Ý nghĩa của Tết nhảy tạ tổ tiên đồng bào dân tộc Dao đỏ
- Văn hóa - Giải trí
- 09:38 - 04/10/2021
Bất cứ người con nào của bản Dao đỏ dù đi xa đến đâu cũng nhớ điệu nhảy lễ tạ tổ tiên mỗi khi năm hết tết đến. Lễ nhảy được tổ chức khoảng cuối giờ Thìn, đầu giờ Tỵ từ mùng 1 đến 25 tháng Chạp.
Trước ngày lễ Tết nhảy, nam thanh niên ôn luyện các điệu nhảy múa. Các thiếu nữ lo nhuộm chàm, thêu áo mới. Lễ Tết nhảy thường diễn ra ở nhà ông trưởng họ và các thành viên trong họ đều tấp nập đến giúp trưởng họ chuẩn bị Tết. Bàn thờ tổ tiên “Chụ chông” thường nằm ở gian giữa hướng về bếp chính được trang trí rực rỡ sắc màu hoa văn. Cửa bàn thờ dán tranh cắt giấy biểu tượng mào gà trống và Tam thanh. Nóc bàn thờ phía trước nổi bật sắc đỏ rực của hoa văn “Mặt trời”. Hai bên bàn thờ đều dán câu đối trên giấy hồng điều với nội dung cầu mong “Người yên vật thịnh”, “Uống nước nhớ nguồn”.
Lễ hội Tết nhảy gồm các nghi lễ: Cúng Tết Nguyên đán; cúng chuyển tiếp (Cúng từ Tết Nguyên đán sang Tết nhảy); khai đàn. Lễ vật dâng tế gồm: Hương, hoa, đăng, quả, thủ lợn, gà, xôi, bánh dầy, rượu, nước, tiền đồng xu, cờ các loại, dao thờ… Đội cúng tế: gồm 3 người, 1 người là thầy cúng, 2 người phụ giúp thầy cúng.
Nghi lễ chính trong lễ này là các điệu nhảy do một tốp nam nữ trong làng thể hiện dưới sự hướng dẫn của thầy cả, gồm rất nhiều điệu như: Nhảy mở đường, nhảy bắc cầu đưa đón thần linh về dự tết, điệu nhảy mời tổ tiên, bố mẹ bằng một chân, đầu cúi thấp, ngón tay trỏ giơ cao; điệu nhảy mời tiên nương, tiểu nữ giáng trần được diễn tả bằng điệu múa cò; điệu múa mời tổ sư thầy cả về dự tết diễn tả kiểu đi của hổ...
Kết thúc các điệu nhảy mở đường, đón chào tổ tiên, thần linh, cả dòng họ tiến hành điệu nhảy rước tượng tổ tiên. Sau lễ tắm gội cho tượng tổ tiên, con cháu tổ chức các điệu nhảy dâng gà, xôi và lễ vật... Kết thúc là điệu nhảy múa cờ.
Nét đặc sắc trong Tết nhảy là phần lễ và hội cùng đan xen nhau, những người hành lễ vừa cúng vừa múa và đọc thơ. Đầu tiên là múa bài Thượng đàn, mỗi người cầm một thứ dụng cụ như: Chuông, thanh la, trống, chiêng, gậy thờ… vừa múa, vừa hát, sau đó là múa kiếm.
Lễ nhảy mang tính tổng hợp khá đầy đủ các loại hình nghệ thuật dân gian khác của dân tộc Dao đỏ, như nghệ thuật nhảy múa, âm nhạc, ngôn ngữ... Lễ nhảy là một tập tục chứa đựng nhiều giá trị văn hóa cổ, đâu đó vẫn còn phảng phất tín ngưỡng thờ gà làm vật tổ (Totem giáo), cầu mong sự bảo hộ và che chở của vật tổ cho sự phát triển và tồn tại của tộc người mình.
Lễ và hội cùng đan xen nhau, người ta vừa cúng vừa múa và đọc thơ. Đầu tiên là múa bài Thượng đàn, mỗi người cầm một thứ dụng cụ như: Chuông, thanh la, trống, chiêng, gậy thờ… vừa múa, vừa hát, sau đó là múa Kiếm. Đây là điệu múa có ý nghĩa mở đường, dọn đường, quét đường, cưỡi phượng, cưỡi ngựa, đóng chuôi dao, mài dao, múa cờ…
Múa Chuông là điệu múa thể hiện nghi lễ tạ ơn tổ tiên và các vị thần đã bảo vệ cuộc sống cho dân làng, dòng tộc, cầu xin tổ tiên phù hộ, che chở cho mọi thành viên được mạnh khỏe, làm ăn phát đạt. Múa Rùa là một trong những điệu dân vũ được thể hiện trong Tết nhảy. Trước bàn thờ cúng Bàn Vương, thầy cúng đi trước, theo sau là tốp thanh niên ăn mặc đẹp, gọn gàng nối tiếp nhau nhảy quanh đàn cúng, diễn tả các động tác tìm, bắt, trói rùa, ba ba khiêng về để dâng cúng Bàn Vương và các vị thánh thần, tổ tiên. Điệu múa thể hiện lòng can đảm, sự rèn luyện gian nan mới có được thành công.
Ngoài ra, lễ tết này còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong nghi thức thờ cúng tổ tiên (mời, rước và tắm tượng gỗ - hay lễ mộc dục). Đặc biệt, Tết nhảy là một phong tục truyền thống thể hiện đời sống tinh thần của người Dao Quần Chẹt, có ý nghĩa lớn trong việc gắn kết cộng đồng, góp phần làm cho bức tranh văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam thêm đa dạng và lung linh sắc màu.
Tết nhảy diễn ra từ cuối giờ Thìn đến giờ Dậu với tổng hợp các loại hình nghệ thuật dân gian. Đó là nghệ thuật múa nhảy đan xen với nghệ thuật âm nhạc. Đó là nghệ thuật ngôn từ kể về sự tích dòng họ, công lao tổ tiên. Đó là nghệ thuật tạo hình với các loại tranh thờ, tranh cắt giấy, điêu khắc tượng gỗ… sinh hoạt tết của người Dao đỏ Tả Van giầu bản sắc, độc đáo nhưng đều thấm đậm tính nhân văn.