THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:36

Xuân về trên các làng nghề truyền thống

Xuân về làng đúc đồng

Theo các vị cao niên kể lại thì làng nghề Diên Thủy đã có từ xa xưa. Anh Biền Ngọc Triều ngoài 50 tuổi, đời thứ 5 của dòng họ Biền chuyên đúc đồng kể: “Ông nội tôi năm nay đã 107 tuổi, là người chỉ dạy cho chúng tôi gắn bó với nghề đúc đồng, trước đó đã có nhiều thế hệ gắn bó với nghề”.

Như vậy có thể nói nghề đúc đồng có từ rất lâu rồi. Các sản phẩm đồng ở làng nghề Diên Thủy cũng khá đa dạng: Từ khay đồng, mâm đồng, chum đồng, cho đến các loại dàn đèn đồng.

Xuân là dịp các sản phẩm đúc đồng tiêu thụ được nhiều, nên không khí làm việc tại làng đúc đồng rất gấp gáp, hối hả. Dịp Tết, người từ các địa phương tấp nập đến đặt mua các loại lư hương, dàn đèn đồng, trưng lên bàn thờ.

Những sản phẩm đồ đồng có giá khác nhau tùy thuộc vào kích thước, hoa văn. Loại ít tiền cũng cỡ 1 triệu đồng, loại kích cỡ lớn thì khoảng 10 triệu đồng, trừ đi chi phí dịp Tết này gia đình anh Triều thu về khoảng 30-40 triệu đồng.

Còn gia đình anh Nguyễn Văn Lâm, hộ gia đình có tới 9 người theo nghề đúc đồng, cả gia đình anh hối hả, gấp rút làm ngày làm đêm bởi năm nay số đơn đặt hàng nhiều gần gấp đôi năm ngoái.

Vất vả là thế nhưng cả gia đình anh Lâm ai nấy đều vui vì có việc làm, được sống với nghề và có thu nhập.   

Để có những sản phẩm kịp bán Tết, hàng trăm hộ làm nghề đúc đồng tại làng đúc đồng Diên Thủy, Diên Khánh phải huy động tất cả mọi người trong gia đình làm nghề. Nhiều gia đình còn phải thuê thêm lao động để kịp cho sản phẩm ra thị trường đúng dịp Tết.

Bác Đinh Thị Hai, đã 73 tuổi nhưng tay vẫn cầm búa gõ những lớp đất nung đang dính vào những chiếc lư đồng, vẻ mặt tươi cười tâm sự với chúng tôi: “Được làm việc, phụ giúp con cháu tuy cực nhọc một chút nhưng mà vui lắm các anh à! Cả năm chỉ dồn vào những ngày Tết, ra năm thì công việc thong thả hơn, cứ vào Xuân là đơn hàng lại tăng lên, nhiều người lớn tuổi như chúng tôi phụ giúp con cháu để công việc sớm hoàn thành”. nghề dệt chiếu

Sắc xuân làng nghề dệt chiếu  

Chia tay với làng nghề đúc đồng Diên Thủy, chúng tôi đến với đến làng dệt chiếu Mỹ Trạch, Ninh Hòa. Tới thăm gia đình chị Cúc, một trong những gia đình có truyền thống dệt chiếu thấy cả 5 thành viên đang say sưa bên khung dệt.

Với giọng nói nhẹ nhàng chị Cúc tâm sự: “Tôi học nghề dệt này từ lúc 10 tuổi từ cha mẹ, lớn lên theo chồng vẫn chung thủy với nghề. Làm nghề thêu dệt, đòi hỏi con người ngoài sự khéo léo thì phải kiên trì, chịu khó và phải có tâm huyết với nghề.

Gia đình có 5 thành viên, hai vợ chồng là lao động chính đều theo nghề dệt chiếu, 3 người con ngoài giờ học đều phụ giúp gia đình thêu dệt”. Hiện nay sản phẩm chiếu tại làng nghề Mỹ Trạch gồm 2 loại chính: Chiếu caro (chiếu hoa) và loại chiếu thưa hơn được đan đại trà.

 Giáp Tết là thời điểm giá chiếu bán được cao nhất trong năm. Một đôi chiếu 1,4m thương lái mua tại chỗ giá 160.000 đồng/đôi, cỡ 1,6m có giá 200.000 đồng/đôi. Tính nhẩm gia đình có 7 lao động, mỗi một ngày dệt được hơn 10 đôi chiếu, trừ đi chi phí cũng thu về hơn 1 triệu đồng/ngày.

Nhiều người làm nghề dệt chiếu ở Mỹ Trạch cũng cảm thấy rất vui bởi giá chiếu bán ra thị trường vào dịp Tết này được giá. nghề truyền thống đánh bắt cá xa khơi!

nghề truyền thống đánh bắt cá xa khơi!  

Khánh Hòa là địa phương có chiều dài bờ biển rất lớn (trên 200 km bờ biển), từ xa xưa nghề đánh bắt thủy sản đã hình thành và phát triển không ngừng.

Để tìm hiểu về nghề đánh bắt cá chúng tôi tới khu Hòn Rớ, thuộc xã Phước Đồng, TP.Nha Trang gặp ông Nguyễn Thanh Hà - hộ có 7 chiếc tàu đánh bắt cá xa bờ, được ông cho biết:

“Khu vực Hòn Rớ hiện nay có khoảng 300 hộ dân theo nghề đánh bắt hải sản. Những năm gần đây được sự hỗ trợ của Nhà nước, cùng với đó nhiều gia đình đã sắm được thuyền, tàu bè lớn, hệ thống máy móc hiện đại vươn khơi ra tới vùng biển Trường Sa - Hoàng Sa với những chuyến kéo dài hàng tháng trời”.

Trò chuyện với lão ngư Nguyễn Văn Phương, được biết: “Cứ vào dịp Xuân những người dân làm nghề đánh bắt cá lại thêm niềm vui, bởi đây dịp thời tiết ấm áp, biển cũng hiền hòa thuận lợi cho những chuyến tàu ra khơi.

Ngư dân coi mùa Xuân là “mùa no ấm”, mùa “hạnh phúc” của nghề đánh bắt cá”.  

Ông Mai Xuân Trí, PGĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Trên địa bàn tỉnh hiện nay có hàng chục làng nghề truyền thống. Nổi tiếng nhất là nghề đúc đồng ở Diên Thủy, chiếu cói ở Vĩnh Thái, nghề mây tre đan ở Cam Lâm, Vạn Ninh, Ninh Hòa.

Trong thời gian qua UBND tỉnh Khánh Hòa rất chú trọng phát triển nghề truyền thống, khuyến khích phát triển các nghề mới, đầu tư nghề đánh bắt cá biển với mục tiêu phát triển kinh tế địa phương, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động”.

Xuân Hướng

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh