CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 12:10

40 triệu trẻ em lỡ mất cơ hội tham gia giáo dục mầm non do đại dịch Covid-19

Bản nghiên cứu tóm tắt được Văn phòng Nghiên cứu của UNICEF – Innocenti thực hiện. Tài liệu trình bày thực trạng về chăm sóc trẻ em và giáo dục mầm non trên toàn cầu và đưa ra phân tích về tác động của việc đóng cửa các dịch vụ thiết yếu cho các gia đình này trên diện rộng do đại dịch COVID-19.

40 triệu trẻ em lỡ mất cơ hội tham gia giáo dục mầm non do đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Bà Henrietta Fore, Giám đốc Điều hành UNICEF cho biết "Sự gián đoạn trong giáo dục do đại dịch COVID-19 gây ra đang khiến trẻ em không thể được hưởng sự khởi đầu về giáo dục tốt nhất. Chăm sóc trẻ em và giáo dục mầm non tạo dựng nền tảng cho mọi khía cạnh phát triển của trẻ. Đại dịch đang đe dọa nghiêm trọng tới nền tảng này."

Ở Việt Nam, ước tính có 4,4 triệu trẻ em bị gián đoạn giáo dục mầm non do đại dịch COVID-19. Một đánh giá nhanh về tác động của COVID-19 đến giáo dục mầm non do Viện Khoa học giáo dục thực hiện gần đây cho thấy 41% người tham gia đánh giá nhanh – đại diện cho các nhà quản lý và giáo viên mầm non ở tất cả các tỉnh thành, cho rằng cha mẹ trẻ lo lắng về đại dịch và những tác động cả đại dịch đối với cuộc sống, công việc, thu nhập cũng như đối với việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục cho con em họ khi trẻ em nghỉ học ở nhà.

Nghiên cứu tóm tắt với tựa đề Chăm sóc trẻ em trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu: Tác động của đại dịch COVID-19 đối với công việc và cuộc sống gia đình chỉ ra rằng việc cách ly xã hội đã khiến nhiều bậc cha mẹ phải xoay xở để cân bằng giữa việc chăm sóc con cái và công việc. Trong đó, người phụ nữ phải chịu một gánh nặng lớn hơn do phụ nữ thường dành thời gian cho các công việc gia đình và chăm sóc bình quân nhiều hơn gấp ba lần so với đàn ông.

Việc đóng cửa các dịch vụ cũng khiến các gia đình có trẻ nhỏ có nguy cơ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn, đặc biệt là tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình; nhiều trong số các gia đình này vốn đã không thể tiếp cận các dịch vụ bảo trợ xã hội. Chăm sóc trẻ em là rất cần thiết trong việc cung cấp cho trẻ em các dịch vụ toàn diện, sự yêu thương, bảo vệ, tương tác và dinh dưỡng, đồng thời, giúp trẻ phát triển các kỹ năng xã hội, cảm xúc và nhận thức.

Bà Simone Vis, Trưởng Chương trinh Giáo dục của UNICEF cho biết: "Trong thời gian các trường học đóng cửa, Việt Nam đã có những nỗ lực trong việc tạo cơ hội học tập trực tuyến cho trẻ mầm non. Tuy nhiên, do thiếu thiết bị và kết nối với internet, kỹ năng kỹ thuật số của cha mẹ còn hạn chế, phần lớn giáo viên mầm non chưa quen với việc sử dụng kỹ thuật số, việc giúp trẻ học qua vui chơi trực tuyến trở nên khó khăn. Điều này tạo thêm gánh nặng cho các gia đình có trẻ nhỏ. Trong thời kỳ này, các bằng chứng cho thấy trẻ em có nguy cơ bị bạo lực gia đình cao hơn. Sự cô lập, cảm giác bị tụt hậu trong học tập, ít tiếp xúc với bạn bè và các mạng lưới hỗ trợ đã góp phần làm tăng tăng những lo ngại về tinh thần cho trẻ em – tất cả các yếu tố này cần phải được tính đến khi chúng ta tư duy lại về các cách tiếp cận tốt hơn cho trẻ em Việt Nam".

Trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, do các cơ sở chăm sóc trẻ em và giáo dục mầm non chất lượng thấp, có chi phí không hợp lý hoặc không tiếp cận được đã khiến nhiều cha mẹ phải để trẻ nhỏ trong môi trường không an toàn và không có sự tương tác ở giai đoạn phát triển quan trọng của trẻ. Trên thế giới, có hơn 35 triệu trẻ em dưới 5 tuổi đôi khi thiếu sự trông coi của người lớn.

Trong số 166 quốc gia, có chưa đến một nửa các quốc gia triển khai miễn học phí cho các chương trình giáo dục mầm non trong ít nhất một năm; con số này giảm xuống còn 15% đối với các quốc gia có thu nhập thấp.

Nhiều trẻ nhỏ, mà cha mẹ để ở nhà, không được vui chơi và nhận hỗ trợ về giáo dục sớm cần thiết cho sự phát triển lành mạnh của các em. Theo dữ liệu gần đây, trong 54 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, khoảng 40% trẻ em trong độ tuổi 3-5 tuổi không nhận được sự tương tác về xã hội – cảm xúc và nhận thức từ người lớn trong gia đình.

Việc thiếu các lựa chọn về chăm sóc trẻ em và giáo dục mầm non khiến nhiều cha mẹ, đặc biệt là những phụ nữ là lao động không chính thức, buộc phải mang con theo đến nơi làm việc. Hơn 9 trên 10 phụ nữ tại châu Phi và gần 7 trên 10 phụ nữ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương là lao động không chính thức và bị hạn chế hoặc không thể tiếp cận bất kỳ hình thức bảo trợ xã hội nào. Báo cáo chỉ ra rằng việc nhiều cha mẹ bị mắc kẹt trong công việc không ổn định và trả lương thấp góp phần vào vòng luẩn quẩn của đói nghèo xuyên thế hệ.

Việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc trẻ em và giáo dục mầm non chất lượng và có chi phí hợp lý là điều tối quan trọng cho sự phát triển của gia đình và xã hội mang tính gắn kết. UNICEF vận động triển khai các dịch vụ chăm sóc trẻ em chất lượng, có thể tiếp cận được và chi phí phải chăng cho trẻ em từ khi trẻ chào đời cho đến khi các em bước vào lớp một.

Bản nghiên cứu tóm tắt cũng đưa ra hướng dẫn về cách thức các chính phủ và người sử dụng lao động có thể cải thiện các chính sách về chăm sóc trẻ em và giáo dục mầm non, bao gồm việc giúp cho tất cả trẻ em có thể tiếp cận các cơ sở chăm sóc trẻ em chất lượng cao, phù hợp với lứa tuổi, chi phí phải chăng và tiếp cận được, bất kể hoàn cảnh gia đình. Đó là, tất cả cha mẹ được hưởng chế độ nghỉ nuôi con được trả lương để không tạo ra khoảng cách giữa hai giai đoạn là cuối thời gian nghỉ phép nuôi con và bắt đầu gửi con tại các cơ sở chăm sóc trẻ em có chi phí phải chăng. Bố trí công việc linh hoạt để đáp ứng nhu cầu của cha mẹ là người lao động. Đầu tư vào lực lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em bao gồm đào tạo, tập huấn. Các hệ thống bảo trợ xã hội, bao gồm trợ giúp bằng tiền mặt, để hỗ trợ các gia đình có thành viên là người lao động không chính thức.

Bà Fore cho biết: "Đại dịch COVID-19 càng làm cuộc khủng hoảng về chăm sóc trẻ em trên toàn cầu trầm trọng hơn. Các gia đình cần sự hỗ trợ từ phía chính phủ và người sử dụng lao động để giúp họ vượt qua cơn bão này, để bảo vệ và đảm bảo cho trẻ em được học tập và phát triển."

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh