THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:43

Kiên định thực hiện chủ trương, chính sách về bình đẳng giới và phát triển phụ nữ

 Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung - Chủ tịch Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ trình bày Báo cáo về việc thực hiện Mục tiêu quốc gia về Bình đẳng giới 

Thống nhất cao với báo cáo của Chính phủ về Bình đẳng giới

Tại phiên thảo luận ở hội trường sáng 9.11, để thực hiện tốt hơn nữa các mục tiêu về bình đẳng giới (BĐG), các đại biểu tập trung nêu lên các vấn đề liên quan đến tỷ lệ nữ tham chính, lao động nữ, đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn, các quan tâm về cách tính lương hưu cho nữ kể từ ngày 1/1/2018 sắp tới….

ĐBQH Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau)

 

“Các đại biểu QH đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, của Bộ LĐ-TB&XH - là cơ quan quản lý nhà nước về BĐG và các Bộ, ngành các địa phương trong công tác triển khia thực hiện Luật BĐG, góp phần đưa các quy định của Luật đi vào cuộc sống; công tác tuyên truyền phổ biến triển khai rộng khắp, dưới nhiều hình thức, và như nhiều đại biểu phát biểu, đã góp phần chuyển biến nhất định trong xã hội, các cấp, các ngành về BĐG”.

(Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng

Nêu vấn đề về đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn, miền núi, đại biểu Ngàn Phương Loan (Lạng Sơn) băn khoăn: “Hiện nay phụ nữ ở nông thôn, miền núi cuộc sống khó khăn, công việc thấp, thu nhập không ổn định… Đầu ra cho lao động nông thôn qua học nghề còn nhiều trở ngại”. 

Do đó, để phụ nữ vùng sâu, xa miền núi, có công việc và thu nhập ổn định, nữ đại biểu này cho rằng, “cần có các giải pháp cụ thể, thiết thực. Ví dụ như các lớp tập huấn, đào tạo nghề gắn với nhu cầu lao động, việc làm ở địa phương, bảo đảm hiệu quả, nâng cao nhận thức cộng đồng đến những chính sách cụ thể về đào tạo nghề và giải quyết việc làm bền vững cho lao động nữ nông thôn ngay tại địa phương”.

Liên quan đến quy định mức lương hưu, nữ đại biểu này băn khoăn, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định từ ngày 01/01/2018, lao động nữ khi đủ điều kiện hưởng lương hưu (có từ đủ 20 năm đóng BHXH và đủ 55 tuổi trong điều kiện làm việc bình thường) thì kể từ năm đóng BHXH thứ 16 chỉ được cộng thêm 2% tiền lương bình quân đóng BHXH. Như vậy có nghĩa lao động nữ phải đóng BHXH 30 năm thì mới được hưởng mức lương hưu tối đa là 75% thay vì 25 năm như hiện tại, bà Loan cho rằng, có thể gây thiệt thòi cho phụ nữ. 

Cùng với đó, bên cạnh việc đồng tình, thống nhất cao với báo cáo của Chính phủ, cũng như báo cáo thẩm tra về thực hiện các mục tiêu về BĐG, đại biểu Lan cũng “tán thành cao khi Quốc hội đã đưa ra nội dung về Bình đẳng giới, việc phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em và phụ nữ vào dự thảo Nghị quyết phát triển Kinh tế - Xã hội năm 2018”. 

Ở góc độ bình đẳng giới trong chính trị, để nâng cao hơn nữ tỷ lệ nữ tham chính, theo đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau), phải có chiến lược cụ thể để nâng cao vai trò phụ nữ.

ĐBQH Ngàn Phương Loan (đoàn Lạng Sơn)

 

“Tạo điều kiện cho phụ nữ để có chất lượng lâu dài, nâng cao trình độ, tạo cơ hội đề bạt, cân nhắc xem xét hoặc không nên tính đến độ tuổi thì người ta mới có cơ hội làm cán bộ chủ chốt ở độ tuổi như nam được”, vị đại biểu tỉnh cà Mau nói.

Đây cũng là vấn đề đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) đề cập, ông đề nghị cần phân tích, đánh giá kỹ và có giải pháp để nâng tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy, làm đại biểu Quốc hội và HĐND.

Đề nghị sửa Bộ luật Lao động quy định tuổi nghỉ hưu nam, nữ bằng nhau

Cũng liên quan đến việc bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, nữ đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) nêu vấn đề: "Trong Bộ luật Lao động, tuổi nghỉ hưu của nam và nữ có sự khác biệt. Quy định này ảnh hưởng đến cơ hội thăng tiến của nữ giới".

Trước phát biểu này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) giơ bảng xin tranh luận. Ông Nhưỡng nói: "Trước đây pháp luật cho phép lao động nữ được nghỉ hưu sớm, tức là được hưởng thụ sớm hơn. Nhưng mặt trái của nó là không tạo điều kiện cho những người muốn cống hiến được tiếp tục làm việc”. 

“Tôi đề nghị tới đây sửa Bộ luật Lao động quy định nam và nữ nghỉ hưu bằng tuổi nhau, nhưng phụ nữ được lựa chọn nghỉ hưu trước tuổi quy định", ông Nhưỡng nêu quan điểm.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà góp thêm ý kiến về vấn đề này. Bà Hà đồng thuận, việc chính sách bổ nhiệm căn cứ trên tuổi nghỉ hưu nên bị hạn chế, gây thiệt thòi cho phụ nữ. Cùng với đó, bà Hà cho rằng định kiến giới vẫn là thực trạng khá nặng nề, đang tồn tại trong cả gia đình và ngoài xã hội, khiến cho "đường xa, gánh nặng" trên tiến trình bình đẳng giới.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (tỉnh Bến Tre)

 

Trình bày giải pháp, bà Hà lưu ý, cần đặc biệt quan tâm đến nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu về công tác bình đẳng giới. Đồng thời cần tập trung hơn nữa việc rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về bình đẳng giới.

Giơ biển tranh luận, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) tán thành với báo cáo của Chính phủ, báo cáo của Ủy ban về các vấn đề xã hội đã trình bày tại kỳ họp này.

Theo bà Khánh, các báo cáo đánh giá đúng mức những kết quả hạn chế, thực trạng thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội của đoàn Hà Nội cho rằng: “Báo cáo của Chính phủ chưa phản ánh hết những kết quả mà Chính phủ và các Bộ, ngành, đội ngũ nam giới đã và đang chăm lo đào tạo bồi dưỡng cán bộ nữ trên các lĩnh vực”.

Đồng quan điểm, đại biểu Tấn Thanh Bình (Lai Châu) khẳng định, qua hơn 10 năm thực hiện bình đẳng giới, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó phải kể đến đã làm thay đổi căn bản nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ... và nhân dân về vấn đề giới và bình đẳng giới. 

"Vai trò của người phụ nữ trong gia đình từng bước được tôn trọng. Các hành vi bạo lực và xâm hại đã từng bước được hạn chế. Cán bộ nữ được quan tâm. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia các công tác xã hội, HĐND và lãnh đạo quản lý các cấp nhiệm kỳ sau tăng hơn nhiệm kỳ trước”, ông Bình đánh giá. 

"Tỷ lệ phụ nữ được quan tâm, tạo việc làm và tiếp cận các điều kiện vật chất, kinh tế xã hội, các điều kiện về giáo dục, chăm sóc sức khỏe từng bước được cải thiện và nâng lên”, vị đại biểu tỉnh Lai Châu nhấn mạnh thêm. 

Kiên định thực hiện chủ trương, chính sách về BĐG và phát triển phụ nữ

Phát biểu, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: “Đây là lần đầu tiên Quốc hội dành thời gian thảo luận, cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Đây là sự quan tâm kịp thời, sâu sắc của Đảng, Quốc hội dành cho phụ nữ và vì sự tiến bộ phụ nữ. Trong khuôn khổ buổi sáng, đã có các ý kiến phát biểu - là những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, trách nhiệm và thiết thực”. Bộ trưởng khẳng định tiếp thu nghiêm túc và sẽ cụ thể hóa trong chương trình công tác thời gian tới.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp thu và làm rõ thêm các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

 

Làm rõ thêm một số vấn đề các đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng khẳng định, với lực lượng chiếm trên 50% dân số và 48% lực lượng lao động xã hội, phụ nữ Việt Nam có mặt trong mọi lĩnh vực, trên mọi địa bàn, chủ động tham gia các hoạt động của đời sống xã hội, thực hiện tốt chương trình, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, còn làm tốt vai trò người mẹ, người vợ... là điểm tựa vững chắc xây dựng gia đình hạnh phúc.

Về vấn đề xử lý chênh lệch giữa mức lương hưu đối với phụ nữ nghỉ hưu trước và sau ngày 01/01/2018 theo khoản 2 Điều 56, khoản 2 Điều 74 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Bộ trưởng cho biết: “Vấn đề này, Chính phủ đã sớm phát hiện và đã tiến hành khảo sát đánh giá tác động, đã báo cáo tại phiên họp Thường vụ Quốc hội tháng 9 và Ủy ban các vấn đề xã hội tại phiên thẩm định. Chính phủ đã xem xét tại phiên họp thường kỳ tháng 10/2017 và có báo cáo Ủy ban Thường vụ và Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền”. 

“Đề xuất của Chính phủ theo hướng đảm bảo pháp luật được thực thi, đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng và quan tâm đến bình đẳng giới, không gây sốc, bức xúc cho xã hội, trình Quốc hội xem xét, quyết định”, Bộ trưởng khẳng định.

Về các ý kiến đại biểu nêu về việc chú trọng hơn nữa phụ nữ ở nông thôn, trong lĩnh vực đào tạo nghề nông thôn…, Bộ trưởng cho biết: “Đối với phụ nữ nói chung: chú trọng tạo công ăn, việc làm; tham gia 2 chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững) và các lĩnh vực lao động phi chính thức có hiệu quả, giúp nhau giảm nghèo, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc và nói không với bạo lực, xâm hại - không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Cùng với đó, Bộ trưởng cho biết, tiếp tục nâng cao vai trò phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế: đẩy mạnh bình đẳng giới vì mục tiêu tăng trưởng bền vững, đổi mới và bao trùm, nâng cao năng lực cạnh tranh và đổi mới của các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ.

“Quán triệt, thực hiện đầy đủ các chủ trương của Đảng trong quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, sử dụng và đề bạt cán bộ nữ, tạo điều kiện để phụ nữ tham chính và tham gia vào các lĩnh vực nghiên cứu, khoa học công nghệ, thu hẹp khoảng cách về giới trong phát triển nhân lực”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Chốt lại, Bộ trưởng khẳng định, Chính phủ tiếp tục kiên định thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới và phát triển phụ nữ.

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận tại Hội trường sáng nay về Bình đẳng giới, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp đánh giá, qua thảo luận, các vị đại biểu QH đều ghi nhận, các chính sách về BĐG đã được Đảng và Nhà nước đặc bêt quan tâm. Nhiều Luật, các văn bản quy phạm pháp luật về BĐG từng bước được hoàn thiện.

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh