Hỗ trợ người dân cải thiện kỹ năng lao động hướng tới thoát nghèo bền vững
- Dược liệu
- 12:19 - 25/08/2023
Thượng Long và Hương Hữu là 2 xã hiện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo kết quả điều tra, tổng số hộ nghèo cuối năm 2022 tại xã Thượng Long là 153 hộ, chiếm tỷ lệ 20,61%; xã Hương Hữu có 168 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 21,66%. Đa số người dân sinh sống trên địa bàn 2 xã này là người đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó người Cơ Tu chiếm phần lớn. Người dân nơi đây chủ yếu sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi nhỏ lẻ. Trình độ, kỹ năng tay nghề của người lao động vẫn còn hạn chế, đa số làm nghề tự do nên nguồn thu thấp và không ổn định dẫn đến cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Để giúp người dân Hương Hữu, Thượng Long cũng như toàn huyện nói chung nâng cao kỹ năng lao động, phát triển kinh tế, những năm qua, chính quyền huyện Nam Đông đã đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt trong công tác dạy nghề, nhất là đào tạo nghề cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua các khoá đào tạo nghề, người dân nơi đây đã tự tin đầu tư phát triển sinh kế, tự tạo việc làm hoặc tìm được việc làm phù hợp, nâng cao nguồn thu nhập.
Cùng đến thăm trang trại nuôi heo khép kín của gia đình chị Ngọc Thị Đào (35 tuổi, người Cơ Tu, ở thôn 5, xã Thượng Long), chúng tôi nhận thấy niềm tự hào của lãnh đạo, giáo viên Trung tâm GDNN - GDTX huyện Nam Đông trước mô hình do học viên phát triển. Theo lãnh đạo Trung tâm, chị Đào là một trong những học viên xuất sắc của lớp sơ cấp nghề kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh heo, gà do đơn vị tổ chức mở. Chị Đào cho biết, trước đây có nuôi heo nhốt chuồng nhưng làm nhỏ lẻ vì chưa có kỹ thuật chăn nuôi cũng như phòng, trị các bệnh gia súc, gia cầm. Sau khi kết thúc khoá học, chị Đào đã mạnh dạn vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội để làm trang trại, mở rộng quy mô chăn nuôi. Hiện gia đình chị có 1 trang trại nuôi heo khép kín, với 4 heo mẹ, đàn heo giống và heo thương phẩm. Vừa qua, trang trại của gia đình chị Đào đã cho xuất chuồng 2 lứa heo thịt, mang về tổng nguồn thu hơn 110 triệu đồng. “Sau khi trì đi các khoản chi phí, ngoài nguồn thu nhập, gia đình tôi còn được lãi đàn heo đẻ, heo giống. Có thể nói, khoá đào tạo đã giúp tôi nâng cao kỹ năng chăn nuôi, kỹ thuật phòng trị bệnh cho đàn heo và tự tin hơn trong việc mở rộng mô hình. Tôi mong sẽ có nhiều người được hỗ trợ học nghề hơn nữa để mở trang trại, mở rộng mô hình chăn nuôi, sản xuất, phát triển kinh tế của gia đình”, chị Đào chia sẻ.
Cũng giống như chị Đào, anh A Lăng A Phứt (48 tuổi, người Cơ Tu, ở thôn 6, xã Thượng Long, huyện Nam Đông), sau khi học xong khoá đào tạo sơ cấp nghề chăn nuôi đã đầu tư mô hình chăn nuôi gà Tam Hoàng. Anh A Phứt cho biết, từ nguồn vốn tự có, hiện anh chỉ mới 300 con gà giống để thử nghiệm nhập nuôi, nếu hiệu quả sẽ đầu tư mở rộng.
Đến thăm lớp đào tạo nghề may tại Nhà văn hoá thôn 5, do Trung tâm GDNN - GDTX huyện Nam Đông phối hợp với UBND xã Hương Hữu tổ chức, chúng tôi cũng nhận thấy không khí tập trung, nghiêm túc của toàn bộ các học viên. Được biết, 100% học viên của lớp đều là đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số sống tại địa bàn xã Hương Hữu. Chị Hồ Thị Bèo (30 tuổi, người Cơ Tu, ở thôn 5, xã Hương Hữu), cho biết đã lập gia đình và có 2 đứa con nhỏ. Tuy nhiên, cả 2 vợ chồng chị đều không có trình độ tay nghề, không có việc làm ổn định, ngoài làm nông theo mùa vụ thì đi làm thuê khai thác keo tràm, với ngày công 200.000 đồng/người. Hay như trường hợp học viên Hồ Thị Thạch (35 tuổi, người Cơ Tu, ở thôn 5, xã Hương Hữu) cũng không có công việc làm và thu nhập ổn định. Để nuôi con ăn học, ngoài 1 sào ruộng lúa, 200 cây cao su, 2 vợ chồng chị Thạch còn đi cạo mủ cao su thuê cho người khác. Qua tìm hiểu, hầu hết các học viên tham gia khoá học đều mong muốn sẽ tìm được việc làm hoặc có việc làm ổn định tại quê hương để nâng cao thu nhập, chăm lo cho gia đình, con cái.
Ông Lê Tố Hữu - Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Nam Đông cho biết, hiện đơn vị đang triển khai hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng chính sách hộ nghèo, cận nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn theo các Chương trình 1719 và 90, với 2 ngành nghề chủ yếu là may công nghiệp, chăn nuôi. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm tư vấn tuyển sinh, mở, phối hợp mở 6 lớp đào tạo nghề sơ cấp và dưới 3 tháng cho 110 học viên, trong đó có 35 học viên đã được công nhận tốt nghiệp. Phần lớn học viên sau khoá đào tạo đều tìm được việc làm ở trong tỉnh, ngoài tỉnh, tự tạo việc làm tại địa phương hoặc đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, qua đó nâng cao thu nhập.
Theo lãnh đaoh Phòng LĐ-TB&XH huyện Nam Đông, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, huyện hướng tới mục tiêu đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo, giảm khoảng cách tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giữa các vùng và các nhóm dân cư; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân. Nam Đông phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn huyện xuống còn dưới 5% vào năm 2025. Để đạt được mục tiêu đề ra, huyện miền núi này đã có nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó có đẩy mạnh phát triển giáo dục nghề nghiệp, thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động nghèo. Riêng năm 2023, Nam Đông phấn đấu hỗ trợ dạy nghề từ 550 lao động trở lên, đảm bảo 100% lao động có nhu cầu học nghề được đào tạo nghề đặc biệt là lao động thuộc hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số có nhu cầu học nghề.