THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 03:00

Độc đáo Lễ hội Cúng Trăng của đồng bào Khmer ở Trà Vinh

Lễ hội Cúng Trăng được xem là một trong ba lễ quan trọng của đồng bào Khmer trong năm, từ khi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia (2014), lễ hội này ngày càng được tổ chức với quy mô lớn, nhiều hoạt động vui chơi giải trí thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân.

Đa số người Khmer sinh sống tại Trà Vinh chủ yếu lao động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, họ gắn chặt cuộc đời mình với nông nghiệp. Theo quan niệm của người Khmer, Mặt Trăng chính là vị thần có quyền năng lớn trong việc chi phối mùa màng trong sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, lễ Cúng Trăng được xem là một lễ hội vô cùng quan trọng trong năm.

Độc đáo Lễ hội Cúng Trăng của đồng bào Khmer ở Trà Vinh - Ảnh 1.

Người Khmer tiến hành Lễ Cúng Trăng nhằm thể hiện sự cảm ơn thành kính đối với vị thần Mặt Trăng.

Tại Trà Vinh, những ngày gần kề Rằm tháng Mười, tại khu vực người Khmer sinh sống, chúng ta có thể thấy không khí rộn ràng khắp nơi để chuẩn bị cho lễ hội Ok-Om-Bok.

Đây là thời điểm sau khi kết thúc một mùa vụ trong năm, người Khmer sẽ tiến hành các nghi thức văn hóa truyền thống, chuẩn bị nghi lễ để tạ ơn Thần Mặt Trăng đã giúp họ có một mùa vụ bội thu, đồng thời tiếp tục cầu cho mưa thuận gió hòa tạo thuận lợi cho vụ mùa tiếp theo.

Lễ hội được tổ chức với những nghi thức mang đậm dấu ấn bản sắc văn hóa đặc trưng của người Khmer, thu hút sự tham gia của nhiều đồng bào dân tộc khác.

Đối với đồng bào Khmer sinh sống tại Trà Vinh, nghi thức cúng trăng được đặc biệt chú trọng, hằng năm, cứ vào dịp lễ này, đường phố rộn ràng cờ hoa, biểu ngữ, tất cả mọi người sẽ chọn một nơi cao ráo, sạch sẽ ngay tại nhà để tiến hành cúng trăng.

Độc đáo Lễ hội Cúng Trăng của đồng bào Khmer ở Trà Vinh - Ảnh 2.

Mặt trăng có hình ảnh chú thỏ là biểu tượng của lễ hội.

Khi trăng bắt đầu nhô cao, tỏa sáng khắp mọi nơi cũng chính là lúc lễ hội chính thức bắt đầu. Người dân sẽ tề tựu cùng nhau trên chiếu vuông, bày trí những vật phẩm thu được từ sản xuất nông nghiệp dâng lên Thần Mặt Trăng, vừa tạ ơn vừa xin lỗi vì trong quá trình lao động sản xuất, con người đã làm tổn hại, ô uế các vị thần, cùng nhau ước nguyện cho một vụ mùa bội thu, mưa thuận gió hòa.

Bên cạnh đó, nhiều năm gần đây, Khu di tích văn hóa, lịch sử Ao Bà Om trở thành một điểm đến quen thuộc thu hút đông đảo người Khmer đến đây để tham gia lễ hội và thi tài với các trò chơi dân gian như kéo co, đập nồi, đẩy gậy, đi cà kheo và các môn thể thao.

Ông À Cha, người có uy tín Thạch Thanh đến từ xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải chia sẻ: "Cúng Trăng là nghi thức quan trọng nhất trong lễ hội Ok- Om- Bok. Với ý nghĩa tạ ơn vạn vật để chúng ta có thể duy trì sự sống. Đồng thời cầu mong mùa màng năm sau bội thu, cuộc sống yên vui".

Đến với lễ hội không chỉ được thưởng thức nhiều món ăn độc lạ, du khách còn có dịp hòa mình vào không gian sinh hoạt đời thường của đồng bào Khmer tại làng văn hóa Khmer độc đáo thuộc ấp Ba Se A, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành cách Khu di tích hóa văn, lịch sử Ao Bà Om chừng 2km. Đến với ngôi làng này, du khách có thể hình dung được đời sống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Khmer. Từ nghi thức tín ngưỡng như Cúng Trăng, đắp núi cát, rước thần 4 mặt… đến các nghề truyền thống như đan đát, dệt chiếu, làm mão, mặt nạ hay những hoạt động vui chơi, giải trí...

Độc đáo Lễ hội Cúng Trăng của đồng bào Khmer ở Trà Vinh - Ảnh 3.

Từng lễ vật trong đêm Cúng Trăng - lễ hội Ok- Om- Bok đều có ý nghĩa tâm linh sâu sắc.

Lễ Cúng trăng của người Khmer tại Trà Vinh thường diễn ra sôi nổi trong vòng 7 ngày với các hoạt động phong phú được tổ chức liên tục như Hội chợ thương mại - du lịch, Đua ghe Ngo, Hội thi trình diễn trang phục truyền thống đồng bào Khmer, Liên hoan Nghệ thuật quần chúng Khmer, thả hoa đăng ngay tại Ao Bà Om tạo nên một bầu không khí lung linh huyền ảo suốt đêm Lễ hội.

Lễ hội Ok-Om-Bok của đồng bào Khmer là nơi lưu giữ, kế thừa những giá trị tích cực của tín ngưỡng đa thần cổ xưa gắn chặt cuộc đời mỗi con người, mỗi gia đình, phum sóc với ruộng đồng, mùa vụ và thiên nhiên.

Thấu hiểu tầm quan trọng và những giá trị mà Lễ hội này tạo ra, các cấp chính quyền tại Trà Vinh luôn tạo điều kiện tối đa để bà con dân tộc được tổ chức lễ hội bài bản, đầy đủ và chỉnh chu nhất nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Độc đáo Lễ hội Cúng Trăng của đồng bào Khmer ở Trà Vinh - Ảnh 4.

Những chiếc đèn gió làm sáng rực cả vùng trời trong ngày lễ Ok- Om- Bok.

Chị Sơn Thị Ngọc Hân, ấp Ba Se A, xã Lương Hoà, huyện Châu Thành tự hào cho biết, tuy đã quen với cày cuốc nhưng khi được chọn đầu tư phát triển du lịch, bà con nơi đây ai cũng phấn khởi, học lại cách làm các món món ăn, làm nghề truyền thống để giới thiệu đến du khách.

"Tại làng này hiện có cả hộ chế tác nhạc cụ truyền thống, làm mão, mặt nạ… cho đến các món ăn Khmer như bánh ống, quyết cốm dẹp. Không chỉ vậy cả không gian sống cũng được sắp lại theo cách của ông bà xưa. Từ một lễ hội dân gian của đồng bào dân tộc Khmer, ngày nay, Ok-Om-Bok đã trở thành một hoạt động văn hóa chung của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh, và lễ hội này đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2014", Chị Ngọc Hân cho hay.

Hiện nay, Lễ hội Cúng Trăng của người Khmer còn là nơi gắn kết, giao lưu giữa người dân với nhau, đồng thời lễ hội cũng chính là dịp quan trọng để các cơ quan chức năng tại Trà Vinh kết hợp tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch trên địa bàn tỉnh, vừa bảo tồn văn hóa dân tộc vừa tạo sự gắn kết cộng đồng và phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.

XT

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh