CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:30

9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện Mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới

Kiến nghị kịp thời truy tố, xét xử những tội phạm bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em

Trong báo cáo đầy đủ của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, để nâng cao hơn nữa việc thực hiện Mục tiêu Quốc gia về Bình đẳng giới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kiến nghị Quốc hội chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn Đại biểu Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách về bình đẳng giới, trong đó chú trọng việc bạo lực đối với phụ nữ và bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.Đẩy mạnh các hoạt động thẩm tra, giám sát lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng các luật. Quan tâm và dành tỷ lệ kinh phí phù hợp cho công tác bình đẳng giới trong quá trình xem xét, thông qua ngân sách nhà nước.  

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Quốc hội sáng 9/11 về thực hiện Mục tiêu quốc gia về Bình đẳng giới  

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về nội dung, thời điểm triển khai báo cáo việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới theo quy định tại Điều 25 Luật Bình đẳng giới, Điều 13 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân để tạo điều kiện thuận lợi cho các bộ, ngành và địa phương tổng hợp, báo cáo.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng kiến nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ trong hoạt động truy tố, xét xử; kịp thời truy tố, xét xử đối với những tội phạm bạo lực đối với phụ nữ và bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, nhất là đối với những vụ án nổi cộm gây bức xúc trong dư luận và những vụ án tồn đọng, kéo dài. 

9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Trong thời gian tới, nhằm tăng cường việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới và các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, Chính phủ sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới tới mọi tầng lớp nhân dân và bản thân người phụ nữ. Xây dựng và triển khai các hoạt động truyền thông, các mô hình về bình đẳng giới phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

2. Đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền nhất là phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan, địa phương trong thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; bố trí, phân công công tác đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo đúng quy định về bình đẳng giới. Cần phân định rõ trách nhiệm của người đứng đầu khi các chỉ tiêu về bình đẳng giới tại các cơ quan, đơn vị và địa phương không đạt được.

3. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới: Triển khai thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 24/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; triển khai nội dung công tác bình đẳng giới theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và về công tác dân số trong tình hình mới;

Chỉ đạo Tổng kết 10 năm thi hành Luật bình đẳng giới, báo cáo cơ quan có thẩm quyền và Quốc hội cho trình dự án Bộ luật lao động (sửa đổi) vào năm 2019, trong đó bổ sung, sửa đổi những vấn đề liên quan đến bình đẳng giới.

4. Thực hiện rà soát, sửa đổi, điều chỉnh một số chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới cho giai đoạn 2015 - 2020 và Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển giới quốc gia phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển trong nước, quốc tế, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả.

5. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành và đẩy mạnh việc huy động nguồn lực trong nước và quốc tế dành cho công tác bình đẳng giới.

Thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ với kinh tế, tập trung 03 nội dung cơ bản là: đẩy mạnh bình đẳng giới vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, đổi mới và bao trùm; nâng cao năng lực cạnh tranh và đổi mới của doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ; thu hẹp khoảng cách giới trong phát triển nguồn nhân lực.

6. Cân đối, bố trí kinh phí để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của các Chương trình, Đề án, Dự án đã được phê duyệt.

7. Chính phủ triển khai xây dựng, triển khai thực hiện các Kế hoạch, Chương trình, Đề án tập trung giải quyết một số vấn đề lớn, gây bức xúc trong xã hội như: Việc làm, lao động sau tuổi 35 tại các doanh nghiệp, vấn đề bạo lực đối với phụ nữ, xâm hại trẻ em gái, hôn nhân có yếu tố nước ngoài, vấn đề phát triển cán bộ nữ dân tộc thiểu số, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống...

Nghiên cứu, phát triển các mô hình tư vấn, hỗ trợ thúc đẩy bình đẳng giới, trong đó tập trung tăng cường cơ hội có việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ. Tiếp tục nghiên cứu, củng cố và phát triển các dịch vụ bảo vệ phụ nữ và trẻ em khi bị bạo hành, bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo hành, xâm hại. 

8. Quan tâm hơn nữa công tác đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là đội ngũ nữ cán bộ tiềm năng và cán bộ làm tham mưu công tác bình đẳng giới.

Ban hành các chính sách nhằm tạo điều kiện và khuyến khích phụ nữ tự trau dồi, nâng cao trình độ và tham gia tích cực vào các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội, góp phần nâng cao quyền năng của phụ nữ nói chung và tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, các cơ quan dân cử nói riêng; đặc biệt đối với nữ lãnh đạo trẻ, nữ cán bộ dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò của Hội Liên hiệp phụ nữ trong việc bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ.

9. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới. 

Công tác bình đẳng giới đã đạt được nhiều tiến bộ trong thời gian qua. Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới, năm 2016 Việt Nam đứng thứ 65/144 quốc gia về chỉ số khoảng cách giới (tăng 18 bậc so với năm 2015), thuộc nhóm nước có chỉ số trung bình.

Trong đó, các chỉ số xếp hạng liên quan tới sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, giáo dục và tham chính đã có những chuyển biến tích cực. 

Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm sáng về bình đẳng giới trong thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs). Các nội dung Chiến lược đã được triển khai ngày càng sâu rộng, hiệu quả, thiết thực đã tạo nhiều chuyển biến thực sự từ cơ sở.

NGUYỄN THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh