THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:10

Siết chặt quy trình khám chữa bệnh để hạn chế trục lợi BHYT

 

Bao giờ chấm dứt tình trạng dược sĩ kê đơn thay bác sĩ?

Đó là câu hỏi mà đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) đặt ra cho Bộ trưởng Bộ Y tế. Còn đại biểu Dương Minh Ánh cho biết, khảo sát  gần 3.000 hiệu thuốc ở nông thôn, thành thị phía Bắc cho thấy 81-99% thuốc được bán mà không cần đơn bác sĩ. Tình trạng "mua thuốc dễ như mua rau" này dẫn tới nhiều hệ lụy như thuốc bán không đúng đối tượng, lạm dụng kháng sinh, lạm dụng thuốc...

Nhìn nhận thực tế này, Bộ trưởng Tiến thừa nhận, quản lý tình trạng này khó vì đã có thông tư ban hành quy định về việc kê đơn, quản lý quầy thuốc đạt chuẩn nhưng đơn vị kinh doanh không tuân theo. Bộ Y tế đang giao Cục Quản lý Dược thí điểm mô hình quản lý nhà thuốc, sắp tới sẽ nhân rộng."Sắp tới ngành y tế sẽ đổi mới toàn diện, thanh tra kiểm tra nhiều hơn", Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh.

 

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, đã có rất nhiều biện pháp để cải thiện phong cách phục vụ của nhân viên y tế


Về câu hỏi quản lý giá thuốc  của  đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh), Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, theo quy định, giá thuốc bán ra của bệnh viện chỉ được cao hơn 10-15% so với giá trúng thầu. Còn thuốc tại nhà thuốc bệnh viện lại mua từ nguồn khác nên ảnh hưởng đến giá cả. Bộ trưởng khẳng định sẽ ra Thông tư yêu cầu nhà thuốc trong bệnh viện phải bán đúng giá theo quy định như giá thuốc trúng thầu bệnh viện. Theo đó, bắt buộc giá thuốc của nhà thuốc bệnh viện phải bằng giá thuốc của bệnh viện. Còn giá thuốc tại các nhà thuốc bán lẻ sẽ phải tuân thủ theo quy luật thị trường. Riêng việc giá chênh lệch nhiều sẽ có các lực lượng kiểm tra liên ngành. Bộ Y tế tiếp thu ý kiến sẽ phối hợp các lực lượng để giải quyết.

Theo Bộ trưởng, cái cần phải điều chỉnh là giá biệt dược. “Giá biệt dược cao là phản ánh đúng” bà Tiến nói. Do có bản quyền nên biệt dược rất độc quyền, tập trung ở thuốc chuyên khoa ung thư, tim mạch. Hiện đang có 700 thuốc biệt dược, 500 thuốc biệt dược gần hết bản quyền. “Chúng tôi sẽ đề xuất điều chỉnh thông tư 11 để thuốc gần hết bản quyền sẽ đưa vào đấu thầu. Việc đấu thầu sẽ giúp giảm giá thuốc. Hiện đã giảm 30%, phấn đấu giảm thêm 10% giá thuốc nữa.

7.000 cán bộ y tế đã bị kỷ luật vì vi phạm y đức

Đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng Y tế cho biết đã có những biện pháp thường xuyên nào để cải thiện phong cách phục vụ của nhân viên y tế. Cùng nêu vấn đề tương tự là đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) với câu hỏi giải pháp nào để nâng cao thái độ phục vụ của cán bộ y tế  tương xứng với sự tăng lên của viện phí.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, Vấn đề thái độ, phong cách như các đại biểu nêu là có nhưng là hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh - đâu đó có những cán bộ y tế có thái độ y tế không tốt. Bộ trưởng cho biết ngành đã có nhiều giải pháp tổng thể đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế, từ tuyên truyền vận động đến đường dây nóng, thùng thư góp ý, đặt camera giám sát, tăng cường giám sát chuyên môn và có một thông tư xử phạt nghiêm minh… Kết quả là đã có 7.000 cán bộ y tế bị kỷ luật với nhiều hình thức khác nhau, từ cảnh cáo, khiển trách đến cao nhất là đuổi khỏi ngành trong thời gian qua. Bên cạnh đó, kèm theo đổi mới cơ chế tài chính để nâng mức thu nhập của cán bộ nhân viên y tế, giúp thu nhập tăng lên, tạo ra sự đổi mới toàn diện. Theo đánh giá độc lập của các tổ chức quốc tế UNDP, chỉ số PAPI đã cải thiện rất rõ rệt ở tuyến tỉnh, tuyến xã.

Hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi BHYT


Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) chất vấn về vấn đề chất lượng nhân lực tuyến y tế cơ sở


Trước câu hỏi của nhiều đại biểu về tình trạng lạm dụng, trục lợi bảo hiểm y tế và biện pháp chống lạm dụng, chống vỡ quỹ bảo hiểm y tế , Bộ trưởng Bộ Y tế, thừa nhận có tình trạng lạm dụng dịch vụ y tế từ cả 2 phía cơ quan y tế và người dân. Cụ thể, mức hưởng bảo hiểm y tế lớn, cộng thêm quy định thông tuyến nên người dân lạm dụng đi khám nhiều. Có bệnh nhân đi khám 20-30 lần trong một tháng, sáng khám xong chiều khám tiếp, khám ở huyện này lại sang huyện khác khám. Các đơn vị y tế do cơ chế tự chủ, áp lực tăng nguồn thu nên lạm dụng kỹ thuật xét nghiệm, dịch vụ y tế. Một số bệnh viện kéo dài thời gian nằm viện, chỉ định nhập viện khi chưa thực sự cần thiết.

Theo Bộ trưởng Tiến, để giải quyết, Bộ Y tế sẽ tổ chức các quy trình khám chữa bệnh chặt hơn. Bộ tăng cường giám sát đồng thời phối hợp với Bảo hiểm xã hội quy định mức trần chi. Tuy nhiên như vậy quyền lợi của người dân sẽ bị ảnh hưởng. "Mặt nào cũng hạn chế của nó. Bộ cũng sẽ thực hiện nghiêm cơ chế tự chủ, quản lý chặt", Bộ trưởng cho biết.

 “Bộ sẽ làm quy trình quản lý khám chữa bệnh chặt chẽ hơn, kèm theo giám sát, cùng với Bảo hiểm xã hội có định mức trần chi, đổi mới mô hình tự chủ của cơ sở y tế; các cơ sở y tế công nhận kết quả xét nghiệm của nhau, trước mắt là ở một số bệnh tuyến trung ương. Lộ trình đến năm 2018 sẽ công nhận hết kết quả xét nghiệm ở các cơ sở y tế.”, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

THÁI AN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh