Thủy sản 2015: Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu 8,5 tỷ USD
- Huyệt vị
- 15:08 - 12/01/2015
Thu nhập lao động tăng mạnh
Xuất khẩu thủy sản năm 2015, dự báo vẫn tiếp tục dựa vào nhóm sản phẩm chủ lực là tôm, cá tra và hải sản. Trong đó tôm là mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất, đạt gần 3,8 tỷ USD năm 2014. Các mặt hàng thủy sản xuất sang các thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU... năm qua đều tăng. Đặc biệt Mỹ dẫn đầu thị trường nhập khẩu hàng đầu sản phẩm thủy sản Việt Nam, chiếm gần 25% tổng giá trị các mặt hàng xuất khẩu.Theo phân tích của các chuyên gia, sở dĩ xuất khẩu thủy sản năm 2014 đạt 7,9 tỷ USD, là nhờ phần lớn vào việc các bộ, ngành và địa phương triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản và hỗ trợ ngư dân sản xuất đánh bắt xa bờ. Do vậy, các mặt hàng mực, bạch tuộc, cua ghẹ và các loại cá biển khác đều tăng, góp phần nâng cao mức thu nhập của ngư dân, phục vụ xuất khẩu.
Chế biến cá xuất khẩu
Bên cạnh những tín hiệu vui, thì mặt hàng xuất khẩu chủ lực là tôm với 11 lô hàng liên tiếp bị một số thị trường lớn như Nhật Bản, EU cảnh báo về sản phẩm chứa dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép. Thực tế này đang khiến các doanh nghiệp, cũng như cơ quan quản lý đau đầu và là chuyện đã kéo dài nhiều năm, nhưng việc khắc phục vẫn chậm trễ, do khâu kiểm soát chất lượng thức ăn trong nuôi trồng, chưa đảm bảo theo quy trình đề ra. Năm 2013 thu nhập bình quân của mỗi công nhân là 4,2 triệu đồng/tháng, năm 2014 được nâng lên 5,2 triệu đồng/tháng.
Năm 2015, các doanh nghiệp chế biến thủy sản phấn đấu mức đưa thu nhập của công nhân đạt 6 triệu đồng/tháng. Đề ra kế hoạch là vậy, nhưng bản thân các doanh nghiệp chế biến thủy sản không nhanh chóng tìm hướng khắc phục các sản phẩm xuất khẩu chưa đạt chuẩn, thì nguy cơ trong thời gian tới, một số quốc gia dừng nhập khẩu các sản phẩm của Việt Nam, chuyển sang nhập ở thị trường khác, sẽ xảy ra.
Tập trung gỡ khó
Rõ ràng thách thức lớn nhất mà ngành xuất khẩu thủy sản phải vượt qua trong năm 2015, chính là khâu giữ thị trường. Việc tiếp tục lơ là trong đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sẽ khiến doanh nghiệp tự đánh mất thị trường. Do vậy, bên cạnh việc tập trung tháo gỡ các vướng mắc nội tại, cần tăng cường xúc tiến thương mại, mở thêm thị trường mới, đấu tranh với một số quốc gia áp đặt giá phi lý mặt hàng nhập khẩu.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết: Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu thủy sản liên tục tăng, nhưng việc các mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra lại không mấy khả quan. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do giá cá tra nguyên liệu giảm thấp nên người nuôi cho ăn cầm chừng, kéo dài thời gian, cá không đạt kích cỡ thu hoạch. Giá cá tra nguyên liệu trong các tháng cuối năm dao động từ 21.000-22.000 đồng/kg. Với giá này, người nuôi lỗ từ 1.500-2.000 đồng/kg.
Khó khăn nổi cộm nhất trong năm qua là tình trạng một số mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam bị thua thiệt về thuế chống bán phá giá. Cụ thể, thuế chống bán phá giá tôm của Việt Nam ở thị trường Mỹ (ngoại trừ một số doanh nghiệp không bị áp thuế), theo phán quyết cuối cùng đợt xem xét hành chính lần thứ 8 (POR8) do Bộ Thương mại Mỹ công bố, các doanh nghiệp đều phải chịu mức thuế chống bán phá giá rất cao, lên đến 6,37%. Với mức thuế như trên, dự báo mặt hàng tôm của Việt Nam sang Mỹ trong năm 2015, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng lớn so với các quốc gia như Indonesia, Ecuador đang được hưởng mức thuế thấp hơn nhiều. Chính vì thế, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm bị áp thuế chống bán phá giá, cần giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ, dịch chuyển đơn hàng sang các thị trường lớn khác như Nhật Bản, EU, Hàn Quốc.
Ngoài vấn đề thuế chống bán phá giá, năm 2014, chi phí cho hoạt động xuất khẩu gia tăng cũng tạo gánh nặng và áp lực lớn cho nhiều doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phải chịu hàng chục phụ phí các loại, như: Phí thủ tục, phí hóa đơn, phí lưu kho bãi, phí cầu đường, phí giao hàng lẻ theo container.... So với 2013, các loại phí này tăng 20-30%, dẫn đến lợi nhuận của doanh nghiệp giảm mạnh.
Để duy trì, giữ được các thị trường nhập khẩu thủy sản có thế mạnh, theo ông Trương Đình Hòe, năm 2015 ngành thủy sản sẽ phải cơ cấu lại hoạt động. Chú trọng đẩy mạnh tìm kiếm các thị trường có tiềm năng khác như: ASEAN, Trung Quốc, Nga, Trung Đông... Đây là yêu cầu cấp thiết, khi việc xuất khẩu sản phẩm thủy sản truyền thống sang các thị trường chủ lực vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Hiện nay, các thị trường ASEAN, Trung Đông lại có sự tăng trưởng mạnh mẽ và dự báo nhu cầu nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam sẽ còn tăng trong năm 2015