THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:11

18 năm dạy trẻ, cô giáo về nhà dùng ký hiệu với chồng

Cô Trần Thị Diện tại Lễ tuyên dương các nhà giáo và cán bộ quản lý tiêu biểu

trong giáo dục học sinh khuyết tật toàn quốc năm 2015

Cô Diện kể, lớp học chuyên biệt của cô được thành lập từ năm 1997, và là lớp học duy nhất dành cho trẻ khuyết tật của huyện Hàm Yên. Những ngày đầu khi được phân công phụ trách lớp học đặc biệt này, “tôi đã khóc cả một ngày trời vì sợ buồn, sợ vất vả”. Nhưng nhận được rất nhiều sự quan tâm của lãnh đạo Phòng Giáo dục và nhà trường, đến giờ phút này, sau 18 năm gắn bó cùng các em, “tôi càng thấy thương các cháu và chỉ lo vài năm nữa khi mình về hưu ai sẽ là người tiếp tục dạy dỗ các cháu như bây giờ”.

Nếu như một cấp tiểu học của học sinh bình thường là 5 năm, thì học sinh của cô Diện mất 10 năm để hoàn thành cấp tiểu học. Không có điều kiện như học sinh khuyết tật ở thành thị, học sinh khuyết tật của cô bao gồm cả các em câm điếc, tự kỷ, thiểu năng ngồi chung cả một lớp và thường được đưa tới trường muộn hơn so với tuổi.

Cô Diện cho biết, một khóa cô dạy vừa mới ra trường gồm 10 em, sau khi học hết 5 năm tiểu học thì các em đều đã trên dưới 20 tuổi. Cô rất tự hào khi kể về các học trò cũ: “Tất cả các em đều đã có công ăn việc làm ổn định, tự nuôi sống được bản thân. Có em làm nghề may, có em là thợ xây, có em thì mở cửa hàng bán tạp hóa”.

Các em khi mới tới trường không biết làm gì cả, bố mẹ phải dắt tay, có em đến lớp chỉ thích nghịch, không tập trung. Những em câm điếc thì không hiểu ngôn ngữ ký hiệu mà cô diễn đạt vì các em chỉ quen ra hiệu theo cách của các em như ở nhà. Hầu hết gia đình các em đều khó khăn, có em là người dân tộc thiểu số. Cô Diện thường xuyên phải sửa xe, nấu cơm cho các em ăn, thậm chí ngày lễ tết cô còn mua quà động viên các em đến trường.

“Khi nhận quyết định dạy lớp này, chồng tôi cũng ái ngại lắm. Nói thật với cô, nhiều khi về nhà dùng ký hiệu với cả chồng” – cô Diện bật cười khi chia sẻ điều này.

“Đến ngày 20/11 thấy tủi thân lắm! Mình cũng là giáo viên, người ta cũng là giáo viên mà đến ngày lễ, nhà người ta nườm nượp học sinh ra vào, còn nhà mình thì vắng tanh” – cô Diện chia sẻ.

Nhưng rồi những buồn tủi của cô cũng được bù đắp bởi tình cảm của chính các em. “Tuy là học sinh khuyết tật nhưng các em rất tình cảm. Các cháu chỉ khuyết tật về thể xác, chứ tâm hồn thì không hề khuyết tật. Đến giờ, nhiều cháu đã ra trường rồi nhưng vẫn thường xuyên nhắn tin hỏi cô có nhà không để đến chơi thăm cô”.

Khó khăn, vất vả không kể đâu cho hết suốt 18 năm dạy dỗ trẻ khuyết tật, nhưng với cô Diện, điều khiến cô buồn nhất lại là cảm giác mặc cảm với đồng nghiệp. Bởi khi nhận phụ trách lớp học đặc biệt này, cô phải thích nghi với những kỹ năng mới, khác hoàn toàn với dạy học sinh bình thường, nên những kiến thức cũ có phần mai một và không phát triển được như các đồng nghiệp khác.

“Nhiều người còn nói ‘lớp này thì cần gì chất lượng’, nhưng lương tâm tôi không cho phép dạy các cháu cẩu thả”.

Cô Diện kể về một kỷ niệm mà cô còn nhớ mãi từ những năm đầu tiên thành lập lớp học chuyên biệt này. Đó là năm 1998, khi cô được các em mách có một học sinh nam mang chiếc dây thừng rất to đến lớp. Nam sinh này là một học sinh câm điếc. Khi hỏi chuyện “Thắng mang dây thừng đến lớp để làm gì?”. Thắng trả lời “em muốn treo cổ tự tử chết quách đi”. Cô Diện nghe vậy thì hoảng hốt, dò hỏi nguyên nhân mới biết em này có thích một bạn nữ cũng là học sinh khuyết tật trong lớp nhưng bạn nữ kia không thích mình, thậm chí còn trêu chọc lại khiến em bực tức.

Trước tình huống này, cô đã rất khéo léo nói chuyện với cả 2 em, dùng tình cảm để động viên và khuyên răn các em. Rất may là các em yêu quý và nghe lời cô, sau đó đã làm lành với nhau. “Bây giờ cả hai em đó đều đã có gia đình, có con. Riêng em nữ bây giờ là chủ một đại lý tạp hóa lớn. Vợ chồng các em đều là những người khuyết tật, nhưng rất may mắn là các con sinh ra đều bình thường” – cô Diện vui vẻ khoe về các học trò cũ.

Chỉ còn 3 năm nữa là cô Diện về hưu, cô cho biết mong muốn lớn nhất của cô là các em khuyết tật được quan tâm hơn, có một chương trình học tập riêng và giáo cụ riêng dành cho các em. Hiện tại các em vẫn đang học chương trình của học sinh bình thường, nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc dạy và học, đặc biệt là với các em thiểu năng, tự kỷ. “Ví dụ như khi dạy đây là bánh mỳ thì tôi phải mua bánh mỳ, khi dạy quả cam thì tôi phải cho các cháu xem quả cam. Chứ chỉ nhìn sách không thì các cháu không thể hiểu được” – cô nói.

 Sáng ngày 26/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức lễ tuyên dương các nhà giáo và cán bộ quản lý tiêu biểu trong giáo dục học sinh khuyết tật toàn quốc lần thứ 3 - năm 2015. Tại Lễ tuyên dương, có tổng số 194 nhà giáo và cán bộ quản lý được tặng bằng khen của Bộ.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh