THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 07 NĂM 2024 11:36

Huyện Như Thanh (Thanh Hóa): Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm

Từng bước chuyển từ hướng “cung” sang “cầu”

Thống kê của huyện Như Thanh cho thấy, đến tháng 5/2021, dân số trong độ tuổi lao động của địa phương là 62.907 người, chiếm 64,2%. Để giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là lao động vùng DTTS&MN, huyện Như Thanh đã không  ngừng nỗ lực đẩy mạnh công tác dạy nghề gắn với giải quyết việc làm.

“Phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ quan trọng góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội huyện Như Thanh. Dạy nghề cho lao động nông thôn, đẩy mạnh công tác XKLĐ góp phần phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao tay nghề cho lao động nông thôn là hướng giải quyết việc làm, giảm nghèo nhanh và bền vững”.

Thực hiện Tiểu dự án 3, Dự án 5 "Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025) được phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Như Thanh đã ban hành các quyết định kiện toàn Ban chỉ đạo, quy chế làm việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện Như Thanh giai đoạn 2022- 2025; UBND huyện đã tham mưu tổ chức, triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình MTQG về phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2025

Cấp chứng chỉ học nghề cho người lao động hoàn thành khóa học lớp sơ cấp chế biến món ăn và nghiệp vụ du lịch gia đình

Cấp chứng chỉ học nghề cho người lao động hoàn thành khóa học lớp sơ cấp chế biến món ăn và nghiệp vụ du lịch gia đình

Căn cứ vào Đề án Số 06/ĐA-UBND về “Nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp và đào tạo nghề huyện Như Thanh giai đoạn 2021 – 2025 định hướng đến năm 2030 nên khi triển khai thực hiện Tiểu dự án 3, Dự án 5, UBND huyện Như Thanh bám vào Đề án và cụ thể hóa trong triển khai thực hiện. Trong đó đào tạo nghề phải phù hợp với nhu cầu của người lao động, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiêp hoặc chuyển đổi nghề của người lao động.

Ông Trương Thanh Tĩnh, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Như Thanh cho biết: “Đến nay, quy mô, chất lượng đào tạo và số lượng tuyển sinh; các cơ chế, chính sách về giáo dục hướng nghiệp và dạy nghề đã được huyện Như Thanh triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ, tạo cơ hội để người có nhu cầu được hướng nghiệp và học nghề đều được tham gia, trong đó chú trọng dạy nghề cho cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi, lao động nông thôn, dạy nghề cho học viên của Trung tâm GDNN&GDTX, học sinh phổ thông, THCS; Đã hình thành và phát triển đội ngũ người dạy nghề cả ở trong các cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp. Cơ sở dạy nghề đang từng bước đầu tư mở rộng, đội ngũ cán bộ giáo viên cơ bản có trình độ chuyên môn đáp ứng được yêu cầu đào tạo. Chất lượng và số lượng đào tạo nghề đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đào tạo nghề từng bước chuyển từ hướng “cung” sang hướng “cầu”, gắn với nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài huyện, nhu cầu học nghề của người lao động…”.

Người lao động tại huyện Như Thanh tham gia các lớp học nghề dệt thổ cẩm

Người lao động tại huyện Như Thanh tham gia các lớp học nghề dệt thổ cẩm

“Để thu hút lao động, nhất là lao động vùng đồng đồng bào DTTS&MN tham gia học nghề, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động, huyện Như Thanh đã phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách cũng như hỗ trợ để người lao động tham gia học nghề. Trong năm 2023, huyện Như Thanh đã phối hợp mở được 13 lớp học nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho 455 lao động DTTS&MN tham gia, với kinh phí 1.686,1 triệu đồng. Thông qua lớp học nhằm trang bị kiến thức giúp các học viên áp dụng vào thực tiễn sản xuất, đồng thời các học viên cũng sẽ là những tuyên truyền viên chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật cho các hộ khác trên địa bàn để cùng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống gia đình, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa... ”, ông Tĩnh thông tin thêm.

Nâng cao chất lượng lao động qua đào tạo

Thống kê của huyện Như Thanh cho thấy, đào tạo nghề hướng nghiệp cho học sinh THCS và THPT giai đoạn 2015-2020 đã có nhiều chuyển biến, tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh THCS và THPT vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện, của tỉnh, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và hội nhập quốc tế. 

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn chất lượng từng bước được nâng lên. Quy mô tuyển sinh hàng năm của cơ sở dạy nghề trên địa bàn huyện tăng từ 30 người năm 2015 lên 321 người năm 2020, trong đó: Trung cấp nghề: 100 người, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng: 221 người.

Người lao động tại huyện Như Thanh tham gia các lớp học nghề dệt thổ cẩm

Người lao động tại huyện Như Thanh tham gia các lớp học nghề dệt thổ cẩm

Giai đoạn 2015 – 2020 đã đào tạo nghề cho 1.055 người, trong đó: Trình độ trung cấp 100 người, Sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng 955 người, 100% lao động sau tốt nghiệp đã có kiến thức chuyên môn nghề và có kỹ năng thực hành nghề từ trung bình trở lên, trong đó khá và giỏi chiếm trên 80%. Sau tốt nghiệp đã từng bước đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động ở một số lĩnh vực như: May công nghiệp, cơ khí, hàn điện, trồng trọt, chăn nuôi, máy công trình... đã có việc làm trong các doanh nghiệp, 20% tự mở cửa hàng, cửa hiệu tạo việc làm cho bản thân và cho người khác, 10% chờ xin việc làm phù hợp... Riêng nghề May công nghiệp số học sinh tốt nghiệp trình độ sơ cấp nghề từ năm 2015 đến năm 2020 hầu hết xin được việc làm trong các công ty may, giầy da. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện từ 32% năm 2016, đã tăng lên 65% năm 2020, trong đó lao động được cấp chứng chỉ gần 30%.

Thực hiện Đề án Số 06/ĐA-UBND và Kế hoạch thực hiện Số 225/KH-UBND ngày 11/7/2023, huyện Như Thanh tiếp tục tập trung vào đào tạo một số ngành, nghề sơ cấp, trung cấp, dưới 3 tháng và nghề phổ thông như: Chế biến món ăn; Nghiệp vụ du lịch gia đình; May Công nghiệp; Điện Dân dụng; Chăn nuôi; Trồng trọt; Kỹ thuật trồng cây cảnh; Nuôi ong lấy mật...

“Giai đoạn 2021-2025, huyện Như Thanh phấn đấu đào tạo cho 7.500 lao động, trong đó: Trung cấp nghề: 1.110 học viên; nghề phổ thông 4.000 học viên; sơ cấp nghề và đào tạo nghề dưới 3 tháng 2.390 học viên. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn huyện đến năm 2025 đạt 84%, trong đó lao động được cấp chứng chỉ khoảng 40%, xây dựng nông thôn mới và đạt chuẩn xã hội học tập. Giai đoạn 2026-2030 đào tạo cho 8.825 lao động, trong đó: Trung cấp nghề 1.500 học viên; nghề phổ thông 4.000 học viên; sơ cấp nghề và đào tạo nghề dưới 3 tháng 3.325 học viên. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn huyện đến năm 2030 đạt 90%, trong đó lao động được cấp chứng chỉ khoảng 60%. Qua đó, đảm bảo đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo cho thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0 và hội nhập quốc tế…”, ông Tĩnh thông tin thêm.

QUÁCH TUẤN

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh