Bình đẳng giới: Nhiều thành tựu nổi bật được quốc tế ghi nhận
- Tây Y
- 15:45 - 09/11/2017
Tỷ lệ nữ ĐBQH của VN cao hơn mức trung bình thế giới
Triển khai bài bản
Sáng nay 9/11, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung - Chủ tịch Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ Trình bày Báo cáo về việc thực hiện Mục tiêu quốc gia về Bình đẳng giới tại phiên họp toàn thể của Quốc hội.
Đây là lần đầu tiên nội dung bình đẳng giới được đưa ra thảo luận tại Quốc hội và được truyền hình trực tiếp.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung - Chủ tịch Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ trình bày Báo cáo về việc thực hiện Mục tiêu quốc gia về Bình đẳng giới
Trình bày Báo cáo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, công tác lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được quan tâm thực hiện với số lượng các dự án luật được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới tăng dần qua từng năm.
“Tính từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay có 10 luật được các cơ quan chức năng thực hiện thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong tổng số 15 luật được thông qua”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Đáng chú ý, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV là 26,72%, tăng 2,62% so với nhiệm kỳ trước. Theo đó, Báo cáo nhận định, sau 2 khóa Quốc hội (XII và XIII) có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội liên tục giảm, nhiệm kỳ này (2016 - 2021) đã bắt đầu có sự tăng trở lại.
Song song, để đạt được Mục tiêu “Giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động”, chỉ tiêu đề ra hằng năm là: trong tổng số người được tạo việc làm mới, bảo đảm ít nhất 40% cho mỗi giới.
Theo đó, tính đến ngày 01/7/2017, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ước tính là 54,5 triệu người, trong đó lao động nam chiếm 52%, lao động nữ chiếm 48%. "Trong giai đoạn 2011 - 2015, chỉ tiêu này được đánh giá đạt và giữ ổn định qua các năm. Do đó, chỉ tiêu này dự kiến sẽ đạt theo yêu cầu của Chiến lược vào năm 2020”, Báo cáo nhận định.
Cũng theo Báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp, có xu hướng tăng, tuy nhiên có tới 98% số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, trong đó doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ chiếm 71,7%, các DNVVN còn lại chiếm 28,3%. “Thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục xây dựng các văn bản hướng dẫn nhằm cụ thể hóa các quy định trong hỗ trợ DNVVN do phụ nữ làm chủ”, báo cáo cho biết.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới được triển khai rộng khắp từ trung ương tới địa phương bằng nhiều hình thức. Báo cáo cho biết, năm 2016 là năm đầu tiên tổ chức Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới với chủ đề “Chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” từ ngày 15/11 - 15/12 trên phạm vi toàn quốc.
Theo đó, nhiều thông điệp, hình ảnh truyền thông kêu gọi mọi người dân cùng chung tay xóa bỏ bất bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đã được lan tỏa rộng rãi. Có trên 800 hoạt động đã được triển khai trên toàn quốc, thu hút hàng vạn người trực tiếp tham gia.
Về kết quả công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật về bình đẳng giới, pháp luật về lao động đối với lao động nữ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tiếp tục được duy trì tại các Bộ, ngành và địa phương. Năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 tại cấp Trung ương, tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về bình đẳng giới tại 14 địa phương và việc chấp hành các quy định pháp luật lao động và bình đẳng giới tại 145 doanh nghiệp trên địa bàn 20 tỉnh, thành phố.
“Kết quả kiểm tra cho thấy, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ đã được triển khai bài bản hơn. Tại các địa phương, trong năm 2016 đã thực hiện 7.405 cuộc thanh tra, trong đó Lĩnh vực trẻ em và bình đẳng giới có 149 cuộc thanh tra”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Nâng cao vị thế phụ nữ Việt Nam trên trường quốc tế
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thông tin, cả nước hiện có 1.089 cán bộ tham mưu làm công tác bình đẳng giới (thuộc ngành LĐ-TB&XH). Để cung cấp số liệu về bình đẳng giới trong 5 năm vừa qua các Bộ, ngành chức năng đã thu thập, biên soạn, xuất bản cuốn “Thực tiễn và số liệu về phụ nữ và nam giới tại Việt Nam 2010 - 2015”.
Báo cáo của Chính phủ cho biết, hiện Bộ LĐ-TB&XH, Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đang phối hợp với Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT), Quỹ Dân số Liên hợp quốc xây dựng phương án điều tra bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trên phạm vi toàn quốc nhằm đánh giá tổng quát về thực trạng này, trên cơ đó cung cấp số liệu, bằng chứng hỗ trợ công tác xây dựng và hoạch định chính sách.
Đáng chú ý, việc xây dựng, duy trì các mô hình cung cấp dịch vụ, hỗ trợ bình đẳng giới được triển khai khá hiệu quả, bước đầu được triển khai thực hiện tại một số Trung tâm công tác xã hội cũng như tại cộng đồng, đã từng bước góp phần đáp ứng yêu cầu tiếp cận của người dân.
Về cơ bản các địa phương đã thực hiện sáp nhập và tổ chức lại bộ phận giúp việc cơ quan thường trực bình đẳng giới. Cùng với đó, hoạt động hợp tác quốc tế về bình đẳng giới được đẩy mạnh trong năm qua đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế trong thực hiện bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ.
"Kết quả thực hiện bình đẳng giới thời gian qua đã góp phần tích cực vào việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs) và những khuyến nghị của Ủy ban về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (Ủy ban CEDAW)", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Tuy nhiên, Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra, vẫn còn đó những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Mục tiêu Bình đẳng giới. Việc quán triệt, tổ chức triển khai công tác bình đẳng giới chưa nhận được sự quan tâm sâu sát, đầy đủ của nhiều cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới còn nhiều hạn chế. Công tác thống kê về bình đẳng giới đã được quan tâm thực hiện nhưng còn gặp nhiều khó khăn; đội ngũ cán bộ chuyên trách về bình đẳng giới còn hạn chế về lượng và chất; Kinh phí đầu tư cho công tác bình đẳng giới vẫn còn thấp, không đáp ứng được yêu cầu việc thực hiện công tác này trên phạm vi toàn quốc.
“Trong tổng số 22 chỉ tiêu của Chiến lược đề ra đến năm 2020, đến nay có 08 chỉ tiêu đã đạt và sẽ duy trì đạt vào năm 2020, 02 chỉ tiêu không đạt và một số chỉ tiêu đã được các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhưng không có khả năng thu thập đầy đủ số liệu”, Báo cáo cho biết.
Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 7 mục tiêu cụ thể: Mục tiêu 1: Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Mục tiêu 2: Giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động. Mục tiêu 3: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo Mục tiêu 4: Bảo đảm BĐG trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Mục tiêu 5: Bảo đảm BĐG trong lĩnh vực văn hóa và thông tin. Mục tiêu 6: Bảo đảm BĐG trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới. Mục tiêu 7: Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về BĐG. |