Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu làm rõ thông tin đốc công không cho công nhân bỏ chạy khi giàn giáo rung lắc
- Tây Y
- 23:22 - 30/03/2015
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp và đoàn công tác thị sát hiện trường vụ TNLĐ tại công trường Formosa Hà Tĩnh
Như đã đưa tin vào khoảng 20h30 ngày 25/3/2015 tại khu Khu Kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh đã xảy ra vụ TNLĐ nghiêm trọng khiến 13 người chết và 29 người bị thương khi đang thi công hạng mục Giếng chìm, Đê chắn sóng, Công trình xây dựng Cảng Sơn Dương, Khu Kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh (do nhà thầu Samsung C&T Hàn Quốc thi công thực hiện).
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Bộ LĐ-TB&XH đã thành lập đoàn công tác do Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp làm Trưởng đoàn, cùng Cục An toàn lao động, Thanh tra Bộ vào hiện trường đôn đốc, chỉ đạo giải quyết vụ TNLĐ.
Tại đây đoàn đã yêu cầu UBND tỉnh Hà Tĩnh và các ngành chức năng thực hiện làm rõ một số vấn đề sau: Tập trung làm rõ các vấn đề: Hợp đồng lao động; Bảo hiểm xã hội; Công tác huấn luyện cho người lao động; việc kiểm định các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt; công tác kiểm tra, giám sát; quy trình, biện pháp thi công; quy trình, biện pháp an toàn, vệ sinh lao động; quy trình xử lý sự cố; công tác tổ chức, quản lý lao động.
Yêu cầu làm rõ thông tin: trước khi vụ việc xảy ra 20 phút, giàn giáo đã có hiện tượng rung lắc mạnh làm người lao động hoảng sợ, rời bỏ chỗ làm việc nhưng sau đó người lao động bị đốc công bắt quay trở lại làm việc dẫn đến tai nạn.
“Đoàn cũng đã trực tiếp ra hiện trường của vụ tai nạn lao động để nắm bắt tình hình, tuy nhiên, hiện trường đã được thu dọn. Đoàn chỉ có thể tìm hiểu sơ qua về quy trình làm việc và diễn tiến vụ việc”, ông Hà Tất Thắng, Cục Trưởng Cục ATLĐ cho biết.
Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và xã hội Hà Tĩnh, nhận định nguyên nhân ban đầu do sự cố má phanh thủy lực không đảm bảo dẫn đến toàn bộ hệ thống giàn giáo (dài 30m, rộng 35m, cao 20 m) bị sụp đổ, gây ra tai nạn. Lúc xảy ra tai nạn có 50 công nhân làm việc trên hệ thống giàn giáo bị sập.
Đoàn đã yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh triển khai thực hiện ngay các nội dung chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Công văn số 1062/LĐTBXH-ATLĐ ngày 26/3/2015, cụ thể: Chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát nhân dân và Đoàn điều tra tai nạn lao động phối hợp điều tra tai nạn lao động đúng quy định; Chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung tìm kiếm, xác định nạn nhân, cứu chữa, hỗ trợ, giải quyết chế độ cho người bị tai nạn lao động; tiến hành kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động trên tất cả các công trường xây dựng của khu kinh tế. Yêu cầu người sử dụng lao động tiến hành khắc phục ngay những nguy cơ xảy ra TNLĐ.