôi đã được nhận vào làm việc tại Phòng Công nghệ Thông tin - Ban Tham mưu (Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô)”.

Nghĩa cử theo cách của nhà binh

Ông Vũ Văn Như, Phó giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh) cho biết: “Từ ngày triển khai thực hiện chủ trương giải quyết việc làm cho con đẻ của thương, bệnh binh của Bộ Quốc phòng, anh em phấn khởi lắm. Đến nay đã có 40 cháu là con thương binh, bệnh binh nặng ở trung tâm được giải quyết việc làm. Nhiều đồng chí tâm sự với chúng tôi, nếu không có chính sách quan tâm này của quân đội thì không biết đến bao giờ con chúng tôi mới xin được việc. Thực sự, chỉ thị đã góp phần giải quyết tư tưởng rất lớn cho thương binh, bệnh binh, được nhân dân, chính quyền địa phương đồng thuận”.

Còn Giám đốc Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên Nguyễn Sỹ Lương cho biết: Hiện đã có 15 cháu là con của thương, bệnh binh của Trung tâm được Bộ Quốc phòng tuyển dụng vào làm việc. “Chúng tôi cũng mong muốn Chỉ thị 97 sẽ mở rộng hơn để con em của các thương, binh nặng hiện đang sinh sống cùng gia đình tại địa phương có được cơ hội làm việc trong môi trường quân đội” - ông Lương chia sẻ. Anh Lê Phú Hà, sinh năm 1980, là con cả của thương binh hạng 1/4 Lê Đức Luân (Nhạo Sơn, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc), hiện đang công tác tại Ban CHQS huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) nhớ lại: “Tốt nghiệp hệ sơ cấp Trường Cơ giới, Cơ khí xây dựng Việt Xô, năm 2011 tôi được tuyển dụng vào Ban CHQS huyện Lập Thạch. Đến năm 2015, em trai út của tôi là Lê Trọng Vĩnh tiếp tục được tuyển dụng vào Ban CHQS huyện Sông Lô. Cả gia đình tôi biết ơn những việc làm nghĩa tình mà quân đội đã dành cho gia đình mình”.

Việc chăm lo cho con đẻ của các thương, bệnh binh đang điều trị tại các trung tâm điều dưỡng thương binh có việc làm ổn định trong quân đội là chủ trương lớn, thể hiện tính nhân văn, đạo lý, trách nhiệm, nghĩa tình. Đây không đơn thuần là tạo việc làm mà còn tạo điều kiện để các cháu là con của thương, bệnh binh tiếp bước cha anh, phát huy truyền thống cách mạng của gia đình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

CHÂU ANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh