CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:06

Xuất khẩu lao động: Giám sát chặt thị trường Ả rập Xê út

20.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Ả rập Xê út

    Ả Rập Xê Út là nước lớn nhất trong 6 nước thuộc Hội đồng Vùng Vịnh (GCC). Theo thống kê của cơ quan xuất nhập cảnh Ả Rập Xê Út, mỗi năm có khoảng 800.000 đến 1.000.000 lao động nước ngoài mới nhập cảnh vào làm việc tại Ả Rập Xê Út, chủ yếu thuộc các ngành khai thác, chế biến và xuất khẩu dầu mỏ, giúp việc gia đình và một số ngành dịch vụ khác.   Hiện có khoảng 9,2 triệu lao động nước ngoài làm việc tại Ả rập Xê út, trong đó có 1,5 triệu lao động giúp việc gia đình chủ yếu đến từ các nước Phi-líp-pin, In-đô-nê-xia, Ấn Độ, Sri Lanka và Ê-thi-ô-pia.

Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang làm việc tại Ả rập Xê út từ tháng 8/2003, nhưng đến cuối năm 2006, từ khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương mở rộng đưa lao động Việt Nam sang làm việc có thời hạn tại thị trường này thì việc đưa lao động sang làm việc tại Ả rập Xê út mới thực sự phát triển. Từ năm 2006 đến nay có khoảng 60 doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc tại thị trường này. Hiện nay, có khoảng 20.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Ả rập Xê út trong nhiều lĩnh vực khác nhau như xây dựng, nhà máy, khách sạn, giúp việc gia đình, trong đó, riêng lao động trong lĩnh vực giúp việc gia đình có khoảng 7.000 người.

Theo Cục quản lý lao động ngoài nước, do nhu cầu tiếp nhận nữ giúp việc gia đình tăng cao, yêu cầu tiêu chuẩn lại đơn giản, dễ dàng, chủ không sang Việt Nam tuyển chọn. Trong khi đó, thủ tục đưa và tiếp nhận lao động sang Ả rập Xê út tương đối đơn giản, người lao động hầu như đi không mất phí trong khi đó doanh nghiệp cung ứng được đối tác trả phí tuyển dụng cao nên gần đây số lượng lao động nữ Việt Nam đi làm giúp việc gia đình tại Ả rập Xê út có xu hướng tăng.

Tuy vậy, đi cùng với gia tăng số lượng người lao động sang làm giúp việc gia đình tại Ả rập Xê út, các vụ việc phát sinh liên quan đến loại hình lao động này ngày càng nhiều và chiếm tỷ lệ chủ yếu so với lao động các ngành nghề khác. Các vụ việc phát sinh liên quan đến lao động giúp việc gia đình mà cơ quan chức năng phải can thiệp chủ yếu là lao động trốn chủ, một số phản ánh bị chủ sử dụng bỏ rơi, bị ép làm việc nhiều giờ làm việc trong ngày; một số cho biết bị chậm trả lương hoặc không thích nghi với môi trường làm việc, văn hóa phong tục tập quán, không đảm bảo sức khỏe.

Nhiều doanh nghiệp “dễ dãi” trong tuyển chọn và đào tạo lao động

Theo bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin- Truyền thông (Cục quản lý lao động ngoài nước), nguyên nhân chủ yếu của các vụ việc phát sinh trên là một số doanh nghiệp tuyển chọn và đào tạo lao động chưa kỹ, vẫn đưa đi một số lao động không phù hợp với công việc giúp việc gia đình. Người lao động chỉ được đào tạo, giáo dục định hướng trong thời gian ngắn nên hạn chế về giao tiếp với chủ, khó hòa nhập với môi trường sống, làm việc có văn hoá khác biệt. Từ đó phát sinh tâm lý chán nản, muốn về nước trước hạn.

Công tác quản lý người lao động của doanh nghiệp chưa tốt. Một số lao động bị chủ sử dụng đối xử không tốt đã không được doanh nghiệp kịp thời phát hiện để can thiệp, chuyển chủ sử dụng hoặc giải quyết cho lao động về nước.

 

Lao động Việt Nam làm việc trong lĩnh vực xây dựng tại Ả rập Xê út


“Bên cạnh đó, ý thức tự rèn luyện, nâng cao nhận thức của người lao động còn hạn chế, tâm lý muốn đi làm việc nhanh, không chịu học. Người lao động được chủ sử dụng trả chi phí tuyển dụng nên khi sang không làm được việc thì một số viện lý do chủ ngược đãi hoặc gia đình gặp khó khăn để về nước mà không phải chịu phạt hợp đồng như đã ký trước khi đi”- bà Vân Hà nói và cho biết thêm, một nguyên nhân khách quan là cơ chế và thủ tục giải quyết tranh chấp của Ả rập Xê út còn phức tạp, quan liêu nên một số vụ việc bị kéo dài, gây lo lắng, bức xúc cho bản thân người lao động và gia đình của họ.

Giám sát chặt doanh nghiệp và tăng cường quản lý người lao động

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, nhằm hạn chế các vụ việc phát sinh liên quan đến lao động Việt Nam đi làm giúp việc gia đình tại Ả rập Xê út, Cục Quản lý lao động ngoài nước đang thắt chặt việc giám sát các doanh nghiệp, cụ thể:

Giám sát việc tuyển chọn lao động của các doanh nghiệp: Trong thời gian tới Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các địa phương trong việc giám sát việc tuyển chọn lao động đi làm việc tại Ả rập Xê út của các doanh nghiệp nhằm đảm bảo các doanh nghiệp tuyển người lao động có độ tuổi, kinh nghiệm phù hợp với công việc cụ thể do chủ sử dụng Ả rập Xê út đưa ra; người lao động được minh bạch công việc mình sẽ làm và các quyền lợi, điều kiện sinh hoạt để tự mình đưa ra quyết định trước khi đi...

Giám sát công tác đào tạo và giáo dục định hướng cho lao động Việt Nam trước khi đi làm việc tại Ả rập Xê út nhằm đảm bảo lao động Việt Nam đáp ứng yêu cầu về trình độ tay nghề, đặc biệt đảm bảo người lao động được trang bị các kiến thức về văn hóa, phong tục tập quán, điều kiện khí hậu, pháp luật... của Ả rập Xê út. Việc đào tạo nâng cao tay nghề cũng như ý thức kỷ luật cho người lao động sẽ góp phần nâng cao thu nhập của lao động Việt Nam làm việc tại Ả rập Xê út, làm giảm những vụ việc có thể phát sinh liên quan tới người lao động Việt Nam, qua đó nâng cao uy tín của lao động Việt Nam tại thị trường này đồng thời tạo niềm tin của chủ sử dụng Ả rập Xê út đối với đội ngũ lao động Việt Nam.

 Giám sát chặt chẽ công tác quản lý lao động làm việc tại Ả rập Xê út của các doanh nghiệp phái cử: Yêu cầu các doanh nghiệp cử cán bộ đại diện theo đúng quy định và phải tích cực, chủ động phối hợp giải quyết khi có vụ việc phát sinh liên quan tới lao động do doanh nghiệp đưa đi.

Ngoài ra, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng sẽ tăng cường thực hiện giải pháp như:  Tăng cường công tác quản lý lao động Việt Nam làm việc tại Ả rập Xê út,  Thắt chặt việc kiểm tra thẩm định hợp đồng cung ứng lao động trước khi đưa lao động sang làm việc; Rà soát, chấn chỉnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở Ả rập Xê út, đặc biệt là lao động giúp việc gia đình và xử lý nghiêm những doanh nghiệp vi phạm . Đồng thời,  thông tin rộng rãi về thị trường lao động Ả rập Xê út, các quy định và điều kiện làm việc, sinh hoạt,… ở Ả rập Xê út để người lao động hiểu và nhận thức đúng về thị trường này.

Người lao động cần tìm hiểu đầy đủ về quyền, lợi ích và trách nhiệm của mình

Để hạn chế các vấn đề phát sinh và để có thể tự bảo vệ những quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân, người lao động cần lưu ý những điều sau: 

Người lao động đi làm giúp việc gia đình tại Ả rập Xê út được chủ sử dụng chịu mọi chi phí đưa sang làm việc tại nước này. Do đó, nếu về nước trong thời gian 3 tháng thử việc mà không có lý do chính đáng thì phải chịu tiền vé máy bay và bồi thường hợp đồng (2-3 tháng tiền lương). Đối với những lao động về nước trong thời gian 3 tháng thử việc với lý do chính đáng thì không phải bồi thường và chủ sử dụng sẽ mua vé máy bay cho lao động về nước. Và điều này được quy định rõ trong hợp đồng lao động ký giữa chủ sử dụng và người lao động.

Người lao động Việt Nam đi làm giúp việc gia đình tại Ả rập Xê út cần tìm hiểu đầy đủ về quyền, lợi ích và các trách nhiệm của mình.  Khi người lao động đã tìm hiểu kỹ về quyền lợi và trách nhiệm của mình  trong hợp đồng và đã ký hợp đồng với chủ sử dụng lao động thì người lao động và chủ sử dụng đều phải thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký. Nếu người lao động về nước trong thời gian thử việc với lý do không chính đáng thì người lao động phải bổi thường và tự chi trả vé máy bay về nước.

Bên cạnh đó, lao động có nguyện vọng đi làm giúp việc gia đình ở Ả rập Xê út cần chủ động tìm hiểu các thông tin liên quan: Thông tin về các doanh nghiệp đưa đi (đã được cấp phép chưa); thông tin về hợp đồng cung ứng lao động đi làm việc ở nước ngoài (đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước cho phép thực hiện chưa); thông tin và pháp luật liên quan của Việt Nam và Ả rập Xê út.

Đặc biệt, với Ả rập Xê út là một nước Đạo Hồi với văn hóa, thực phẩm và điều kiện khí hậu khác xa so với Việt Nam, người lao động đi làm việc tại Ả rập Xê út cần phải tìm hiểu thông tin về tất cả những điều nêu trên để có sự chuẩn bị tốt nhất về tâm lý trước khi đi, từ đó tránh bị sốc, chán nản khi tới nơi làm việc. Hơn nữa, công việc giúp việc gia đình có những đặc thù riêng, như giờ làm việc kéo dài hơn và nơi làm việc và ăn ở cùng với gia đình chủ nên dễ xảy ra những hiểu lầm. Vì vậy, lao động đi làm giúp việc gia đình tại Ả rập Xê út cần phải lưu ý về những đặc thù của công việc GVGĐ và chủ động học ngoại ngữ để có thể giao tiếp cơ bản với chủ sử dụng, tránh những hiểu lầm đáng tiếc.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh