THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:16

Cồng chiêng và tượng nhà mồ - Nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên

Lễ hội Cồng chiêng của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Ảnh minh hoạ

Lễ hội Cồng chiêng của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Ảnh minh hoạ

Cồng chiêng trong đời sống người dân Tây Nguyên Không biết cồng chiêng ra đời từ khi nào, nhưng sự trường tồn qua bao đời nay của văn hóa cồng chiêng thực sự gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng, văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Nghe cồng chiêng thì thấy được cả không gian săn bắn, không gian làm rẫy, không gian lễ hội... của người dân nơi đại ngàn.

Phân biệt giữu cồng và chiêng.

Phân biệt giữu cồng và chiêng.

Cồng chiêng còn là ngôn ngữ giao tiếp đặc biệt giữa con người với thần linh và thế giới siêu nhiên. Cồng chiêng là hai loại nhạc khí riêng biệt, cồng là loại có núm, chiêng không núm, được làm bằng hợp kim đồng, có khi pha vàng, bạc hoặc đồng đen. Cồng chiêng có nhiều cỡ, có loại đường kính từ 20-60cm, loại cực đại có thể từ 90-120cm. Có thể được dùng đơn lẻ hoặc dùng theo bộ từ 2 đến 12, có nơi tới 18-20 chiếc tuỳ theo cách chơi của mỗi dân tộc.

Cồng chiêng có thể chơi đơn lẻ...

Cồng chiêng có thể chơi đơn lẻ...

... hoặc đánh theo dàn. Ảnh minh hoạ

... hoặc đánh theo dàn. Ảnh minh hoạ

Tất cả các lễ hội trong năm, từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh đến lễ bỏ mả, lễ cúng máng nước, lễ mừng cơm mới, lễ đóng cửa kho, lễ đâm trâu… đều phải có tiếng cồng, tiếng chiêng. Tiếng chiêng dài hơn đời người, tiếng chiêng nối liền những thế hệ. Tiếng chiêng kết nối với thần linh, đất trời. 

Trẻ em Tây Nguyên được học đánh cồng chiêng từ nhỏ. Ảnh minh hoạ

Trẻ em Tây Nguyên được học đánh cồng chiêng từ nhỏ. Ảnh minh hoạ

Theo quan niệm của người Tây Nguyên, đằng sau mỗi chiếc cồng, chiêng đều ẩn chứa một vị thần, cồng chiêng càng cổ thì quyền lực của vị thần càng cao. Cồng chiêng còn là tài sản quý giá, biểu tượng cho quyền lực và sự giàu có. Đã có thời một chiếc chiêng giá trị bằng hai con voi hoặc 20 con trâu. Vào những ngày hội, hình ảnh những vòng người nhảy múa quanh ngọn lửa thiêng, bên những vò rượu cần trong tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng, tạo cho Tây Nguyên một không gian lãng mạn và huyền ảo, góp phần tạo nên những sử thi, những áng thơ ca đậm chất văn hóa Tây Nguyên vừa lãng mạn, vừa hùng tráng. Theo quan niệm cổ xưa, khi đứa trẻ được sinh ra, tiếng chiêng trong lễ “thổi tai” sẽ đem đến cho đứa trẻ những tín hiệu đầu tiên của văn hoá dân tộc mình, giúp cho đứa trẻ lớn lên sẽ không quên những âm thanh cội nguồn.

Sống, cồng chiêng… chết, tượng mồ

Theo các già làng ở Tây Nguyên, không ai biết tập tục làm tượng nhà mồ có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, từ khi có tiếng chiêng là người dân nơi đây đã biết dựng tượng nhà mồ để tỏ lòng thành kính với người đã khuất. Tiếng chiêng và tượng nhà mồ được ví như sự khởi đầu và kết thúc một vòng đời theo những quan niệm cổ xưa ở vùng đất Tây Nguyên, trở thành một nét văn hoá tâm linh riêng biệt, không thể trộn lẫn với các dân tộc khác. Tuy nhiên, thời gian trở lại đây, truyền thống này chỉ còn tập trung ở các dân tộc: Ba na, Ê đê, Gia rai, Mnông, Xơ đăng. Trong đó, đặc sắc và phong phú hơn cả là tượng nhà mồ của hai dân tộc Ba na và Gia rai.

Khu nhà mồ người Ba Na, làng Pơ Yang, thị trấn Kông Chro, tỉnh Gia Lai. (chụp năm 2015). Ảnh: Trần Phong

Khu nhà mồ người Ba Na, làng Pơ Yang, thị trấn Kông Chro, tỉnh Gia Lai. (chụp năm 2015). Ảnh: Trần Phong

Những bức tượng với nhiều biểu cảm được dựng xung quanh nhà mồ.

