THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:28

Tự hào thành phố mang tên Bác

 

Bên tượng Bác.               Ảnh: TL

 

Sài Gòn được hình thành từ thời Nguyễn, năm 1698 khi Nguyễn Hữu Cảnh cho lập phủ Gia Định, đánh dấu sự ra đời của thành phố. Sài Gòn thực sự phát triển và trở thành một trong những đô thị quan trọng của Việt Nam khi thực dân Pháp tiến hành mở mang, đầu tư nhằm phục vụ cho mục đích xâm lược và khai thác thuộc địa.

Ngày 2/9/1945, tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hàng chục ngàn người dân Sài Gòn - Gia Định cũng tập trung về Quảng trường Norodom (nay là Công viên 30/4) để tham gia cuộc mít tinh và diễu hành lớn, trong niềm vui nước nhà độc lập. Theo lời kể của những người có mặt trong thời khắc thiêng liêng đó, đường phố Sài Gòn ngập cờ hoa, cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới, những khẩu hiệu: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm”, “Độc lập hay là chết”… giăng đầy đường lớn. Mọi cảm xúc như vỡ òa khi Bí thư Xứ ủy Nam kỳ Trần Văn Giàu kết thúc bài diễn văn bằng lời kêu gọi “Ngày độc lập bắt đầu từ nay! Tiến tới vì độc lập, vì tự do, tiến tới mãi! Không một thành lũy nào ngăn nổi chí của muôn dân trên đường giải phóng”. Thế nhưng, để thực hiện được ước muốn và lời thề lớn lao đó, cả dân tộc ta phải trải qua hành trình đầy cam go, kéo dài đến mấy chục năm.    

Ngày 5/6/1911, tại bến Nhà Rồng - Sài Gòn, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành đã lên chiếc tàu Amiral Latouch Trevill với chân phụ bếp để ra đi tìm đường cứu nước. Nhiều năm sau này, Bác luôn đau đáu nhớ miền Nam. Và Sài Gòn đã trở thành nơi kết thúc thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30/4/1975, đưa cả nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Để xứng đáng với thành phố mang tên Bác, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo; tạo ra sự biến đổi to lớn sâu sắc, toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mang lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, làm nên diện mạo mới cho thành phố thân yêu. Những công trình mới, chính sách mới, cách làm mới đưa thành phố thay da đổi thịt từng ngày, hội nhập cùng khu vực và thế giới. Đời sống của nhân dân được cải thiện từng ngày, cơ sở hạ tầng của chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng đáng kể, các phong trào đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo được các tổ chức chính trị xã hội và các tầng lớp nhân dân đặc biệt quan tâm và ủng hộ nhiệt tình và đã phát huy hiệu quả.

 

Bến Nhà Rồng hôm nay.  Ảnh TL

  

Tòa nhà Landmark 81 cao nhất Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh TL

 

TP.Hồ Chí Minh tự hào là nơi đầu tiên khởi xướng và đi đầu trong thực hiện chương trình “xóa đói giảm nghèo”. Xác định muốn xóa nghèo bền vững cần phải cho người nghèo "chiếc cần câu", thành phố đã chi tổng nguồn vốn cho Chương trình giảm nghèo - tăng hộ khá hơn 3.649 tỷ đồng, trong đó số tiền chi hỗ trợ không hoàn lại là 186,8 tỷ đồng, còn lại là cho vay ưu đãi để người nghèo mua bán, sản xuất nhỏ, chăn nuôi phát triển sinh kế bền vững. Nhờ vậy, đến cuối năm 2013, thành phố đã cơ bản "xóa" hết hộ nghèo, về đích trước 2 năm so với mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ 9, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã đề ra.

Bước sang thời kỳ mới, thành phố đang kiên trì thực hiện mục tiêu vì cả nước và cùng cả nước tự hào, tự tin tiến lên phía trước. TP.Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước. Hàng năm thu hút khoảng trên 6 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trên 20 triệu lượt khách du lịch nội địa. Hiện thành phố có mối quan hệ kết nghĩa với 34 địa phương của các nước trên thế giới, có 128 tổ chức, tổ chức phi chính phủ nước ngoài có giấy đăng ký hoạt động.

 

Mở rộng địa giới - Cơ hội để Hà Nội phát triển

 

Tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư, thành phố đã tập trung tháo gỡ những điểm tắc nghẽn về hạ tầng kỹ thuật đô thị, đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông huyết mạch như Đường Xuyên Á, đại lộ Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, đường hầm sông Sài Gòn, nhiều cầu vượt, nút giao thông… là yếu tố quan trọng tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội của thành phố phát triển bền vững.

Tháng 7/2018, tòa nhà cao nhất Việt Nam đã được khánh thành và đi vào sử dụng - toà nhà Landmark 81 (đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh), trở thành biểu tượng mới của thành phố mang tên Bác. Thành phố phấn đấu và tiến dần mục tiêu đến năm 2020 bình quân thu nhập đầu người đạt 9.800 USD, 85% lao động đang làm việc được đào tạo nghề, giảm tỷ lệ thất nghiệp đô thị xuống dưới 4,5%... Thành phố đang từng bước xây dựng để trở thành nơi có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Là thành phố có vai trò động lực trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực và thế giới.

TRƯƠNG QUANG HUẾ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh