CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:21

Xuất khẩu 2015: Doanh nghiệp sẵn sàng nắm cơ hội vàng

Xuất khẩu tăng “kép”

Với sự nỗ lực của cộng đồng DN đã mang lại kết quả tích cực cho hoạt động xuất nhập khẩu trong năm 2014. Bức tranh tăng trưởng XK thể hiện cả về quy mô và tốc độ tăng. Từ 100 tỷ USD (năm 2012) năm 2014 lên 150 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm 2013.

Tăng trưởng XK đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP, tạo việc làm và giảm bớt lượng hàng hóa tồn kho. Năm 2014 cũng là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam xuất siêu với con số lên tới 2 tỷ USD, cao hơn cả con số xuất siêu 2 năm trước cộng lại.

Tăng trưởng XK của khối DN trong nước đã có sự trỗi dậy khá mạnh mẽ. Nếu trong năm 2012, khối này chỉ đạt mức tăng trưởng XK 1,2%, năm 2013 tăng 4%, thì năm 2014 đã tăng tới 10,4% (đạt 48,4 tỷ USD) với các mặt hàng chủ yếu gồm nông, thủy sản, một số mặt hàng công nghiệp XK như dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ... đều đạt tăng trưởng chung cho XK.

Trong bức tranh XK của Việt Nam năm 2014, khu vực DN FDI tiếp tục giữ vị trí cao trong việc tạo giá trị và tăng trưởng XK. Kim ngạch XK của DN FDI năm 2014 đạt 101,6 tỷ USD (gồm cả dầu thô), tăng 15,2% so với năm 2013.

Da giầy Việt Nam xuất khẩu có giá trị gia tăng cao.   Ảnh: MD.

Các nhóm hàng XK chủ lực vẫn thuộc về khu vực FDI gồm: điện thoại các loại và linh kiện chiếm 99,6% tổng kim ngạch XK nhóm hàng này của cả nước; hàng dệt may chiếm 59,4%; giày dép chiếm 77%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác chiếm 89,7%; điện tử, máy tính và linh kiện chiếm 98,8%.

Nhìn từ chiều ngược lại, trong năm 2014, tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam đạt 148 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm 2013, trong đó khu vực FDI  đạt 84,5 tỷ USD, tăng 13,6%; khu vực kinh tế trong nước đạt 63,5 tỷ USD, tăng 10,2%.

Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm tỷ trọng lớn nhất với 91,2%, trong đó nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận tải, phụ tùng chiếm 37,6%; nhóm hàng nguyên, nhiên vật liệu chiếm 53,6%; nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 8,8%.

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu trong năm, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 43,7 tỷ USD, tăng 18,2% so với năm 2013.

Nhập siêu cả năm từ Trung Quốc 28,9 tỷ USD, tăng 21,8% so với năm trước; ASEAN 23,1 tỷ USD, tăng 8,2%; Hàn Quốc 21,7 tỷ USD, tăng 4,9%; Nhật Bản 12,7 tỷ USD, tăng 9,4% và thị trường EU 8,9 tỷ USD, giảm 5,9%.

Nhìn tổng thể bức tranh xuất nhập khẩu năm 2014, bên cạnh những yếu tố tích cực thì vẫn còn không ít khó khăn thách thức, đó là thặng dư cán cân thương mại chưa thật sự bền vững, nổi bật và đáng lo ngại nhất là khu vực kinh tế trong nước vẫn chưa thoát khỏi tình trạng nhập siêu với quy mô lên tới hàng chục tỷ USD.

Giá trị gia tăng từ hàng XK không cao do chủ yếu vẫn dừng lại ở trình độ gia công. Nguồn nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất hàng XK vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu; ngày càng xuất hiện nhiều vụ kiện chống bán phá giá đối với nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam (tôm, thép, gạo...); cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới; những biến động phức tạp về an ninh, chính trị trong khu vực và một số nơi trên thế giới ảnh hưởng hoạt động kinh tế, nhất là XK...

Lắp ráp linh điện điện tử Samsung.

Cơ hội vàng 2015

Sóng hội nhập đã tràn vào từng kế hoạch đầu tư, kinh doanh, các DN đang căng buồm nương theo những cơn sóng lớn.

Cơ hội vàng đang mở ra cho XK trong năm 2015 khi 8 FTA đã ký kết bước vào giai đoạn giảm thuế sâu. 5 FTA khác hoặc đã kết thúc đàm phán như FTA với Hàn Quốc và Liên minh hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan, hoặc đang được khẩn trương đàm phán với khả năng kết thúc trong năm 2015 như Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định, các FTA sắp được ký kết đang mở ra rất nhiều cơ hội XK cho hàng hóa nông lâm thủy sản, dệt may, giày dép...  của Việt Nam. Nhưng DN tận dụng cơ hội này ra sao thì vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Ông Lê Quốc Phương, Phó giám đốc Trung tâm Công nghiệp và thương mại khuyến cáo, thời gian tới, Việt Nam sẽ tham gia các FTA có chất lượng cao như TPP, FTA với EU. Câu hỏi đặt ra là làm cách nào để DN tận dụng được các cơ hội này vẫn mang tính thời sự.

Không chỉ tuột mất cơ hội mở rộng thị trường, một khi rào cản thuế bị xóa bỏ hoặc giảm sâu, DN còn có nguy cơ mất cả “sân nhà”. Hiện tại, rất nhiều sản phẩm tiêu dùng trong nước như quần áo, giày dép, sản phẩm gia dụng và cả các sản phẩm rau quả, thịt, trứng... đang chịu sự cạnh tranh rất nặng nề từ hàng nhập khẩu.

Bước vào năm 2015, Việt Nam gần như mở cửa hoàn toàn thị trường nông sản trong khu vực ASEAN. Thuế nhập khẩu của tất cả các mặt hàng nông sản đều bằng 0%, trừ một số trong danh mục nông sản nhạy cảm.

Để chuẩn bị cho giai đoạn cạnh tranh mới, các DN cần tập trung đầu tư XK hàng nông sản chất lượng cao, xây dựng thêm nhà máy chế biến đặt ở các vùng nguyên liệu, tạo cơ hội để người nông dân bán sản phẩm trực tiếp cho Intimex với giá tốt nhất.

Bên cạnh đó, phối hợp với nông dân có giải pháp phù hợp để tạo ra sự ổn định về giá cả trên thị trường trong nước và có lợi cho giá XK.

Thật vậy, không hội nhập không thể phát triển được. Nhưng hội nhập chỉ mới là điều kiện cần, điều kiện đủ là phải gắn với cải cách trong nước. Trong nước phải nỗ lực rất nhiều để vươn lên, sự tương tác giữa Chính phủ và DN phải sâu và mạnh hơn.

Chính phủ phải đồng hành với DN trong vấn đề chuyển dịch ngành nghề hoặc phát triển theo hướng xanh được khuyến khích... Với các DN đưa hàng ra nước ngoài, đừng chỉ nghĩ cái lợi là mở rộng thị trường, cần nghiên cứu sâu hơn, về luật, luật cạnh tranh, bảo hộ, quy định của các nước tham gia trong cộng đồng. 

Trần Trọng Triết

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh