THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:39

2,2 triệu học sinh chưa tham gia bảo hiểm y tế

 

Theo dự thảo Báo cáo của Chính phủ, năm 2017, số người tham gia BHYT ước khoảng 79,3 triệu người, tương đương 81,9% dân số. Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia BHYT chưa thực sự bền vững do nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng chiếm tỷ lệ cao (65,2%). Đây là thách thức và cần có giải pháp đối với các đối tượng như thoát nghèo, không còn là đối tượng cận nghèo khi không còn được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước trong thời gian tới.  

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, một bộ phận người sử dụng lao động né tránh đóng BHYT cho người lao động. Đối với nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng chưa được lập danh sách kịp thời. Đặc biệt, vẫn xảy ra tình trạng nhiều hộ gia đình có tư tưởng lựa chọn ngược, chỉ khi nào ốm đau mới nghĩ đến tham gia BHYT. Theo số liệu thống kê, có khoảng 40% người thuộc hộ gia đình chưa tham gia bảo hiểm y tế, trong đó có khoảng 10 – 20% người có thu hập cao chưa sẵn sàng tham gia BHYT mà lựa chọn khám chữa bệnh theo yêu cầu. Bên cạnh đó, người dân chưa hài lòng về chất lượng khám chữa bệnh, đặc biệt là tuyến cơ sở, thủ tục khám chữa bệnh nên không hấp dẫn người dân tham gia BHYT.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu khai mạc phiên họp.

 

Quỹ BHYT năm 2016 mất cân đối thu - chi trong năm là 831 tỷ đồng, nhưng tính đến hết năm, quỹ dự phòng khám chữa bệnh BHYT đã bù đắp và số dư còn hơn 47.000 tỷ đồng. Dự kiến năm nay, quỹ dự phòng còn hơn 38.000 tỷ đồng và năm 2018 còn 23.410 tỷ đồng. Với nguồn kinh phí này, đủ cân đối quỹ BHYT đến hết năm 2019.

Phân tích nguyên nhân gia tăng chi quỹ BHYT, Chính phủ cho rằng do mức đóng không thay đổi trong khi đã có sự điều chỉnh về mức hưởng. Cùng với đó là việc thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế và thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh và điều kiện tiếp cận dịch vụ. Tuy nhiên, một nguyên nhân rất đáng chú ý là do tình trạng lạm dụng quỹ BHYT. Trong đó có tình trạng chỉ định sử dụng thuốc bổ trợ, dịch vụ kỹ thuật nhiều hơn mức cần thiết so với yêu cầu chuyên môn; cho người bệnh nhập viện khi tình trạng bệnh chưa thực sự cần thiết. Thực tế đã xảy ra rất nhiều trường hợp, người bệnh đi khám bảo hiểm nhiều lần trong thời gian ngắn mà không thực sự vì mục đích khám chữa bệnh.

 

Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình bày dự thảo báo cáo thực hiện Nghị quyết 68/2013/QH13.

 

Đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) cho biết. thực tế tại Hải Dương cho thấy, các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh đã thực hiện xã hội hóa, đưa trang thiết bị hiện đại phục vụ khám chữa bệnh. Tuy nhiên, sức ép về việc thu hồi vốn đầu tư các thiết bị này đã dẫn tới tình trạng bác sĩ chỉ định các xét nghiệm, thăm dò chức năng chưa cần thiết, tạo nên gánh nặng cho quỹ BHYT.

Để quản lý, sử dụng, cân đối quỹ BHYT, Chính phủ đã đề xuất thực hiện nghiêm chế tài xử phạt với các trường hợp nợ, trốn đóng BHYT; tiếp tục thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ để người dân thấy tham gia BHYT có lợi hơn. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý cung ứng dịch vụ và giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh; tăng cường kiểm tra  giám sát và xử lý các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, Nghị quyết 68/2013/QH13 bám vào các chỉ tiêu như: Mở rộng đối tượng tham gia BHYT nhưng hiện nay có 2 tỉnh tỷ lệ bao phủ thấp, chỉ dưới 70%; mở rộng đối tượng tham gia BHYT là người lao động ngoài nhà nước; người lao động nông lâm, ngư, diêm chỉ được hỗ trợ 30%; đặc biệt, hiện còn 2,2 triệu học sinh, sinh viên không tham gia BHYT, đây là vấn đề Bộ GD&ĐT cần xem lại vì việc tham gia BHYT vừa là trách nhiệm vừa là giáo dục nhân cách của học sinh, sinh viên.

Chính phủ đã có quy định về gói dịch vụ y tế cơ bản nhưng hiện nay vẫn chưa làm được nên gây ách tắc bệnh viện tuyến trên. Về liên thông phần mềm khám chữa bệnh một số nơi vẫn chưa thể triển khai. Qua giám sát tại một số địa phương cho thấy, vấn đề giám định BHYT vẫn còn vướng mắc giữa bệnh viện và cơ quan giám định BHYT.

Để đạt mục tiêu 100% dân số tham gia BHYT, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội xã hội của Quốc hội: “Cần phát huy trách nhiệm của các cấp, các ngành. Theo số liệu thống kê, số cơ quan sử dụng ngân sách nợ tiền BHYT không nhỏ, nếu Chính phủ, các cơ quan nhà nước không làm gương thì rất khó để kêu gọi các doanh nghiệp hay người dân tự giác tham gia BHYT. Việc mất cân đối thu chi BHYT tại một số địa phương cũng cần xem xét lại để đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho người dân, không thể thể để xảy ra tình trạng người dân ốm bảo chờ sang năm điều trị vì quỹ hết tiền”.

Ông Lợi cho rằng, để quản lý việc trục lợi từ quỹ BHYT, cần  tăng cường kiểm soát cái nào của bệnh viện, cái nào của người dân để có hướng giải quyết, đặc biệt là khi nào có phần mềm công nghệ thông tin được triển khai đồng bộ thì sẽ giải quyết được vấn đề này. Mạng lưới đại lý bán BHYT ở cấp địa phương đang có vấn đề. Tại nhiều địa phương, người dân vẫn không biết cần mua BHYT thì mua ở đâu? Quyền lợi như thế nào?

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh