CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:58

Xứng danh thành phố mang tên Bác

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh ngày 12/4/2019.

 

Đầu tàu kinh tế cả nước

44 năm kể từ ngày giải phóng, vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn, kinh tế TP.Hồ Chí Minh duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 8,24%/năm, nhanh hơn 1,5 lần so với cả nước, quy mô GDP giá so sánh giai đoạn 1994 đến 2010 gấp 16 lần so với 1975. Năng suất lao động đạt 293 triệu đồng/lao động, gấp 2,92 lần năng suất lao động bình quân cả nước (100,3 triệu đồng/lao động), cao hơn bình quân giai đoạn 2011 - 2015 gấp 2,88 lần.

Những kết quả thử nghiệm đổi mới tại TP.Hồ Chí Minh chính là tiền đề quan trọng, thực tiễn để năm 1986, Đại hội lần thứ VI của Đảng đã hoạch định đường lối đổi mới toàn diện, sâu sắc và triệt để, mở ra thời kỳ mới của sự nghiệp cách mạng nước ta trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Từ đây TP.Hồ Chí Minh cùng cả nước đã dứt khoát “chia tay” với cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp để tiến hành đổi mới, đưa thành phố “cùng cả nước, vì cả nước” bước vào thời kỳ lịch sử mới.

Với tinh thần năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, người dân, doanh nghiệp, kinh tế TP.Hồ Chí Minh tăng trưởng liên tục, kể cả trong những giai đoạn đất nước gặp bất lợi từ nền kinh tế thế giới. Từ 1991 đến 1995, kinh tế thành phố tăng mạnh, từ 9,8% năm 1991 lên 15,3% năm 1995. Thời kỳ 1996 - 2000, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ, tốc độ tăng trưởng GDP có giảm sút, nhưng TP.Hồ Chí Minh vẫn là địa phương có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước (9,0%). Bước vào thế kỷ XXI, tốc độ tăng trưởng GDP của thành phố tăng liên tục trong 6 năm liền, từ 9,5% năm 2001 lên 11,6% năm 2004, 12,2% năm 2006 và 12,6% năm 2007.

Giai đoạn 2008 - 2010, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, TP.Hồ Chí Minh chính là đầu tàu kéo cả nước từng bước vượt qua khó khăn, duy trì lại tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Từ 2011 đến nay, TP.Hồ Chí Minh đạt mức tăng trưởng kinh tế xấp xỉ từ 9 - 10%/năm, gấp 1,6 lần mức bình quân chung của cả nước. Cùng với đà tăng trưởng kinh tế nhanh, mức sống vật chất của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. GDP đầu người/năm năm 1985 đạt 586 USD, đến năm 2018 đã nâng lên xấp xỉ 6.000 USD/người/năm.

 

 

So sánh cả về con số tuyệt đối và tương đối, quy mô kinh tế, tiềm lực và sự đóng góp của TP.Hồ Chí Minh cho cả nước ngày càng lớn. Ðến nay, thành phố đã đóng góp khoảng 1/3 giá trị sản xuất công nghiệp, 1/5 kim ngạch xuất khẩu và 1/5 quy mô kinh tế của cả nước, 28% trong tổng thu ngân sách quốc gia.

Có thể nói, vai trò “đầu tàu” của TP.Hồ Chí Minh được thể hiện rõ nhất ở con số tổng thu và sử dụng ngân sách. Năm 2018, tổng thu ngân sách nhà nước của thành phố vượt dự toán được giao, đạt 378.543 tỷ đồng, đạt 100,47% dự toán, tăng 8,65% so cùng kỳ, chiếm 27,8% cả nước (tương đương bình quân giai đoạn 2011 - 2017). Giải ngân đầu tư công từ nguồn ngân sách thành phố ước đạt 95%.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài năm 2018 đạt 7,394 tỷ USD, tổng cộng 3 năm 2016 - 2018 là 17,334 tỷ USD, đứng đầu cả nước. Tuy thu nhiều, nhưng TP.Hồ Chí Minh chỉ giữ lại 18% tổng thu ngân sách chủ yếu để đầu tư phát triển. Nhận định về vấn đề này, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, thành phố đang thể hiện rõ trách nhiệm với cả nước, đặc biệt là những địa phương còn nhiều khó khăn.Ngày nay, TP.Hồ Chí Minh không chỉ là thành phố hiện đại, năng động, sáng tạo mà còn thấm đẫm nghĩa tình… Những giá trị tinh thần mang đặc trưng của nhân dân thành phố như tinh thần nhân ái, làm việc nghĩa, giúp đỡ người nghèo không ngừng được phát huy. TP.Hồ Chí Minh là nơi khởi xướng và thực hiện đầu tiên trong cả nước các phong trào đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, chương trình xóa đói giảm nghèo, bảo trợ bệnh nhân nghèo, nụ cười cho trẻ thơ…

Để tạo điều kiện cho thành phố phát triển mạnh mẽ và đồng bộ hơn, một cơ hội lớn được mở ra: Ngày 24/11/2017, Quốc hội đã chính thức ban hành Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hồ Chí Minh,  thời gian thí điểm 5 năm. Với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực: Quản lý đất đai, quản lý đầu tư, quản lý tài chính, ngân sách, cơ chế phân cấp ủy quyền và chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức. Nghị quyết 54 được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới để TP.Hồ Chí Minh giải phóng mọi tiềm năng, tháo gỡ các điểm nghẽn, giải quyết các thách thức trong bối cảnh sự vượt trội của thành phố so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại. “Đây được coi là quyết sách đột phá để thành phố phát triển nhanh, bền vững hơn vì cả nước”, theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh cho rằng, Nghị quyết 54 sẽ là động lực để TP. Hồ Chí Minh tạo ra nhiều nguồn lực hơn, đóng góp nhiều hơn cho cả nước, và từ đây Trung ương phân bổ trở lại nhiều hơn cho các địa phương còn khó khăn. Điều này giúp việc phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực phát triển của quốc gia mà TP.Hồ Chí Minh có trách nhiệm thực thi cơ chế để cả nước cùng có lợi.

 

 

Tiên phong trong cuộc cách mạng 4.0

Với những thế mạnh về nhân lực, vật lực và truyền thống năng động, sáng tạo, TP.Hồ Chí Minh xác định hướng phát triển trong tương lai là dựa vào khoa học, công nghệ, kinh tế tri thức, với nền tảng là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 áp dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực.Phát biểu tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngày 12/4, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Bên cạnh những kết quả đạt được, TP vẫn còn một số yếu kém như lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng có dấu hiệu chậm lại; đất dành cho dịch vụ đô thị, quy hoạch xây dựng đô thị không đồng bộ nên cần thay đổi trong thời gian tới.

Do đó, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, năm 2019 TP dự định xây dựng khu công nghiệp hơn 360 ha phù hợp với các doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời tìm kiếm và mời gọi nhà đầu tư nước ngoài lớn đến đầu tư; trong đó có chính sách hỗ trợ nhà đầu tư. Bên cạnh đó, khai thác cơ hội và ứng dụng thành quả cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả mà TP đạt được trong quý I/2019. Đồng thời cho rằng, TP phải là địa phương đi trước trong việc thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; xây dựng TP thông minh, đô thị sáng tạo, chính quyền điện tử, cải cách hành chính hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ trong nước mà với cả các đô thị khác trong khu vực. TP.Hồ Chí Minh tiếp tục là một trong những đầu tàu quan trọng của cả nước; là trung tâm lớn, hiện đại về tài chính - thương mại - khoa học công nghệ của cả nước và khu vực ASEAN.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị, TP.Hồ Chí Minh triển khai quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội, cần phân công cụ thể, tăng cường giám sát đôn đốc việc thực hiện 7 chương trình đột phá góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý trong vấn đề chỉ đạo, cần chú ý các vấn đề xã hội, phát triển nông nghiệp  nông thôn, môi trường. Cụ thể, TP cần đẩy mạnh chương trình về phát triển nhà ở xã hội dành cho người lao động; tập trung thực hiện hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới; xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường.

Thủ tướngnhận định rằng, TP.Hồ Chí Minh vẫn còn tiềm năng, dư địa đột phá để phát triển kinh tế. Cụ thể, các lĩnh vực chế biến, chế tạo sản xuất vẫn chưa xứng tầm với quy mô của một thành phố hàng đầu cả nước. “TP.Hồ Chí Minh cần tiên phong trong cuộc cách mạng 4.0, tận dụng tốt cuộc cách mạng này con tàu TP.Hồ Chí Minh sẽ còn đột phá, phát triển vượt bậc hơn nữa, xứng danh không chỉ đầu tàu cả nước mà phát triển ngang tầm khu vực và vươn ra thế giới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng.

HỒ VĂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh