Xuất khẩu gạo khoảng 6,5 triệu tấn năm 2014
- Huyệt vị
- 20:46 - 06/01/2015
Cũng theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) công bố kết quả giao hàng từ ngày 1 - 26/12/2014 đạt 195.747 tấn, trị giá FOB 93,618 triệu USD, trị giá CIF 95,525 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu gạo từ ngày 1/1 đến ngày 26/12/2014 đạt 6,036 triệu tấn, trị giá FOB 2,656 tỷ USD, trị giá CIF 2,797 tỷ USD.
Điều đáng nói của hoạt động xuất khẩu gạo năm nay là dù giảm khoảng 2,3% về lượng nhưng gạo xuất khẩu của Việt Nam lại tăng 2,6 % về trị giá so với cùng kỳ năm 2013.
Con số được ngành Hải quan thống kê cho thấy, giá FOB xuất khẩu gạo bình quân 11 tháng đạt 463 USD/ tấn, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2013. Dự kiến xuất khẩu gạo cả năm 2014 đạt khoảng 6,5 triệu tấn, đảm bảo tiêu thụ hết lúa gạo hàng hóa cho người nông dân.
Cũng theo VFA, so với tuần trước thì giá gạo nguyên liệu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang giảm nhẹ khoảng 50 đồng/kg, trong khi giá lúa khô kho vẫn giữ nguyên. Cụ thể, giá lúa khô tại kho loại thường dao động từ 5.450 – 5.550 đ/kg, lúa dài khoảng 5.650 – 5.750 đ/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 7.050 – 7.150 đ/kg (tuần trước là 7.100-7.200 đồng/kg) ; gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.850 – 6.950 đ/kg (tuần trước là 6.900- 7.000 đồng/kg). Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 8.100 – 8.200 đ/kg, gạo 15% tấm 7.700 – 7.800 đ/kg và gạo 25% tấm khoảng 7.350 – 7.450 đ/kg.
Ngoài ra, VFA cũng cho biết thêm, Mexico không phải là thị trường nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam nhưng mỗi năm cũng có hàng chục ngàn tấn gạo của nước ta vào thị trường này. Ước tính, cả năm 2014 Việt Nam có thể xuất khẩu 87 tấn gạo vào Mexico. Trước việc Mexico áp dụng lại biểu thuế nhập khẩu gạo, Thương vụ Việt Nam tại Mexico đã đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước tính toán lại giá xuất khẩu, đồng thời thông báo cho đối tác nhập khẩu biết.
Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho biết: Năm 2014, Việt Nam đã đẩy mạnh việc mở rộng thị trường xuất khẩu gạo, tập trung khai thác nhiều thị trường mới như Trung Đông. Hiện nay gạo Việt Nam đã có mặt tại 135 quốc gia và vùng, lãnh thổ, trong đó, thị trường Châu Á chiếm gần 77%, tăng trưởng gần 24 %; thị trường Châu Mỹ chiếm trên 7,6%, tăng trưởng trên 4,6%; thị trường châu Úc chiếm 0,88%, tăng trưởng trên 12%; thị trường Trung Đông chiếm trên 1,2 %, tăng trưởng gần 33% về lượng so với cùng kỳ năm 2014. |