Những bức tượng với nhiều biểu cảm được dựng xung quanh nhà mồ.

Tượng nhà mồ được ra đời ở thời điểm lễ “bỏ mả” với mục đích để phục vụ người chết ở thế giới bên kia. Lễ “bỏ mả” là một lễ hội gắn liền với hầu hết các tộc người thiểu số có cuộc sống du canh, du cư trên địa bàn Tây Nguyên, được tổ chức tại nghĩa địa các buôn làng, thu hút đông đảo người tham gia. Lễ bỏ mả thường diễn ra vào mùa xuân, sau khi thu hoạch xong vụ mùa.

Một già làng người Ba na cho biết: Tượng nhà mồ điều không thể thiếu trong lễ “bỏ mả”, những bức tượng sẽ thực hiện việc kết nối và đem lại sự bình yên cho người sống và người đã chết. Sau khi đem gỗ từ rừng về chúng phải được khắc, đẽo tại nhà mồ này luôn. Thường thì chính những người trong gia đình sẽ làm việc này, nhưng cũng có thể thuê người khác làm”.

Tượng mồ Tây Nguyên không chỉ phản ánh nghệ thuật điêu khắc dân gian độc đáo mà còn truyền tải những thông tin mang tính xã hội, cộng đồng sâu sắc. Nhiều tượng được các nghệ nhân sử dụng các loại màu sẵn có trong thiên nhiên để tô điểm tạo ra những điểm nhấn trong quần thể tượng nhà mồ. Trước đây, tượng nhà mồ không đa dạng về hình tượng (chủ yếu là con người, động vật trong các sinh hoạt đời sống và tín ngưỡng phồn thực) nhưng lại rất đa dạng về cách thể hiện. 

Những bức tượng mang đầy nét biểu cảm.

Những bức tượng mang đầy nét biểu cảm.

Người dân Tây Nguyên làm tượng nhà mồ như một dạng bản năng, một cách tiếp nối đến thế giới tâm linh hơn là chú trọng đến tả thực, do đó tính biểu cảm của mỗi bức tượng tác động đến người xem nhiều hơn các yếu tố tạo hình truyền thống. Hơn nữa, chúng không mang lại cảm giác sợ hãi, cách biệt mà tạo cho người xem một cảm giác gần gũi, thân quen.

Xưa kia, loại gỗ để đẽo các bức tượng nhà mồ thường là các loại cây gỗ quý tuổi thọ hàng chục năm như: Gỗ hương, cà chít... nhưng theo thời gian diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp lại, cây gỗ quý ngày càng trở nên khan hiếm cũng như điều kiện kinh tế không cho phép, nhiều gia đình chọn cây gạo hay những loại cây khác để thay thế.

Các nghệ nhân tham gia Lễ hội Tạc tượng tại Tây Nguyên.

Các nghệ nhân tham gia Lễ hội Tạc tượng tại Tây Nguyên.

Ngày 25/11/2005, UNESCO đã chính thức công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Có thể nói, trong kho tàng văn hoá của vùng đất Tây Nguyên, cồng chiêng và tượng nhà mồ là những hiện vật mang tính biểu tượng của của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây. Không chỉ là tài sản, phương tiện, chúng còn là hiện thân của những giá trị nghệ thuật diễn tấu và điêu khắc dân gian đặc sắc, cần được giữ gìn và phát triển.

Do nhiều yếu tố tác động, nghệ nhân tạc tượng nhà mồ không còn nhiều, chủ yếu là những người già. Họ cùng chung những trăn trở về hệ trẻ bây giờ ít người muốn làm công việc này và lo lắng cuộc sống hiện đại sẽ làm mai một văn hóa tập quán của dân tộc mình. Gần đây, trong nỗ lực bảo tồn, phục dựng các loại hình văn hoá ở Tây Nguyên, trong đó có nghệ thuật tạc tượng, các tỉnh trong khu vực đã tích cực tổ chức các liên hoan văn hóa và các cuộc thi tạc tượng gỗ dân gian.

Đây là dịp để nghệ nhân tạc tượng có đất trình diễn tài năng và cũng là dịp để lớp trẻ học hỏi tiếp thu những kinh nghiệm quý giá. Cũng từ những hội diễn văn hoá trên đã phần nào ngăn chặn nạn bán cồng chiêng ở Tây Nguyên, giúp công tác thu thập, bảo tồn và phục dựng các nghi lễ, lễ hội cồng chiêng đạt nhiều kết quả. Ngoài ra, việc đề nghị xem xét, phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian cũng đang được các cấp chính quyền khẩn trương xem xét nhằm động viên, khích lệ giới trẻ đến với các loại hình nghệ thuật truyền thống, thúc đẩy các giá trị văn hóa đặc sắc này trường tồn với đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. 

Xuân Quang

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh