THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:34

Quốc hội thảo luận để tìm giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới

 

Ông Bùi Sỹ Lợi cho biết: Theo quy định của Luật bình đẳng giới thì hàng năm, Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện bình đẳng giới và Quốc hội thẩm tra sau đó gửi cho các đại biểu quốc hội. Quy định này đã có trong Luật 10 năm nay rồi. Năm nay Thường vụ Quốc hội nhận thấy đây là một vấn đề tác động, ảnh hưởng lớn đến phụ nữ, trẻ em, những đối tượng yếu thế nên Quốc hội muốn được nghe. Do vậy, trong kỳ họp này, sẽ có một phiên truyền hình trực tiếp về vấn đề bình đẳng giới để các đại biểu quốc hội tham gia đánh giá và để cử tri cả nước theo dõi.

Có thể nói, vấn đề bình đẳng giới có ý nghĩa rất quan trọng bởi lực lượng lao động nữ của chúng ta chiếm 48-49% . Trong các  doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ thì tỷ trọng nữ vẫn chiếm một tỷ lệ tương đối cao, trong đó, tỷ lệ phụ nữ làm lãnh đạo doanh nghiệp chiếm 25%. Quốc hội đưa vấn đề bình đẳng giới ra để thảo luận là để chúng ta khẳng định lại những chính sách của Đảng, nhà nước ta quan tâm đến phụ nữ, trẻ em gái và  những thành tựu đó đã góp phần tác động đến tăng trưởng và phát triển của đất nước. Cho nên đưa ra thảo luận tại Quốc hội vấn đề này tôi cho rằng đó là sự đánh giá rất cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong vấn đề  giám sát về bình đẳng giới

Theo ông, sau 10 thực hiện Luật bình đẳng giới, chúng ta đã đạt được những thành tựu gì?

Đánh giá về công tác bình đẳng giới, sau 10 tổng kết Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ trong tình hình mới, trong thời kỳ công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước và tổng kết 10 năm thực hiện Luật bình đẳng giới thì chúng ta phải khẳng định rằng đây là một thành quả đáng ghi nhận của Việt Nam. So với khu vực và trên thế giới, rất nhiều mục tiêu thiên niên kỷ trong đó có chỉ tiêu về bình đẳng giới chúng ta được đánh giá là thực hiện tốt hơn.

Nói chung, Luật bình đẳng giới có rất nhiều mục tiêu. Nhưng mục tiêu quan trọng nhất là chúng ta đã đẩy được vai trò của phụ nữ tăng lên rất nhiều và được quốc tế đánh giá rất cao là Việt Nam đặc biệt quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới cả về chính trị, kinh tế, xã hội, đặc biệt là vấn đề lao động, việc làm, thu nhập, tiền lương...

 

 Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, việc thảo luận công khai tại Quốc hội sẽ giúp tìm ra nhiều giải pháp để thúc đẩy công tác bình đẳng giới

 

Còn những gì mà chúng ta chưa hài lòng trong công tác bình đẳng giới?

Còn mấy việc chúng tôi thấy băn khoăn. Thứ nhất, chúng ta đặt tỷ lệ phụ nữ tham gia vào chính trị, tức là tham gia vào cấp ủy, từ ban chấp hành trung ương cho đến ban chấp hành từ cấp tỉn đến cấp xã, phấn đấu sao cho tỷ lệ này phải chiếm một tỷ lệ nhất định để đảm bảo sự cân bằng giữa nam và nữ. Kể cả đại biểu quốc hội chúng ta cũng muốn nâng tỷ lệ nữ lên. Rõ ràng, trong 10 năm qua, tất cả các tỷ lệ này được nâng lên rất đáng kể, tuy nhiên vẫn chưa đạt so với yêu cầu đặt ra. Ví dụ như đại biểu quốc hội là nữ bây giờ chiếm đến 26-27% nhưng chúng ta muốn phấn đấu nữ đại biểu quốc hội tham gia vào danh sách bầu cử lựa chọn phải từ 35% trở lên và trúng cử phải khoảng 30%. Cấp ủy nữ thì từ trung ương đến cấp tỉnh tăng khá cao nhưng càng xuống dưới ở cấp huyện, cấp xã thì tỷ lệ nữ trong cơ cấu chính trị tuy có tăng so với trước đây nhưng so với yêu cầu thì vẫn chưa đạt được. Một số các chính sách ở địa phương, ví dụ như hội đồng nhân dân phải có nữ, phó chủ tịch UBND tỉnh phải có nữ nhưng  còn rất nhiều tỉnh chưa đạt tỷ lệ này. Như vậy, rõ ràng là trong vấn đề thực hiện chính sách bình đẳng giới vẫn chưa đạt được yêu cầu mục đích đề ra.

Vấn đề thứ hai cần phải đánh giá đó là về các chính sách đối với phụ nữ, ví dụ vấn đề phụ nữ tham gia vào doanh nghiệp, tham gia giải quyết việc làm, vấn đề thu nhập có công bằng hay không? Về nguyên tắc, thu nhập của phụ nữ và nam giới là bình đẳng, lao động ngang nhau thì trả lương như nhau. Nhưng thực tế phụ nữ vẫn thấp hơn. Hoặc một số chính sách ưu tiên phụ nữ như vấn đề nhà trẻ, mẫu giáo, các điều kiện dành riêng cho phụ nữ trong các doanh nghiệp dù đã được quan tâm nhưng chưa đảm bảo. Nhiều khu công nghiệp chưa đáp ứng  yêu cầu về nhà trẻ, mẫu giáo, nhà ở cũng gây khó khăn cho phụ nữ.

Hay một số vấn đề “nóng” hiện nay như: cô dâu nước ngoài, bắt cóc phụ nữ, bắt cóc trẻ em gái, hoặc vấn đề bạo lực học đường, lạm dụng tình dục đối với trẻ em nữ…. Tất cả  đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp và quan trọng nhất là có biện pháp để đấu tranh, ngăn chặn. Chúng ta nên có phân tích, đánh giá xem xét nghiên cứu để tìm ra các nguyên nhân tại sao như vậy, để đặt ra mục tiêu làm sao để phát triển một lực lượng lao động chiếm gần 50% dân số, đóng một vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển kinh tế- xã hội. Cho nên Quốc hội đưa ra thảo luận lần này để chúng ta tìm các giải pháp cho công tác bình đẳng giới.

Đưa ra bàn luận công khai trước Quốc hội và cử tri liệu có phải là một bước tiến cho việc thực hiện công tác bình đẳng giới, thưa ông?

Thứ nhất là phải khẳng định quan điểm, chủ trương của nhà nước chúng ta về bình đẳng giới, quan tâm phát triển phụ nữ là hoàn toàn đúng đắn và đã có rất nhiều Nghị quyết, cho nên chúng ta phải tuân thủ quan điểm đó.

Bên cạnh đó, nếu phát huy vai trò của phụ nữ thì không chỉ đảm bảo sự bình đẳng giới mà nó còn là động lực để phát triển kinh tế xã hội, để phát triển một nền chính trị tốt đẹp hơn.

Ngoài ra,  nếu chúng ta làm tốt vấn đề bình đẳng  giới thì cũng tạo một cơ hội để phụ nữ có điều kiện tự tin, vươn lên cống hiến, đóng góp xây dựng đất nước. Mà nếu được như vậy thì có nghĩa chúng ta sẽ có những thành quả rất tốt khi mà mọi người đều được tham gia vào  công cuộc phát triển của đất nước.

Cuối cùng là tất cả những tồn tại hiện nay nếu chúng ta khắc phục được thì đó là cơ hội giúp cho phụ nữ phát triển.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

THÁI AN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh