Liên thông kết quả xét nghiệm: Giảm chi phí cho người bệnh, chống trục lợi BHYT
- Sức khỏe
- 00:31 - 01/07/2017
Tiết kiệm hàng trăm tỷ mỗi năm
Theo TS Lương Ngọc Khuê, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, cả nước hiện có 1.336 bệnh viện, trong đó có 38 bệnh viện tuyến Trung ương; 492 bệnh viện tuyến tỉnh; 629 bệnh viện tuyến huyện, 31 bệnh viện ngành... Số lượng xét nghiệm thực hiện tại các bệnh viện liên tục tăng hơn 10%/năm, riêng năm 2016 đạt hơn 516 triệu xét nghiệm. Hiện nay, thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp khi bệnh nhân phải chuyển tuyến hay đi khám nhiều nơi, việc phải làm xét nghiệm nhiều lần tại các cơ sở y tế khác nhau khiến không ít người bệnh cảm thấy phiền hà, khó chịu.
Theo tính toán của ngành y, với việc liên thông các kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện, ước tính chỉ cần giảm được 1% số lượng xét nghiệm phải làm thì trong 1 năm có thể giảm được 4,7 triệu lượt xét nghiệm. Nếu tính mỗi xét nghiệm giá 50.000 đồng thì mỗi năm tiết kiệm được khoảng 237 tỷ đồng.
Lộ trình liên thông kết quả xét nghiệm đã được xác định trong Quyết định số 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tăng cường chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016-2025. Theo đó, trước ngày 1/1/2018 sẽ liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I; đến năm 2020 thực hiện liên thông xét nghiệm đối với các bệnh viện trong cùng một địa bàn tỉnh, thành phố. Đến năm 2025 liên thông xét nghiệm ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc.
Bên cạnh việc tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng xét nghiệm, Bộ Y tế cũng đang xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng phòng xét nghiệm y học tại các bệnh viện theo 5 mức rất tốt, tốt, khá, trung bình khá, trung bình và không xếp hạng. Đây cũng là bộ công cụ để đánh giá việc tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý chất lượng bệnh viện nói chung, từng bước nâng cao chất lượng xét nghiệm nói riêng, nhằm đảm bảo kết quả xét nghiệm được chính xác, kịp thời, chuẩn hoá, làm cơ sở cho việc liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở khám chữa bệnh, giảm phiền hà và giảm chi phí cho người bệnh.
Liên thông kết quả xét nghiệm sẽ giảm phiền hà và tiết kiệm cho người bệnh
Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nhấn mạnh, liên thông kết quả xét nghiệm không chỉ giúp giảm phiền hà và tiết kiệm cho người bệnh mà nó còn là một trong những giải pháp chống tình trạng lạm dụng, trục lợi BHYT. “Bộ sẽ làm quy trình quản lý khám chữa bệnh chặt chẽ hơn, kèm theo giám sát, cùng với Bảo hiểm xã hội có định mức trần chi, đổi mới mô hình tự chủ của cơ sở y tế; các cơ sở y tế công nhận kết quả xét nghiệm của nhau, trước mắt là ở một số bệnh tuyến trung ương. Lộ trình đến năm 2018 sẽ công nhận hết kết quả xét nghiệm ở các cơ sở y tế.”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.
Thực hiện sớm từ 1/7
Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện việc liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm thuộc các bệnh viện trực thuộc Bộ trước ngày 1/7/2017.
Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngay trong tuần tới Cục sẽ ban hành danh mục hướng dẫn áp dụng liên thông kết quả xét nghiệm để các bệnh viện thực hiện. Khi danh mục này được ban hành sẽ có hơn 30 bệnh viện thực hiện ngay việc liên thông kết quả xét nghiệm từ 1/7. Những bệnh viện này bao gồm cả bệnh viện công, bệnh viện tư và một số bệnh viện tỉnh đã có phòng xét nghiệm đạt chứng chỉ tiêu chuẩn quốc tế ISO 15189 đối với các phòng xét nghiệm y tế. Cụ thể, các bệnh viện có phòng xét nghiệm đạt ISO 15189 như Bạch Mai, Nhi Trung ương, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Phổi Trung ương, Chợ Rẫy, Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Nhi đồng 1, Viện Pasteur TPHCM, Bệnh viện Vinmec…
Hiện nước ta có khoảng 50 phòng xét nghiệm đạt chứng chỉ ISO 15189 thuộc hơn 30 bệnh viện. Thực tế, những phòng này đã có thể công nhận kết quả xét nghiệm của nhau. Các phòng xét nghiệm này thực hiện tất cả các xét nghiệm y học trong điều trị bệnh như hóa học, huyết học, vi sinh.
Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Y tế, việc liên thông kết quả xét nghiệm chỉ áp dụng cho một số xét nghiệm có thể liên thông được, khi kết quả xét nghiệm đó có giá trị trong một thời gian nhất định. Bệnh viện đó chỉ sử dụng và công nhận kết quả xét nghiệm của bệnh viện khác mà phòng xét nghiệm của bệnh viện khác đó có mức chất lượng tương đương hoặc cao hơn, bệnh viện xét nghiệm cho người bệnh là nơi chịu trách về dịch vụ xét nghiệm mình thực hiện. Như vậy, độ chính xác và độ tin cậy cũng sẽ tương đương hoặc cao hơn. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, quyền chỉ định xét nghiệm vẫn là của bác sĩ nếu thấy cần thiết và việc chỉ định xét nghiệm phải dựa trên tình trạng cụ thể của người bệnh.